Sao & Đời Sống

Chặng đường trưởng thành gây tranh cãi của 'thần đồng' Đỗ Nhật Nam

Tường Vy
Chia sẻ

Đỗ Nhật Nam, cậu bé “thần đồng” năm nào đã chính thức tốt nghiệp và sắp bước vào ngưỡng cửa Đại học. Cùng nhìn lại chặng đường trưởng thành của gương mặt trẻ tuổi tài giỏi này nhé!

Đỗ Nhật Nam (sinh năm 2001) được biết tới một cậu bé thần đồng về tiếng Anh, là dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam với loạt thành tích học tập siêu khủng. Cậu từng hai lần được ghi vào Sách kỷ lục Việt Nam: Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. Năm 2014, Nhật Nam nhận được học bổng của trường Saint Paul, sau đó học tại Trường Phổ thông Church Farm School (Pennsylvania, Mỹ).

Cậu bé 10 tuổi ngày nào gây ấn tượng với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, giờ đây đã tròn 18 tuổi và tốt nghiệp THPT Church Farm School (Pennsylvania, Mỹ) để rồi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học. Được biết, trong quá trình học phổ thông, Nhật Nam đã đạt được rất nhiều thành tích như giải Ba hạng mục Nguyên tắc quản trị kinh doanh trong kỳ thi DECA, điểm tổng kết 2 học kỳ đạt 99/100 điểm… Với những thành tích này, Nhật Nam trúng tuyển vào trường ĐH Pomona College với suất học bổng trị giá 71.900 USD/ năm.

Có thể nói, chặng đường 18 năm qua của Đỗ Nhật Nam là quãng thời gian nỗ lực hết mình, phấn đấu không ngừng nghỉ của cậu và gia đình. Những thành tích mà Đỗ Nhật Nam có được cũng chính là niềm tự hào của gia đình, người thân và của cả đất nước. Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường phát triển của cậu bé, bên cạnh những lời khen, thì cũng có không ít ý kiến trái chiều, gây tranh cãi xoay quanh các phát ngôn và hướng phát triển của thần đồng này.

“Em không đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”

Năm 2013, trong một lần tham gia phỏng vấn, Đỗ Nhật Nam đã làm ”dậy sóng” dư luận bởi câu nói: “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn”. Cụ thể, khi được hỏi: Em có thích chơi những trò giống các bạn cùng tuổi Việt Nam và đọc những cuốn sách bạn bè hay đọc không? Nhật Nam cởi mở chia sẻ: “Đọc những cuốn sách như các bạn hay đọc thì không nhưng em thích chơi cầu lông và một số môn thể thao khác…. Sách các bạn đọc là truyện tranh còn em không thích đọc các loại truyện tranh lắm. Em thích đọc sách về tin học, xã hội, chính trị và khoa học…Mặc dù truyện tranh đôi lúc cũng có tác dụng nhưng như mẹ em nói, đó là những con sâu đục khoét tâm hồn'.

Câu nói này của Nhật Nam đã làm cho cộng đồng mạng “ngã ngửa” vì quá ngạc nhiên, bởi từ lâu, truyện tranh là một món ăn tinh thần không thể thiếu của hầu hết trẻ em và cả người lớn. Rất nhanh chóng, phát ngôn này bị nhiều người lớn phản đối và cho rằng ”Đỗ Nhật Nam đã bị đánh mất tuổi thơ ở độ tuổi quá sớm!”. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người bênh vực Đỗ Nhật Nam với quan điểm: ”Đây chỉ là sự khác biệt trong cách ăn nói, suy nghĩ và hành động giữa một đứa trẻ đang phát triển vượt bậc so với những đứa trẻ thông thường mà thôi.”

Sự già dặn trước tuổi 

Vào năm 2013, lúc Đỗ Nhật Nam 11 tuổi, một clip phỏng vấn Đỗ Nhật Nam đã gây xôn xao MXH vì thái độ và sự già dặn của cậu bé này.

Theo góc nhìn của cư dân mạng, họ cho rằng, đó là thái độ được miêu tả là “quá tự tin vào bản thân mình, và có phần hơi… chảnh”. Cậu bé trò chuyện với người lớn nhưng lại không ngồi ngay ngắn và nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi giao tiếp. Hơn nữa, Nhật Nam hầu như chỉ bàn luận và nói về những vấn đề to tát, mang tầm vĩ mô, những kiến thức mà ở độ tuổi như em ít bạn biết, bên cạnh đó, cậu bé tỏ ra khá thờ ơ và phớt lờ với những thứ mà các bạn cùng độ tuổi hay chơi.

