Ngay từ khi chập chững bước vào trường mẫu giáo, việc gần như đầu tiên mà chúng ta được dạy đó chính là xếp hàng. Việc này diễn ra thường xuyên trong suốt 12 năm học phổ thông và lặp lại thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng một thực tế đáng buồn là nhiều người sẵn sàng “quên” thói kỷ luật đó, nhất là khi thấy những gì gắn liền với hai chữ “miễn phí”. Đến cả những dịch vụ phải bỏ tiền ra để hưởng, người ta cũng sẵn sàng “đạp lên nhau”.
Trong năm qua, những sự kiện gây chấn động nhất cho mọi người có thể kể đến công viên nước Hồ Tây miễn vé vào cổng, mũ bảo hiểm miễn phí, chen lấn mua vé xem Man City… Hay đến cả việc xin cho con vào lớp một lẫn đi tiêm vắc xin dịch vụ miễn phí cũng chẳng trật tự hơn là bao. Thậm chí đến cả trong môi trường đại học, nhiều sinh viên cũng chẳng hề tôn trọng quy tắc này khi đi thang máy.
Để lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, có lẽ tâm lý “sợ mất phần” là câu trả lời tốt nhất. Ai cũng chăm chăm lo cho lợi ích của bản thân, sợ người khác giành mất phần ngon, chỗ tốt của mình nên ra sức chen lấn, giành giựt. Câu danh ngôn “cái gì cũng có cái giá của nó” trong trường hợp này dường như trở nên vô nghĩa. Bởi lẽ, đôi khi người ta đội nắng đội mưa chen lấn để giành giật với nhau những thứ chưa hẳn là có “giá trị” gì cho cuộc sống của họ.
Đã từng có ý kiến cho rằng người ta không xếp hàng vì “mất niềm tin vào sự công bằng”. Xã hội có quá nhiều chuyện tiêu cực, chuyện chen ngang, mất chỗ diễn ra công khai và thường xuyên khiến người ta phải lo thủ thế. Nhưng chẳng lẽ chỉ vì người khác hành xử kém văn minh mà mình lại đánh mất sự văn minh tốt đẹp của chính mình?
Thói bon chen, vụ lợi về lâu dài chẳng mang lại lợi ích gì cho ai cả. Khi thời khó khăn đã qua, người ta chẳng còn lý do gì để bao biện cho hành vi “bỏ quên” ý thức cộng đồng. Tại sao phải cố gắng dạy cho những đứa trẻ biết xếp hàng trong khi người lớn lại “cố tình” chẳng nhớ?