Sao & Đời Sống

'Chia tay đòi quà' xưa rồi, bây giờ mời cưới không đi được thì yêu cầu… chuyển khoản

Vương Phi
Chia sẻ

Những câu chuyện chia tay đòi quà, khi đăng tải khiến người đọc chỉ biết đặt những dấu chấm dài vì "cạn lời". Nhưng thời buổi bây giờ, nhiều người sống "sòng phẳng" quá, thế nên chẳng cần phải là quan hệ yêu đương trải qua nhiều biến cố phức tạp, cứ có quà trao đi thì nhất định phải có lúc đòi về.

Choáng với màn đòi “nằng nặc” 500k tiền mừng cưới

Điển hình cho cách sống này là chuyện quà cưới có qua có lại, không đi mừng người ta cũng kiên quyết đòi cho bằng được. Giống như mới đây, cộng đồng mạng được phen xôn xao vì vụ việc cô dâu “lầy lội nhất năm”, quyết tâm đòi 500k tiền mừng cưới từ một người chị mà theo nội dung tin nhắn, có nhắc cả đến gia đình, bố mẹ thì chắc hẳn, mối quan hệ này cũng “không phải dạng vừa đâu”.

Màn mời cưới thực chất chỉ là để đòi nợ.

“Chẳng cần phải nói nhiều, tóm lại là bao giờ thì chị định trả em 500k?”

Quen biết như vậy nhưng khi mời cưới, cô dâu không đưa thiệp, quà hỷ cũng chẳng được một câu nói nào tử tế. Cô gái trẻ nhắn tin qua mạng một lời nói xã giao, chưa cần thông báo ngày giờ, địa điểm cưới xin nhưng số tài khoản ngân hàng thì lại được nêu đầu tiên, chẳng sai số nào.

Đáp lại thái độ muốn nói cho rõ đầu cua tai nheo của người chị, cô dâu trẻ chỉ khăng khăng một triết lý: “đó là tiền của em”, “chị không định có qua có lại à?”. Đọc tin nhắn, ai nấy đều dễ thấy, mục đích cô gái trẻ “inbox” cho người chị chẳng phải vì muốn mời cô đến chung vui mà đơn giản, chỉ để “xin” lại món tiền 500k.

Cuối cùng sau màn đòi tiền “lầy lội”, cô dâu cũng thu được kết quả.

Cuối cùng, sau màn đòi tiền chẳng kiêng nể ai của cô dâu, người chị cũng trả lại tiền và trong nội dung chuyển khoản còn phải ghi rõ: “trả tiền mừng cưới”. Cuộc hội thoại đến đó là kết thúc nhưng câu chuyện về việc đòi quà cưới khiến không ít dân mạng còn bức xúc mãi.

Bấy lâu nay, ai cũng nghĩ việc mừng cưới xuất phát từ cái tâm mỗi người, có bao nhiêu, đi bấy nhiêu. Chúng ta mừng cưới trên cơ sở tự nguyện và chẳng cầu phải được hoàn trả. Thế nhưng suy nghĩ tốt đẹp ấy, có vẻ đã không còn đúng với thực tế. Đám cưới giờ đây là nơi người ta thể hiện và đánh giá lại các mối quan hệ. Tiền mừng cưới, từ vị trí thứ yếu, biến thành vấn đề vô cùng quan trọng. Ai đi hay không đi, nếu đi thì mừng bao nhiêu tiền đều rất được quan tâm.

Thiệp mừng cưới biến thành công văn đòi nợ.

Bên cạnh thái độ “ném đá” dữ dội vào cô dâu, không ít người lại đưa ra những lời bình luận phân tích rằng, rõ ràng cô ấy không có ý định mời cưới mà ngay từ đầu, chỉ muốn đòi lại tiền. Điều ấy chứng tỏ mối quan hệ của hai người không hề tốt đẹp. Cô ta cũng nhắc chuyện từng mừng cưới người chị với thái độ không mấy dễ chịu, giống như việc phải bỏ vào phong bì 500k trước đây là điều rất miễn cưỡng. Vậy thì cũng phải xem lại người kia, liệu có phải đã biết người ta không ưa mình nhưng vấn cố mời cho được hay không?

Tới lúc này, câu chuyện dân mạng quan tâm lại quay về một đề tài đã cũ nhưng vẫn luôn “nóng”. Đó là đám cưới nên mời ai, mời thế nào cho đúng để không gây phiền hà cho những người mà cô dâu, chú rể thực ra ít qua lại.

“Bí kíp” tránh bị đòi quà cưới: Xin đừng mời đến những người bạn không thật sự thân thiết!