Thậm chí, nhiều bạn theo dõi cậu bé còn tỏ ra ‘thương cảm’, ‘tội nghiệp’ khi cho rằng cậu bé đã đánh mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ cũng như những sở thích của một đứa trẻ bình thường. “Một ông cụ non, hỏng tuổi thơ của bé”, “Trẻ con mà không biết Doreamon là gì, nghĩ cũng buồn!”, “già trước tuổi”… là ý kiến chung của nhiều người khi xem xong clip phỏng vấn Nhật Nam.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng đây là cách mà em ấy và gia đình đã lựa chọn, miễn là em ấy thấy hạnh phúc và gia đình hãnh diện là được. ”Cũng cần cân nhắc lại rằng liệu cộng đồng mạng có đang “nhìn mặt bắt hình dong” khi mới chỉ xem một clip về Nhật Nam mà đã có những phản ứng gay gắt, thậm chí đưa ra những nhận xét có phần chủ quan về em và gia đình. Liệu rằng “hiện tượng” Đỗ Nhật Nam có đáng để cư dân mạng phán xét này nọ khi chưa hề gặp mặt hay trò chuyện với em. Và quan trọng hơn cả, có chăng người xem đang nhìn nhận vấn đề theo số đông?” - cũng là một ý kiến phản biện khác xoay quanh hiện tượng này.

Cách dạy con của mẹ cậu bé Đỗ Nhật Nam: “Có phải nhiều kiến thức là tốt khi con chỉ mới còn là một đứa trẻ lên Ba lên Mười.”

Ngay sau khi bài báo “Mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam chia sẻ 8 bước dạy con khi 3 tuổi” được đăng tải trên VTC News, cộng đồng mạng đã bắt đầu bàn tán, tranh cãi về bí quyết giáo dục con của chị Phan Hồ Điệp - mẹ em. Cụ thể, chị Điệp chia sẻ: “Giai đoạn 2-3 tuổi có thể coi là bước tiến vượt bậc trong phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nó làm cho đứa trẻ trở nên “yêu ơi là yêu” vì sự líu lo, ríu rít suốt ngày. Chính vì thế, tận dụng để dạy ngôn ngữ cho trẻ là điều rất tuyệt”

Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, nhiều người đã tranh luận sôi nổi về các phương pháp của chị Điệp. Không ít dân mạng ủng hộ và cho rằng cách giáo dục của chị Điệp là thông minh và nuôi dạy con tốt.

Một dân mạng bình luận: “Một người mẹ rất thông minh, rất biết cách giáo dục con. Không như mấy người lúc nào cũng chỉ biết ghen tị với người khác rồi lại tự dìm những ngân tài của đất nước. Sau đó lại than thở tại sao những nước khác phát triển rồi giàu có này nọ mà Việt Nam vẫn cứ nghèo. Đó là nhờ sự ghen ăn tức ở với người khác. Bản thân chẳng làm được gì mà cứ đi chỉ trích mấy đứa nhỏ chỉ vì nó giỏi hơn mình”.

Trong khi đó nhiều người lại tỏ vẻ thờ ơ, phản đối cách giáo dục của mẹ Nam với quan điểm ”nhồi nhét” kiến thức quá nhiều vào một đứa trẻ sẽ khiến đứa trẻ ấy khó hòa nhập với cuộc sống và bạn bè xung quanh, mà chỉ mãi quẩn quanh trong cái tổ của mình. . Bạn trẻ có nickname Ngộ Không nói: “Sau này có con tôi chỉ cần nó ngoan ngoãn, khỏe mạnh và dạy nó trở thành người tốt là được rồi”.Hay bạn Kiên Vũ Trí thì thẳng thắn: “Sinh ra làm con người bình thường hạnh phúc hơn là làm ông thần này thần nọ. Có những phụ huynh không nghĩ thế.”

Dù có nhiều ý kiến khen, chê về cách giáo dục của chị Phan Hồ Điệp - mẹ em Đỗ Nhật Nam nhưng thực tế rằng, mỗi người, mỗi gia đình có một cách giáo dục con cái khác nhau trong hoàn cảnh khác nhau. Có thể với người này cách dạy con là đúng là hay nhưng với người khác lại không hợp lý. Điều quan trọng là con cái chúng ta sẽ lãnh hội được gì khi nhận được cách giáo dục đó.

Kết

Sau cùng, những tranh cãi, ồn ào xoay quanh cậu bé Đỗ Nhật Nam cũng chỉ là quá khứ. Giờ đây, Đỗ Nhật Nam đã trưởng thành và hoàn toàn chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Có thể thấy, một yếu tố quan trọng khiến Đỗ Nhật Nam đạt được thành tựu tới ngày hôm nay chính là bỏ ngoài tai những ồn ào, chỉ trích… để tập trung vào con đường mình đi. Suy ra thì ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống - sống làm sao là lựa chọn của mỗi người. Và Đỗ Nhật Nam đã lựa chọn con đường học tập, khám phá và không ngừng vươn lên đã đạt những đỉnh cao mới.

Chia sẻ

Bài viết

Tường Vy

Thiết kế

Lê Lâm

Tin mới nhất