Lại Văn Sâm, Quỳnh Hương và Quyền Linh - 3 cái tên MC quốc dân được yêu mến nhất màn ảnh

Dù cho mỗi ngày, mỗi giờ, truyền hình đều sản sinh ra rất nhiều chương trình mới với sự dẫn dắt của lứa MC mới, thì người hâm mộ vẫn không thể ngừng yêu mến 3 cái tên MC đã ghi dấu ấn lớn trong lòng khán giả. Đó là MC Lại Văn Sâm, MC Quỳnh Hương và MC Quyền Linh.

Bài viết Cẩm Loan
Chia sẻ

Nhiệt huyết, giàu cảm xúc, có tài và có tâm - rất nhiều tính từ có thể được dùng để miêu tả 3 cái tên MC được yêu mến nhất trên sóng truyền hình từ trước đến nay. Đó là MC Lại Văn Sâm, MC Quỳnh Hương và MC Quyền Linh.

3 cái tên này được yêu mến bởi lý do gì? Vì dẫn lâu? Dẫn nhiều chương trình nên trở nên quen thuộc? Cũng có thể. Nhưng sự quen thuộc đó - qua bao năm, bao nhiêu chương trình - vẫn hoàn toàn không gây nhàm chán hoặc khó chịu cho khán giả. Ai cần đổi mới để hợp thời, chứ riêng 3 MC này, khán giả lúc nào cũng mong họ ”hãy cứ là chính mình”, bởi họ như là linh hồn, là tinh thần của những chương trình mà họ từng dẫn dắt với tất cả tâm huyết của mình.

Nhắc tới những MC kỳ cựu và được yêu mến nhất VTV, không thể nào bỏ qua cái tên Lại Văn Sâm. Nếu cần phải liệt kê những chương trình mà ông từng dẫn, chắc chắn danh sách đó rất dài. Nào là SV 96, Trò chơi thi đấu liên tỉnh, Chiếc nón kỳ diệu, Hãy chọn giá đúng… và nổi tiếng nhất chính là Ai là triệu phú.

Lại Văn Sâm (sinh ngày 10 tháng 6 năm 1957) là một nghệ sĩ nhân dân, nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình, biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Từ năm 1975 đến 1981, Lại Văn Sâm học tại Đại học Tổng hợp Tashkent, Uzbekistan (Liên Xô cũ) chuyên ngành ngôn ngữ Hinđi. Năm 1981, ông quyết định về Việt Nam lập nghiệp nhưng gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm công việc phù hợp. Ông từng phải quay trở lại Nga để lao động xuất khẩu, làm phiên dịch nhưng sau cùng ông vẫn chọn về nước. Sau khi về nước năm 1987, ông phụ bán hàng cho mẹ vợ ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội.

Cuối năm 1987, ông đến thử việc tại Đài Truyền hình Việt Nam làm biên dịch viên cho các bản tin thể thao của Liên Xô sang tiếng Việt, rồi được giao nhiệm vụ phụ trách biên tập và bình luận các chương trình thể thao của Liên Xô và thế giới hàng tuần. Đến đầu năm 1988, ông dừng làm việc tại đài truyền hình và quay về công việc cũ ở chợ Đồng Xuân.

Tháng 6 năm 1988, ông trở lại làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam đúng vào thời điểm Giải vô địch bóng đá châu Âu diễn ra tại Đức. Vì lúc này VTV cần người để tường thuật, tổng kết các sự kiện. Trong thời gian này, điều kiện cơ sở vật chất của VTV đang còn thiếu thốn, các chương trình bình luận bóng đá thường chỉ là chương trình phát lại, công việc bình luận cũng khá vất vả vì thiếu nhân sự. Cũng trong năm đó, Trần Tiến Đức, Vũ Huy Hùng và Lại Văn Sâm được giao nhiệm vụ tường thuật trực tiếp các trận đấu của Thế vận hội Mùa hè 1988 tại Seoul, đó cũng là năm đầu tiên Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp một sự kiện thể thao của thế giới. Khi ấy, việc tiếp cận thông tin về các đội bóng đá để tường thuật còn rất khó khăn, hầu như bình luận viên không có thông tin gì trước trận đấu về những đội tham gia. Năm 1990, ông ngưng việc bình luận thể thao để chuyển sang việc dẫn dắt chương trình V.K.T.

Năm 1996, ông cùng những người làm trong đội chuẩn bị lên sóng VTV3 trong 1 tháng. Năm ấy, ngày 31/3, VTV3 chính thức lên sóng. (Theo wikipedia)

Có thể nói, ông chính là linh hồn của VTV3. Chính ông là một trong những người đề xuất đưa các trò chơi truyền hình lên kênh VTV3. Từ đó, hàng loạt chương trình đỉnh cao đã ra đời.

Những ai là 7X, 8X thời đó chắc chắn không thể quên loạt chương trình về Sinh viên có tên SV kéo dài qua các năm, trở thành sân chơi thu hút hàng ngàn sinh viên trong cả nước. Nhờ sự dẫn dắt của ông, lứa sinh viên thời đó đã có một sân chơi khó quên. Chương trình này cũng nhận được Giải Mai Vàng năm 1996. Nhắc đến loạt chương trình này, nhà báo Lại Văn Sâm từng xúc động chia sẻ: “Qua mỗi thời SV tôi luôn có cảm xúc tự hào xen lẫn ngậm ngùi. SV96, các bạn gọi tôi là anh, SV 2000 các bạn sinh viên vẫn gọi tôi là anh nhưng đến SV 2012, các bạn gọi tôi bằng chú. Và bây giờ, năm 2016, chương trình SV bắt đầu khởi động lại, toàn bộ các bạn gọi tôi bằng bác”.

Nhờ thành công vang dội trên, mà sau đó, VTV3 cũng như nhà báo Lại Văn Sâm đã tiếp tục cho ra đời nhiều gameshow tên tuổi như Trò chơi thi đấu liên tỉnh (1996 và 1997), Chiếc nón kỳ diệu (2001 - 1016), Hãy chọn giá đúng (2004), Chúng tôi là chiến sỹ (2006)…

Có thể nói, dấu ấn mạnh nhất của nhà báo Lại Văn Sâm ở VTV3 chính là gameshow Ai là triệu phú. Đây là phiên bản tiếng Việt của trò chơi truyền hình nổi tiếng của Anh Who Wants to Be a Millionaire?, với số đầu tiên lên sóng vào năm 2005. Đến nay, Ai là triệu phú vẫn còn tồn tại, và nhà báo Lại Văn Sâm đã đồng hành tới tận năm 2017.

2017 cũng là năm mà ông chính thức nghỉ hưu tại Đài THVN. Do vậy, trong tập cuối cùng mà ông dẫn ở Ai là triệu phú vào tối 16/11/2017, ekip cũng như khán giả đã dành tặng ông một món quà khó quên. Khi ông đọc câu hỏi thứ nhất có nội dung “Hãy nghe đoạn nhạc sau và đoán xem đó là bài hát nào”, thì ekip lại phát một ca khúc khác không liên quan gì đến câu hỏi, kèm theo đó là một đoạn clip kỷ niệm về các số Ai là triệu phú trước đây, lồng nhạc ca khúc Cám ơn tình yêu vào. Phải mất hơn 30s nhà báo kỳ cựu mới nhận ra đây chính là món quà dành cho mình. ”Trong đầu tôi vẫn nghĩ rằng mới tròn 12 năm. Tôi biết các bạn muốn làm điều gì đó bất ngờ với tôi và các bạn đã làm được. Vào giây phút này, tôi muốn gửi lời cảm ơn quý vị đã giúp đỡ tôi 13 năm ngồi trên chiếc ghế này“, nhà báo Lại Văn Sâm nói lời cảm ơn.

Trong sự nghiệp dẫn chương trình và làm báo của mình, ông từng dành nhiều giải thưởng. Một trong số đó là giải thưởng “Người dẫn chương trình gameshow được yêu thích nhất” của Đài Truyền hình Việt Nam vào năm 2008 và danh giá nhất chính là Huân chương Lao động hạng nhất vào năm 2017.

Hiện tại, dù tuổi đã cao, ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong một số chương trình giải trí. Có thể nói, bây giờ, đối với Lại Văn Sâm, việc lựa chọn chương trình để dẫn không phải là điều quan trọng nhất nữa. Cái quan trọng nhất đối với ông bây giờ là niềm vui của tuổi già. Vì lẽ đó mà thay vì tham gia các chương trình đố vui về IQ như thông thường, thì ông lại chọn dẫn những show như Mặt trời bé con, Ký ức vui vẻ… Ông dẫn như chơi, tự nhiên tung hứng, không còn sợ bị vấp váp, bị vạ miệng hoặc bị sai kiến thức. Và chắc chắn, dù có dẫn chương trình đến khi lưng còng, tóc bạc, mắt mờ… thì Lại Văn Sâm vẫn luôn là cái tên được yêu mến của mọi nhà.

Tối 9-4 tại Đài truyền hình TP.HCM, số cuối cùng của chương trình Thay lời muốn nói được phát sóng. Ngồi trên ghế dẫn vẫn là cái tên quen thuộc - MC Quỳnh Hương. Nhưng sau 19 năm gắn bó, đây sẽ là lần cuối cùng chị đọc những bức thư chứa đựng tâm tư, tình cảm của khán giả trên màn ảnh nhỏ.

Cách đây 19 năm, với khát khao tìm kiếm một dạng chương trình nơi con người có thể bày tỏ những chia sẻ, nỗi niềm và cảm xúc sâu kín trong lòng mình, Thay lời muốn nói ra đời. Lúc ấy, MXH chưa phát triển, email cũng còn xa lạ, vì thế, những cánh thư tay vẫn luôn là công cụ bày tỏ tình cảm tốt nhất. Vì lý do đó, vừa mới ra đời, Thay lời muốn nói đã trở thành kênh kết nối gần gũi để đông đảo khán giả truyền hình có thể chia sẻ nỗi niềm.

Và trong thành công của Thay lời muốn nói, không thể không nhắc đến MC Quỳnh Hương. Được coi là người ”thai nghén”, cũng như là linh hồn của chương trình này, người ta đã quá quen với một giọng đọng hết sức truyền cảm, từ tốn. Thậm chí, nhiều khán giả đã phải bật khóc cùng chị khi nghe chị đọc tới những bức thư chứa đựng mất mát, đau thương mà người lạ gửi về chương trình.

9 năm là một con số dài đối với một show truyền hình, và đây là thời điểm chị bắt đầu trăn trở về con đường sau này của Thay lời muốn nói. ”Từ nghiên cứu và quan sát của cá nhân, tôi nhận thấy cuộc sống càng hiện đại, phát triển thì con người càng dễ chông chênh, đối mặt với nhiều vấn đề về tâm lý. Nhận thư, lắng nghe, chia sẻ tâm tư của mọi người, rồi mình sẽ làm gì tiếp theo nữa đây? Có rất nhiều điều tôi muốn làm thêm nữa cho cộng đồng mà format truyền hình và thời lượng giới hạn hai tiếng/tháng không thể đáp ứng được. Rất khó khăn, nhưng tôi đã quyết định dừng lại với Thay lời muốn nói để có thể sẻ chia và hơn nữa là giúp chữa lành những tâm hồn chịu nhiều tổn thương đã tìm đến mình” - chị nói.

Chị ngừng lại. Người xem tiếc nuối, nhưng không ai trách chị. Bởi chị đã làm quá tốt vai trò ”người đưa thư”, khiến khán giả được chạm đến nhiều mảnh đời, câu chuyện và tâm tình của đời người mà có lẽ nếu không nhờ chương trình, họ sẽ không biết được. Chia tay ai mà không khóc, MC Quỳnh Hương cũng không ngoại lệ. “Nhiều thành viên trong ê-kíp hiện giờ là fan của chương trình từ khi còn nhỏ. Khi đọc được những lời nhắn của các em, tôi không kìm được cảm xúc. Hình như đó là lần đầu tôi khóc vì chia tay. Sau đó, mọi người bắt đầu khóc”, chị xúc động chia sẻ.

Giờ đây, khi lui về hậu trường, MC Quỳnh Hương vẫn tiếp tục đi trên con đường ”truyền cảm hứng” như chị đã từng làm với Thay lời muốn nói. Nữ MC cũng bộc lộ mong ước xây dựng một chương trình mới trên kênh cá nhân với sứ mệnh và hình thức tương tự như Thay lời muốn nói với tên gọi Khi cần chia sẻ. ''Tuy nhiên, ở Khi cần chia sẻ, chúng tôi mong muốn chạm đến những vấn đề nhạy cảm, khó nói, những “góc khuất” của cuộc sống nhiều hơn. Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ tâm tư, Khi cần chia sẻ còn đối thoại trực tiếp, tháo gỡ những rào cản, đưa ra những phương pháp chữa lành một cách triệt để với những đối tượng cần chia sẻ” - chị cho biết.

Trong khi những MC khác hay được gọi bằng những cái tên mỹ miều, thì Quyền Linh lại được gọi rất giản dị bằng cái tên ”MC của người nghèo'. Thật vậy, từ lúc chuyển từ diễn viên sang MC, cái tên Quyền Linh luôn gắn với những chương trình dành cho người nghèo. Nổi tiếng nhất chính là Vượt lên chính mình.

Với bộ dạng chân chất, hiền lành và đôi dép tổ ong quen thuộc, Quyền Linh đã đồng hành cùng hàng trăm gia đình trên con đường xóa nợ trong Vượt lên chính mình. Nhiều người còn cho rằng, Quyền Linh rất hay bấm giờ trễ để các hộ gia đình có thêm thời gian hoàn thành lượt chơi, hoặc ”biến hình” thành vị mạnh thường quân giấu tên để ủng hộ thêm tiền cho người nghèo. Tất cả những hành động này đã biến Quyền Linh trở thành cái tên được yêu thích, thậm chí, anh còn được gọi trìu mến là ”MC Quốc dân”.

Rất khó để tìm ra điểm 'khó ưa” của Quyền Linh, nhưng điều bất ngờ nhất là mới đây, Quyền Linh livestream chia sẻ về dự định giải nghệ vì không chịu nỗi những điều tiếng, ganh ghét và đố kị của người đời. Đến lúc này, chúng ta mới thấy được tình cảm yêu mến mà khán giả dành cho anh lớn đến nhường nào. Hầu hết tất cả mọi người đều gửi lời động viên đến anh và bày tỏ sự không hiểu: Tại sao đến một người như Quyền Linh cũng có anti-fan là sao? Không ai tin chuyện đó. Bởi Quyền Linh thật sự là một ”của hiếm” trong showbiz.

Sỹ Hồ - đạo diễn lâu năm của chương trình Vượt lên chính mình đã viết những lời tâm huyết như sau dành tặng cho nam MC: ”Trong chương trình, anh là người khổ nhất. Trời nắng thì mọi người núp vào dù, đội nón được, riêng anh thì không. Anh hứng trọn ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào mắt, khiến đôi lần hai mắt anh sưng húp không thấy đường, phải đưa anh đi cấp cứu. Còn trời mưa bão thì anh cũng hứng trọn cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Chuyện uống thuốc với anh không tính từng viên mà phải tính bằng túi. Chương trình Vượt lên chính mình được anh làm như rút ruột rút gan vậy.

Gần như cả tuổi thanh xuân của mình anh đã gắn liền với những hoàn cảnh khó khăn trên khắp vùng miền đất nước. Hầu như sau những lần đi anh không mang thù lao về nhà, có bao nhiêu anh cũng mang biếu tặng cho bà con nghèo hết. Anh rất tế nhị về việc tặng tiền, lúc nào cũng nói là ”khán giả xem chương trình thấy gia đình mình khó khăn quá nên nhờ Quyền Linh trao tặng số tiền này đến gia đình”.

Hơn ai hết, khán giả là những người không muốn Quyền Linh giải nghệ, bởi sự xuất hiện của anh như một làn gió mát, tưới đẫm showbiz vốn đầy rẫy những thị phi, giành giật, scandal nhảm nhí. Bằng sự nỗ lực của mình, MC Quyền Linh đã chứng tỏ mình hoàn toàn xứng đáng với danh xưng ”MC Quốc dân”.

Bài viết

Cẩm Loan

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