Sao & Đời Sống

Chúng ta đang sống trong một xã hội…. ‘nặng lời’?

Ngô Bá Lục
Chia sẻ

Bất cứ ai “dính phốt” gì cũng đều bị cộng đồng mạng mang ra mổ xẻ. Bàn tán chưa đủ, những kẻ “tội đồ” còn phải chịu biết bao nhiêu những lời cay nghiệt, miệt thị, thậm chí còn bị lôi cả cha mẹ họ ra để nguyền rủa. Thật đáng sợ!

Câu chuyện nữ ca sỹ Hương Giang hỗn láo với nghệ sỹ bậc cha chú Trung Dân trong một chương trình truyền hình thực tế đã làm nóng mặt báo 2 ngày qua. Cộng đồng mạng cũng “sôi sùng sục” với scandal này. Rõ ràng Hương Giang đã sai, cô ấy cũng đã nhận ra lỗi lầm của mình, đã trực tiếp xin lỗi nghệ sỹ Trung Dân và khán giả,… Thói thường, khi người mắc lỗi đã cúi đầu nhận lỗi thì người ta cũng sẽ tha thứ, nếu sự việc không cần đến pháp luật giải quyết. Tuy nhiên, cộng đồng mạng thì không hẳn như vậy. Đã có nhiều, rất nhiều lời cay nghiệt dành cho Hương Giang. Họ miệt thị từ giới tính (chuyển giới) đến “tài năng kém cỏi”, thậm chí họ còn lôi cả bố mẹ Hương Giang vào cuộc, đến mức cô ca sỹ này suy sụp tinh thần, tắt điện thoại, đóng trang cá nhân, gần như “biến mất” khỏi showbiz trong những ngày “bão tố”.

Tất nhiên, Hương Giang không phải trường hợp duy nhất, trước đó, đã có biết bao nhiêu nghệ sỹ khi “có biến” đều bị đám đông cư dân mạng đưa lên bàn mổ xẻ. Không chỉ người nổi tiếng, ngay cả những kẻ vô danh nhưng lỡ bị tố “giật chồng”, hoặc “đánh ghen”,…thì chưa cần biết đúng - sai, phải - trái, chỉ cần nhìn hình ảnh hay clip là người ta có thể tuôn ra biết bao nhiêu lời miệt thị, chửi rủa, cay nghiệt,… y như chính mình hoặc là người thân của mình là “nạn nhân” vậy. Trong khi trên thực tế, đa số chẳng biết thực hư câu chuyện ra sao, chủ yếu tự mình suy diễn theo những gì nhìn thấy… trên mạng, thế là quy chụp tội danh và lên tiếng giảng dạy đạo đức.

“Chửi đổng tập thể” hay “ném đá hội đồng” đã thực sự trở thành vấn nạn trong những năm gần đây, khi mạng xã hội ngày càng phát triển. Từ việc đưa ra quan điểm của mình về một sự việc nào đó (nếu hay thì khen, dở thì chê, thậm chí tư vấn cho người ta cách giải quyết hợp lý..) theo đúng cách phê bình thì hiện nay, rất nhiều người đã biến câu chuyện “góp ý” thành nơi để xả hết những bực tức, ganh ghét, đố kỵ của bản thân, chậm chí chỉ cần “ngứa mắt” hoặc không giống suy nghĩ của mình là có thể tung hê hết lên, “tổng sỉ vả” cho bõ ghét.

Không biết từ bao giờ, nhiều người có thói quen cứ thấy việc gì trái ý mình là chửi. Từ mạng xã hội đến cuộc sống đời thực. Trên mạng, tính chất “giấu mặt” nên nhiều người chả lo nghĩ bị ai phát hiện nên tha hồ chửi bậy đã đành, ở ngoài đời, những mâu thuẫn nhỏ cũng có thể xảy ra cãi nhau, thậm chí đánh nhau.

Học sinh thì chửi lộn, đánh hội đồng rồi quay clip tung lên mạng. Người lớn thì chỉ va chạm nhẹ trong khi tham gia giao thông cũng có thể sửng cồ lên chửi bới, mạt sát nhau thay vì bình tĩnh phân tích đúng sai hoặc nhờ đến cảnh sát giao thông can thiệp. Đó chính là điều đáng buồn, một trong những mặt trái của xã hội hiện đại, khi mà cái “tôi” được đề cao, và tự do ngôn luận được coi trọng.

Tuy nhiên, “tự do ngôn luận” không có nghĩa là chúng ta muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi. Mọi thứ đều cần phải có giới hạn, pháp luật cũng đã có những quy định cụ thể trong vấn đề ứng xử trên mạng cũng như tranh chấp dân sự ngoài đời. Đã từng có những người phải chịu hình phạt của luật pháp khi lăng mạ và làm nhục người khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn nằm ở ý thức của mỗi người. Bởi một xã hội có văn minh thì không chỉ có một nền luật pháp hiện đại, mạnh mẽ mà còn phụ thuộc vào trình độ dân trí của mỗi người.

Trong chúng ta đều tồn tại hai mặt Tốt - Xấu. Tuỳ vào trình độ văn hoá và sự hiểu biết của từng người mà sẽ có cách hành xử khác nhau. Nếu như chúng ta biết hạn chế cái xấu thì cái tốt đương nhiên sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn. Mỗi lần nóng giận, chúng ta hãy kiềm chế lại. Mỗi khi đọc được, hay nhìn thấy một sự việc nào đó trên mạng, hãy thật bình tâm để tìm hiểu bản chất sự việc và từ đó, đưa ra những ý kiến khách quan bằng những lời lẽ có lịch sự, mang tính chất xây dựng,… điều đó thể hiện văn hoá của chính chúng ta. Đừng biến mạng xã hội thành “bãi rác” để xả hết những điều bực dọc của mình lên đầu một ai đó, như thế, bạn đang vô tình xúc phạm đến người khác và làm tổn thương họ.

Hãy đặt địa vị mình vào những kẻ được coi là “tội đồ”, khi ấy bạn sẽ nghĩ khác. Trong cuộc sống, không ai tự vỗ ngực mình là người hoàn hảo và không bao giờ mắc sai lầm. Vì thế, nếu như muốn người khác tha thứ cho mình nếu chẳng may mắc lỗi, thì hãy bao dung cho những kẻ lỡ “mang tội” ngoài kia. Đừng chỉ vì những phút nóng giận hoặc “ngứa mắt” mà buông ra những lời cay độc, bởi các cụ đã đúc kết “Lời nói, đọi máu” - chỉ là một lời nói nhưng nó có thể giết chết một con người.

Người xưa đã dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Văn hoá phê bình là điều vô cùng cần thiết trong cuộc sống, nhưng hãy phê bình bằng những ngôn từ đúng mực, vô tư, khách quan và mang tính xây dựng. Hãy nhẹ nhàng hơn đối với nhau vì cuộc sống của chúng ta thực ra rất ngắn ngủi, hãy sống nhân văn và vị tha thay vì những lời nói nặng nề, cay nghiệt.

Chúng ta chỉ thực sự cảm thấy bình an, nhẹ nhõm khi những phiền muộn trong lòng tan biến, mà một trong những điều ấy, chính là sự vị tha và hướng thiện trong tâm hồn.

Chia sẻ

Bài viết

Ngô Bá Lục

Tin mới nhất