Sáng nay đến công sở, chị đồng nghiệp than phiền mãi vì việc bị một người không biết mặt mời cưới. Số là công ty có nhiều bộ phận, mỗi người ở một “team” khác nhau nên ít qua lại. Chị ấy lại mới vào nên chưa biết mặt khắp mọi người. Vậy mà một sáng đi làm, bỗng nhiên thấy trên bàn có một tấm thiệp hồng mời cưới. Tên chị đã ghi chình ình ở dưới, chẳng sai đi đâu chỉ có điều, tên cô dâu chú rể thì chị thấy lạ hoắc, chẳng biết ai là ai.

Không biết từ khi nào, những chiếc phong bì đỏ đôi lúc lại làm người ta khiếp hãi đến vậy?

Ngơ ngác mất 5 phút, chị mới nhìn ra xung quanh thì thấy ai cũng có thiệp cưới. Hỏi ra mới biết, một cô gái bên bộ phận khác sắp cưới chồng, đã xin danh sách nhân viên toàn công ty từ phòng trị sự, ghi thiệp và phát quà cho “cả làng”. Thời buổi công nghiệp hóa nên chuyện mời cưới, nó cũng phải nhanh gọn và công nghiệp như thế đấy!

Thực sự chị bối rối, đi cũng dở vì có biết cô dâu là ai đâu mà đi. Nhưng không đi cũng kỳ, người ta làm cùng công ty không lẽ không đi, đồng nghiệp lại dị nghị“, chị than phiền.

Tiền mừng đám cưới biến thành một “quỹ đầu tư”.

Đấy, câu chuyện mời cưới trớ trêu vậy đó. Có những mối quan hệ dây mơ rễ má người ta cũng mời. Đi đám cưới mà không có lòng thành, chẳng vì chúc phúc cho 2 nhân vật chính thì người ta chẳng chăm chăm vào chuyện yến tiệc ra sao, mừng tiền bao nhiêu! Nếu không chú ý vào những thứ đó, người ta biết chú ý vào cái gì nữa? Cũng chính bởi mối quan hệ “chẳng là gì của nhau” như thế, nên đến lượt mình cưới, người ta mới chăm chăm lo không được “có qua có lại” như cô dâu nọ. Bởi vì mối quan hệ chẳng sâu sắc nên người ta cũng chẳng ngần ngại mà ngửa bài, đòi tiền thẳng mặt vì sợ chút mồ hôi công sức, sẽ mất đi chỉ vì phút cả nể.

Có người nói rằng, ở Việt Nam chẳng có dịch vụ nào bội thu như đám cưới. Người người cưới, nhà nhà cưới và ai ai cũng hăm hở, mời đủ mặt bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, đối tác, người thoáng quen để “quảng bá” ngày vui và cũng là dịp thu hồi khoản đầu tư không hề nhỏ mà mình đã bỏ ra.

Hình ảnh một đám cưới cô dâu chú rể đeo đầy vàng khiến dân tình choáng váng.

Đám cưới không chỉ là một cực hình đối với những người khách không quen mặt cô dâu, chú rể như chị đồng nghiệp mà ngược lại, ở phía 2 nhân vật chính, họ cũng chẳng lấy gì làm sung sướng. Họ, những người đáng lẽ phải vui nhất trong ngày trọng đại thì cả hai lại chỉ mong tiệc cưới trôi qua thật nhanh. Hai gương mặt đã trang điểm, mệt mỏi nhưng vẫn phải cố cười thật tươi, đi khắp các bàn tiệc chúc rượu với những người chẳng mấy thân quen. Và rồi những nụ cười “công nghiệp” ấy được đáp lại bằng những lời chúc xã giao, cái cụng ly sáo rỗng và việc bỏ tiền mừng thì ai cũng nhớ vì nó diễn ra như một công thức quen thuộc.

Gia chủ để ý xem ai mừng bao nhiêu, người đi dự tiệc thì băn khoăn không biết mình mừng thế đã đủ chưa. Và cơ số người khác, vừa đi đám cưới hôm nay đã nghĩ xem liệu vài tháng sau, mình có thu hồi lại đủ vốn liếng hay chăng.

Tất cả cái căn nguyên của việc mời cưới không đi, thẳng tay đòi quà nó là như thế. Một mối quan hệ đã đi đủ đến độ sâu cần thiết, chẳng ai lại đi đòi tiền nhau bằng thái độ trơ tráo như thế. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên cân nhắc để ngày đại hỷ, tránh mời nhầm phải những người không mấy quen thân.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất