Sao & Đời Sống

9x Hồ Hữu Hải và hành trình khởi nghiệp mạo hiểm với nghề nuôi chim

T.H
Chia sẻ

Mô hình nuôi chim bồ câu siêu đẻ của anh Hồ Hữu Hải (Bắc Giang) là minh chứng cho sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong nuôi trồng - kinh doanh ở địa phương.

Đối với những đứa con sinh ra ở miền quê, ước muốn của hầu hết trong số họ là được vươn lên thoát nghèo, lập nghiệp tại phương xa hay trên chính mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của mình. Với anh Hồ Hữu Hải (1990) cũng vậy. Lớn lên tại làng quê yên bình thuộc huyện Lục Nam, Bắc Giang, với ý chí vượt khó làm giàu, anh từng bươn trải nhiều nghề khác nhau từ chạy bàn café, công nhân đến nhân viên marketting, thợ cơ khí,… hay thậm chí nghe lời bạn bè sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống.

9x Hồ Hữu Hải và hành trình khởi nghiệp mạo hiểm với nghề nuôi chim Ảnh 1

Ông trời không phụ kẻ có lòng, cũng trong lần đi lao động tại Trung Quốc, anh Hải tình cờ phát hiện một trang trại nuôi chim cách nơi mình làm việc không xa. Vốn bản tính tò mò, anh thường xuyên quan sát, biết được giống chim tại đây hầu hết là bồ câu siêu đẻ và Titan xám đá, phương pháp chăn nuôi cũng khác xa so với ở Việt Nam.

Âm thầm học hỏi từ đó, về đến quê nhà, anh Hải quyết định mạnh dạn nhập về 500 cặp chim bồ câu siêu đẻ và Titan xám đá từ Trung Quốc. Lúc bấy giờ, anh đã liều mình dốc hết vốn liếng để mua chim, xây chuồng trại, sử dụng phương pháp mới. Tuy nhiên, sóng gió liên tục ập đến khi lần đầu chăn nuôi chim, kinh nghiệm và kỹ năng vốn có của anh còn chưa đủ.

Anh Hải nhớ lại: “Chăn nuôi chưa lâu, gần nửa số chim mua về đã bị chết do tình hình khí hậu và điều kiện tại Việt Nam không thích hợp. Cộng thêm tiền thuốc thang, cám gạo, thức ăn ngày một nhiều khiến tôi đi vào bế tắc, nhiều lúc muốn bỏ cuộc. Nhưng tôi nghĩ, nếu dừng lại bây giờ thì quá uổng, mà có lẽ sau này sẽ mãi mãi không thể gượng dậy được nữa”.

9x Hồ Hữu Hải và hành trình khởi nghiệp mạo hiểm với nghề nuôi chim Ảnh 2

Vì thế, anh Hải quyết định đánh liều làm tới cùng – cho lai hai giống chim siêu đẻ và Titan xám đá với nhau. Kết quả bất ngờ, thế hệ F1 khỏe mạnh, tỷ lệ đẻ trứng cao, thể trọng vừa phải giúp anh tìm ra phương hướng, tiếp tục tin tưởng nghiên cứu, bám trụ với nghề nuôi chim bồ câu.

Cứ thế qua bốn năm, anh Hồ Hữu Hải đã sở hữu trong tay 3 trại chim bồ câu với diện tích hơn 2000m2. Khu chuồng hiện đại, có hệ thống thông hơi, mái thở và tưới làm mát cho chim, lấy tên là trang trại bồ câu Hải Âu.

“Hiện tại, số chim thường xuyên duy trì trong trang trại là 15.000 – 20.000 con. Vì không đủ nhân lực để làm việc, tôi quyết định thuê thêm một số công nhân là người dân trong làng, góp phần giúp đỡ việc làm cho bà con” – Anh Hải chia sẻ.

9x Hồ Hữu Hải và hành trình khởi nghiệp mạo hiểm với nghề nuôi chim Ảnh 3
9x Hồ Hữu Hải (phải) tại trang trại nuôi chim.

Được biết, tổng mức đầu tư cho trang trại bồ câu Hải Âu hiện tại đã vượt mức 2,5 tỷ đồng. Hàng tháng, trang trại bán ra thị trường từ 4.500 – 5.000 cặp bồ câu, với giá bán chim thịt 120.000 – 135.000 đồng/ cặp và giá bán chim giống 200.000 đồng/cặp. Cứ như vậy, trừ đi chi phí các loại, anh Hải vẫn thu về lợi nhuận cao lên đến hàng trăm triệu đồng.

Thành công là thế nhưng anh Hải không hề có ý định giấu nghề. Anh cho biết: “Bất cứ ai đến tham khảo, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, tôi đều giúp đỡ nhiệt tình. Đôi khi nhận lời nhờ vả, tôi còn đến tận nơi nơi cùng khảo sát địa hình và chuyển giao công nghệ lắp đặt chuồng trại, giới thiệu nơi cung cấp giống. Trăm người bán vạn người mua, tôi chỉ muốn bà con cùng được thoát nghèo, không lo lắng nhiều đến chuyện mất khách hay rớt giá sau này”.

9x Hồ Hữu Hải và hành trình khởi nghiệp mạo hiểm với nghề nuôi chim Ảnh 4
Sau khi trở nên khá giả, anh Hải (giữa) thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người xung quanh.

Theo anh Hải, nghề nuôi chim bồ câu siêu đẻ để đạt hiệu quả cao thì khâu chọn giống là quan trọng nhất. Nên chọn chim bồ câu có lông dày, mượt, chân bóng không dị tật, lanh lợi. Bên cạnh đó, việc vệ sinh chuồng trại để chim có nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, máng ăn, máng uống cho chim phải thường xuyên được thay rửa, công tác phòng chống dịch bệnh phải là yếu tố then chốt.

Giờ đây khi đã khá giả, anh Hải cũng thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo. Anh quan niệm, nghề nuôi chim bồ câu hay bất cứ công việc gì, chỉ cần nỗ lực kiên trì, không ngừng học hỏi thì sẽ đem về thành quả xứng đáng, không phụ công sức lao động của mỗi người.

Chia sẻ

Bài viết

T.H

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất