Sắc màu Cuộc Sống

Xin đừng quấy rầy chàng đánh giày câm và chú chó mù!

Chia sẻ

Đã có nhiều người tìm đến chàng đánh giày Khắc Ân để giúp đỡ, tuy nhiên cũng có không ít kẻ hiếu kỳ và làm từ thiện theo phong trào khiến cho cuộc sống của anh và chú chó con gặp nhiều rắc rối.

Câu chuyện được ví như chuyện cổ tích giữa đời thường của chàng đánh giày Khắc Ân và chú chó mù được chia sẻ trong thời gian qua đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm từ cộng đồng.

Trước hoàn cảnh khó khăn của hai nhân vật, nhiều bạn mong muốn được giúp đỡ họ. Sự quan tâm từ cộng đồng dành cho những mảnh đời khốn khó khiến cho chúng ta cảm thấy ấm lòng, thêm niềm tin vào cuộc đời. Tuy nhiên, sự việc đang có chiều vượt xa khỏi tầm kiểm soát khi có rất nhiều người đổ xô đi từ thiện… theo phong trào.

Trong một thời gian ngắn có quá nhiều người đến gặp và tặng tiền bạc, vật chất khiến Khắc Ân và chú chó con có nguy cơ bị xáo trộn cuộc sống thường ngày và gặp nhiều rắc rối. Dẫu biết rằng đa số mọi người tìm đến giúp đỡ nhân vật đều xuất phát từ sự quý mến tình cảm đáng yêu của chàng trai dành cho chú chó con nhưng lòng tốt cũng cần được đặt đúng chỗ.

Hình ảnh: Xin đừng quấy rầy chàng đánh giày câm và chú chó mù! số 1

 Có rất nhiều người đã đến giúp đỡ Khắc Ân khiến mọi thứ trở nên nhốn nháo.

(Ảnh: aFamily)

Khi lòng tốt bị hoang phí, lợi dụng

Nhà báo Trác Thúy Miêu cho rằng, thay vì thương hại chàng trai đánh giày và chú chó, chúng ta nên ngưỡng mộ sự phong lưu của họ.

“Một người vô gia cư sẽ đối phó như thế nào với lượng hàng hóa quần áo nùi giẻ và thực phẩm chó tây sang trọng mà các bạn đổ ụp lên đầu họ? Đổi đời ư? Xóa đói và giảm nghèo ư? Họ đang là những người lao động lương thiện có công ăn việc làm, chứ không phải kẻ hành khất. Bạn đặt túi đồ xuống và hân hoan ra về trong vai ông/bà tiên quá dễ sắm, trò cosplay hồn nhiên nhưng có thể mang tới những nguy cơ độc địa cho an nguy của người và vật, và cho chính thứ cực kỳ quý hiếm bây giờ: Lòng Tin!”.

Anh đánh giày tốt bụng, có tật ở tay và hơi ú ớ khật khùng đó là kẻ may mắn hơn chúng ta, những đứa tưởng như sung túc và tỉnh táo – anh ta không khôn lanh vặt vãnh kiểu đám đông. Liệu ta có đang đánh thức trong anh lòng tham hồn nhiên vào đồng tiền bố thí dễ kiếm?”, chị viết.

Trước đó, Facebook-er Hoàng Mỹ Uyên cũng có những nhận định về vấn đề lòng tốt đang bị sử dụng chưa đúng cách. Chị cho biết chỉ trong một ngày, từ sự bẽn lẽn, tự trọng, cộng đồng biến người đánh giày thành đối tượng từ thiện thật sự. Quan sát số lượng người đến cho tiền người đánh giày trong một buổi tối mà chị thấy hoang mang. 

Chị Mỹ Uyên tâm sự chua chát trên trang cá nhân: “Chị gái trung niên hôm qua buông câu mai mỉa “xem ra ko cần đánh giày nữa cũng có tiền ha” hôm nay chắc đang nhếch mép cười. Mấy comment rằng “nếu ko có con chó mù chắc gì anh ấy đã được quan tâm” bị ném hàng tấn đá giờ chắc đang nhếch mép cười. Đêm qua, anh trai là khách NSG, sống phía bên kia đường đối diện quán, anh ở đây lâu năm nhắn tin bày tỏ lo lắng “trước nó từng chơi bồ đà, anh lo nhiều tiền vầy nó lại quay lại đường cũ”. Trò chuyện với anh mà nghe chua chua cái câu đùa rằng “giầy nhà anh xưa nay nó đánh ko á, làm quá ko ai đánh giầy cho anh quá. Chắc mai đi mua hộp si về tự xử…”. Từ 1 câu chuyện dễ thương của cuộc sống, bằng lòng tốt người ta sẵn sàng biến nó thành bi thương để có dịp xài lòng tốt”.

Trong khi mọi người đang tìm cách để giúp nhân vật cải thiện cuộc sống của mình thì lẫn vào đám người đông đúc ấy là những kẻ cơ hội. Có những kẻ đến từ thiện để làm màu, chụp hình khoe mẽ, để hòa vào phong trào chung. Nguy hiểm hơn là những kẻ đến để trục lợi. Đó là những kẻ cơ hội, đánh vào lòng thương của người khác để kiếm lợi cho bản thân. Họ đã vô tình khiến dư luận quay lại chĩa mũi công kích vào những người làm từ thiện chân chính.

