Sao & Đời Sống

4 kĩ năng sống còn cần dạy cho trẻ khi bị bỏ quên trong ô tô

Quang Ngọc
Chia sẻ

Trẻ bị bỏ quên trong ô tô đóng kín cửa suốt thời gian dài là điều vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe lẫn tính mạng của bé. Những kĩ năng dưới đây sẽ giúp bé biết cách tự vệ khi gặp tình huống này.

Câu chuyện một cậu học trò 6 tuổi của trường quốc tế Gateway (Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh mới đây là khiến dư luận vô cùng bức xúc trước cách làm việc tắc trách, thiếu trách nhiệm của BQL nhà trường. Đồng thời, sự việc đau lòng này cũng dấy lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh trong việc dạy trẻ những kĩ năng tự vệ khi xảy ra tình huống tương tự.

Theo các chuyên gia y tế, nếu trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô đóng kín cửa, không bật điều hòa thì chỉ trong thời gian ngắn khoảng 150 phút, trẻ sẽ bị thiếu oxy, dẫn tới hôn mê và có thể tử vong.

Nguyên nhân là vì không gian bên trong một chiếc xe rất chật hẹp, nếu đóng kín các cửa, nó giống như một cái hộp đựng không khí với thể tích rất nhỏ. Trong thời gian dài, lượng oxy thiếu hụt sẽ khiến trẻ mất dần nhận thức và suy hô hấp, bị ngạt do thiếu khí thở. Không những thế, trẻ còn có nguy cơ bị ngộ độc khí xả của xe ô tô, dẫn đến việc tế bào thiếu hụt oxy, hôn mê rồi tử vong. Nếu sống thì di chứng để lại là rất lớn bởi não không có oxy trong thời gian dài sẽ khiến nhiều tế bào và cơ quan bị tổn thương, hoại tử.

Mặt khác, nếu trẻ bị nhốt trong xe trong thời gian quá lâu thì trẻ phải đối diện với tình trạng sốc nhiệt, có thể dẫn tới tử vong nhanh chóng.

Bởi theo các chuyên gia, dù thời tiết nắng hay trời râm thì nhiệt độ ở trong xe ô tô kín bưng cũng luôn cao hơn nhiệt độ bên ngoài rất nhiều. Nếu nhiệt độ ngoài trời là 37°C , thì nhiệt độ ở trong xe sẽ tăng lên 42°C sau 20 phút và tăng lên 46°C sau 30 phút đỗ xe và đóng cửa. Trẻ nhỏ ở trong ô tô đỗ dưới trời nắng quá lâu sẽ bị mệt mỏi, kiệt sức, say nóng và sốc nhiệt dẫn tới tử vong.

Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ cũng từng đưa ra cảnh báo về vấn đề này và cho biết, nhiệt độ bên trong một chiếc xe đang đỗ có thể nóng hơn 30°C so với bên ngoài xe. Điều đó có nghĩa là vào một ngày 30°C, nhiệt độ bên trong xe có thể đạt tới hơn 60°C.

Thiếu khí thở, nhiệt độ tăng cao và ngộ độc khí xả có thể khiến trẻ tử vong khi bị bỏ quên trên xe

Hơn nữa, nhiệt độ cơ thể của trẻ nhỏ nóng lên nhanh gấp 3 đến 5 lần so với người lớn. Do đó, khi bị bỏ lại trong một chiếc xe hơi nóng, các cơ quan trong cơ thể của một đứa trẻ bắt đầu ngừng hoạt động khi nhiệt độ đạt tới 40°C. Một đứa trẻ có thể tử vong khi nhiệt độ cơ thể đạt ngưỡng trên 41,6°C.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần trang bị những kiến thức tự vệ cần thiết cho trẻ để các bé hiểu và có thể áp dụng khi chẳng may bị bỏ quên trong ô tô đóng kín.

- Dạy trẻ bình tĩnh: Thông thường sau khi tỉnh giấc, phát hiện chỉ có một mình trên xe bị đóng kín cửa, trẻ sẽ có xu hướng sợ hãi, hoảng hốt, khóc, la hét… Tuy nhiên, hành động này sẽ khiến lượng oxy khan hiếm trên xe hết nhanh chóng, đồng thời các bé có thể hít phải lượng lớn khí thải CO2. Thêm vào đó lớp kính dày, cách âm, trẻ có gào khóc cũng rất khó để người đi đường chú ý. Do vậy, việc dạy trẻ giữ bình tĩnh bước đầu là điều vô cùng quan trọng trước kỳ chờ đợi một may mắn có người phát hiện kịp thời.

Dạy trẻ những kĩ năng tự vệ cần thiết sẽ giúp bé bảo toàn được tính mạng khi bị bỏ quên trong xe

- Dạy trẻ bấm còi xe: Theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch cho biết, cấu tạo của còi xe luôn có điện thường trực. Do đó, nếu thấy ô tô đã đóng kín cửa, trên xe không còn ai thì bé hãy chạy tới phần vô lăng, bấm còi xe. Dù xe đã tắt máy nhưng còi xe vẫn kêu và người bên ngoài sẽ phát hiện ra bé đang ở trong xe.

- Dạy trẻ mở cửa sổ của xe: Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, dù xe bị đóng kín và tài xế đã khóa xe thì khi ở trong xe vẫn hoàn toàn có thể mở được cửa sổ của xe để kêu cứu. Do đó, bạn có thể dạy trẻ cách mở cửa sổ để bé có thể nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài.

- Dạy trẻ gọi điện thoại cho người thân: Phụ huynh nên dạy trẻ sử dụng điện thoại di động và cho bé học thuộc số điện thoại của bố, mẹ, cô giáo để trẻ có thể chủ động liên lạc trong tình huống cấp bách. Nếu được trẻ thông báo sớm thì người lớn có thể can thiệp nhanh chóng để cứu trẻ.

Chia sẻ

Bài viết

Quang Ngọc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất