Sao & Đời Sống

Chàng trai sáng làm nhân viên văn phòng, tối đi hát rong

Chia sẻ

Tốt nghiệp đại học kinh tế, có một công việc ổn định, cùng một mức lương khá cao. Tuy nhiên hàng đêm Thanh Ca vẫn rong rũi trên những con đường với niềm đam mê ca hát.

Áo sơmi, quần tây đen lịch sự, không giống những nghệ sĩ hát rong khác, anh chàng không chú tâm vào việc mời khách mua hàng, mà say sưa thả hồn vào từng giai điệu, khiến không ít người cảm thấy lạ kỳ.

Anh Nguyễn Thanh Ca - sinh năm 1988 tại Quảng Ngãi, trong một gia đình có đông anh chị em. Từ nhỏ anh chàng đã có niềm đam mê ca hát, tuy nhiên vì điều kiện gia đình khó khăn, cũng như bản tính nhút nhát nên Thanh Ca tạm gác ước mơ ca hát để đi theo một con đường thực tế hơn.

Năm 2007, anh đậu vào khoa tài chính doanh nghiệp của trường đại học Kinh Tế TP HCM, chăm chỉ học tập để thay đổi cuộc sống, sau khi tốt nghiệp Thanh Ca đã tìm được cho mình một công việc ổn định. Hiện tại anh chàng đang làm nhân viên tư vấn phần mềm kế toán của một công ty ở TP HCM.

_MG_9978

Công việc khá bận rộn, nhưng mang đến cho anh một mức thu nhập ổn định.

_MG_9983

Áp lực của công việc, sự tẻ nhạt của cuộc sống văn phòng, khiến Thanh Ca cảm thấy tâm hồn mình chai sạn. Anh tìm đến âm nhạc như sự giải tỏa cho bản thân và tìm kiếm lại niềm đam mê sống.

Thanh Ca bắt đầu hát trở lại, hát ở nhà, trong phòng tắm, tại công ty, bất kỳ lúc nào anh cũng có thể ngân nga. Như anh tâm sự: “Tôi nhát lắm, chỉ hát nhỏ nhỏ vừa đủ cho mình nghe thôi, vì tự cảm nhận mình hát chưa thật hay, nên sợ mọi người cười”.

Khi có kế hoạch mua đồ nghề về đi hành nghề hát rong, Thanh Ca bị người anh ruột nhất quyết ngăn cấm. “Anh tôi nói: mày học hành cao, công việc ổn định, việc gì phải đi làm nghề đó, nếu buổi tối rảnh thì kiếm việc làm thêm đàng hoàng mà làm!”- anh chàng tâm sự.

Đắn đo một thời gian, anh chàng quyết định ra ở riêng và hiện thực hóa giấc mơ đời mình. Sau một thời gian tìm tòi mua máy móc, khảo sát quán xá, anh bắt đầu đi hát.

_MG_0145

Đầu năm 2015, Thanh Ca bắt đầu tìm tòi và sắm sửa các thiết bị cho nghề.

Thường thì một tuần Thanh Ca đi hát ba đêm, tại ba khu vực trên đường Phạm Văn Đồng, bờ kè và Bình Quới. Anh chân thành chia sẻ: “Ban đầu sợ lắm, sợ họ chửi, không cho hát, nên thấy quán nào thân thiện mới dám tiếp cận. Dần dần sau này thì quen hơn, nên dạng dĩ hơn, thấy quán có khách là ghé vào. Cũng bị đuổi mấy lần nhưng giờ thì quen rồi, vì sau một thời gian họ thấy mình hát được và văn minh nên họ quý”.

_MG_0148

_MG_0154

Chưa bao giờ Thanh Ca cảm thấy mặc cảm về công việc của bản thân, tuy nhiên anh không dám tiết lộ với gia đình về công việc và đam mê của mình vì sợ ba mẹ không thấu hiểu. Bởi đa số mọi người vẫn có cái nhìn định kiến với nghề hát rong, xem đây là công việc dành cho những người ít học, nghề mua vui và không đáng tôn trọng. 

Thế nhưng, cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, khi gia đình biết được thông tin anh đi hát đã ra sức ngăn cản. Phần vì lo sợ về sức khỏe, phần vì định kiến nghề nghiệp, nên khoảng thời gian đó, Thanh Ca đã phải đấu tranh rất nhiều để được tiếp tục đi hát.

_MG_0162

Khi được hỏi về khoảng thời gian dành riêng cho bản thân, Thanh Ca vui vẻ nói: “Thời gian đi hát chính là thời gian dành riêng cho bản thân, sau một ngày làm việc vất vả, tôi tìm đến âm nhạc để giải khuây, để cảm thấy yêu đời hơn mà lại có thêm thu nhập cho cuộc sống.Vậy không phải là rất thú vị sao?”.

_MG_0169

Không sân khấu tráng lệ, không ánh đèn lung linh, giữa đường phố tấp nập người xe anh chàng tạm quên hết những lo toan trong cuộc sống, để nhẹ nhàng thả hồn mình vào từng giai điệu âm nhạc, và rồi tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc đến lạ thường.

“Nhiều lúc quán chỉ có một vài khách, tôi vẫn hát, hát hết mình, vì lúc đó tôi hát cho chính tôi chứ không phải cho một ai cả!” - Thanh Ca tươi cười kể.

Chia sẻ
Tin mới nhất