Hình ảnh: Xin đừng quấy rầy chàng đánh giày câm và chú chó mù! số 2

“Thánh từ thiện” Hồ Xuân Hương nổi tiếng với những chiêu trò lừa đảo thông qua việc đi làm từ thiện đã tìm được đến chỗ của anh đánh giày và gây cho anh nhiều phiền toái.

Anh đánh giày và chú chó có đáng nhận được sự giúp đỡ?

Theo như thông tin ban đầu ghi nhận của phóng viên Saostar, bình quân mỗi ngày anh thu nhập giao động từ 50.000 – 100.000 đồng, nhưng cũng có ngày ít khách nên thu nhập ít hơn.

Nhiều bạn đọc có ý kiến với số tiền 100.000 đồng mỗi ngày thì anh đánh giày vẫn đủ chi trả cho nhu cầu bản thân đồng thời nuôi dưỡng chú chó con. Và vì anh vẫn đang có khả năng lao động thì hành động vô tư dúi tiền của nhiều bạn có nguy lấy đi lòng tự trọng của một con người lương thiện.

Lòng tốt nếu đặt không đúng chỗ có nguy cơ làm tha hóa một con người. Nếu chỉ cho con cá thay vì cần câu cơm, chúng ta có thể khiến một người đang có sức lao động trở nên lười nhác và chỉ muốn nhận tiền “từ thiện”. Đó là bài học đắt giá mà xã hội phải trả trong trường hợp của Hào Anh. Từ cậu bé bị ngược đãi, Hào Anh được xã hội cứu giúp và gửi tiền trợ cấp. Nhưng khi đủ 18 tuổi thì cậu đã dùng số tiền từ thiện ấy để ăn chơi trác táng, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà và rồi cuối cùng đã trở thành kẻ cắp.

Hình ảnh: Xin đừng quấy rầy chàng đánh giày câm và chú chó mù! số 3

Cuộc sống vốn bình yên của hai nhân vật đang bị xáo trộn.

(Ảnh: Toàn Nguyễn)

Với trường hợp của anh đánh giày, khó khăn của anh chính là công việc có thu nhập bấp bênh “kiếm đồng nào xào đồng nấy” sẽ khiến cho cuộc sống của anh và chú chó dễ gặp phải tình cảnh khó khăn trong tương lai, khi sức khỏe anh không còn được như hiện tại.

Điều khó khăn thứ hai của anh là vẫn chưa có một nơi chốn nghỉ ngơi đúng nghĩa. Việc nhân viên khách sạn lén cho anh ngủ đỡ dưới thềm thật sự rất tạm bợ, có thể bị mất chỗ ngủ bất cứ lúc nào. Dù anh đánh giày có thể đã quen với cuộc sống lang thang ngoài đường phố, đã quen với những giấc ngủ sương gió, nhưng những cơn mưa, cơn dông Sài Gòn vẫn đang ngày đêm làm khó cả hai. Vậy nên cả chàng đánh giày và chú chó đều xứng đáng nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ cộng đồng.

Lòng tốt cần sự tỉnh táo

Ở ngoài kia, còn nhiều mảnh đời vất vả, còn rất nhiều những người vô gia cư cần sự giúp đỡ và còn vô số con vật đáng thương cần cứu mang. Và chúng ta không thể giúp họ hết được.

Chúng ta có quyền lựa chọn, chọn trao yêu thương cho ai mà ta thấy xứng đáng. Câu chuyện của Khắc Ân và chú chó thật sự đã lay động rất nhiều con tim. Vì vậy nhiều người tìm đến mong muốn giúp đỡ anh là điều dễ hiểu. Tuy nhiên sự giúp đỡ cũng cần tỉnh táo.

Như sự việc hiện tại của Khắc Ân, cuộc sống của anh đang bị xáo trộn, ngay cả khu vực anh đang sống cũng có nguy cơ bị xáo trộn. Lượng người, quà cáp ùng ùng kéo đến ngày một đông khiến chàng đánh giày đang đừng trước nhiều nguy cơ bị trộm cướp tài sản, trộm chó, và xa hơn là mất luôn cả bản tính thật thà vốn có.

Theo nhà báo Trác Thúy Miêu thì cách tốt nhất bây giờ để giúp nhân vật là giới thiệu cho anh một công ăn việc làm phù hợp ổn định và một nơi chốn nghỉ ngơi ấm áp, chứ không phải những hành động hời hợt và mang tính phong trào.

Hoặc theo ý kiến của nhiều bạn trẻ, chúng ta cũng có thể tìm đến anh, nhưng không phải cho tiền mà là nhờ anh đánh giúp bạn đôi giày và trả công đúng như những gì anh đáng được nhận. Đừng đưa con cá, hãy đưa chiếc cần câu.

Hình ảnh: Xin đừng quấy rầy chàng đánh giày câm và chú chó mù! số 4

 Những nhóm từ thiện chân chính đã đến và có những hành động giúp đỡ có ích đối với anh đánh giày và chú chó mù (Ảnh: aFamily)

Khi quyết định chia sẻ câu chuyện của Khắc Ân và chú chó, ngoài mong muốn kể một câu chuyện ấm áp đến độc giả, chúng tôi còn mong muốn sẽ lan tỏa tình yêu thương, để chúng ta có thêm niềm tin giữa những con người đang tồn tại trong cuộc sống đầy bon chen, khắc nghiệt.

Lòng tốt là điều đáng trân quý, đừng để bị lợi dụng, đừng để bị hoang phí. Mong rằng cuộc sống của chàng đánh giày sẽ sớm cải thiện và trả lại sự bình yên vốn có.

Toàn Nguyễn

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất