Sinh viên tình nguyện: Đã đến lúc cần phải xem lại cách làm

Huyền Trân
Chia sẻ

Nếu để những sinh viên với một trái tim nóng và suy nghĩ "khoác áo xanh lên và đi" thì việc tình nguyện không tránh khỏi những hiểm nguy, và cả những sự mất mát.

Trung là một chàng trai khá hoạt bát nhanh nhẹn, học hành giỏi giang và là một sinh viên cực kỳ tích cực tham gia hoạt động tình nguyện của Đại học Ngoại Thương và Thành đoàn Hà Nội.

Tôi luôn ngưỡng mộ cậu, ngưỡng mộ cả sự nhiệt huyết cháy bỏng của một chàng trai trẻ tuổi với tấm lòng nhân ái bao la, mong mỏi được đi đến thật nhiều nơi, giúp đỡ thật nhiều người mà chẳng quản ngại xa xôi, nguy hiểm. 

Sự nhiệt huyết của sức trẻ và lòng nhân ái bao la của những thanh niên tình nguyện.

Tôi cảm nhận được ngọn lửa hừng hực cháy trong đôi mắt sáng rực của Trung những khi cậu kể lại cho tôi nghe những hành trình cậu đã tham gia, nhiều đến nỗi không sao tôi có thể nhớ hết.

Và hành trình duy nhất cũng là hành trình cuối cùng của cậu mà tôi không bao giờ quên, đó là hành trình “Chắp cánh ước mơ” được tổ chức vào ngày 1/6 cách đây 3 năm của Thành đoàn Hà Nội, khi tuổi thanh xuân của cậu cùng của 3 thanh niên tình nguyện khác đã bị cuốn trôi mãi mãi theo dòng nước xiết ở thác Mưa Rơi của tỉnh Thái Nguyên.

Từ đó, tôi luôn bị ám ảnh bởi chiếc áo tình nguyện mà cậu vốn rất tự hào mỗi khi được khoác lên mình, nhưng tôi cũng bị ám ảnh bởi màu trắng của chiếc áo tang mà mẹ cậu mặc, cả của những vòng hoa tươi xếp cạnh linh cữu của chàng trai mới vừa tròn 21 tuổi. 

Mấy ngày hôm nay, cái chết của 3 nữ sinh viên tử nạn khi đi tình nguyện ở Quảng Ninh lại khiến cho tôi nhớ về cái chết của Trung. Đau đớn, tiếc nuối và nhiều suy nghĩ ngổn ngang trong đầu.

Tôi thấy sợ hãi vì sau cái chết thương tâm cùng một lúc đến 4 người trong một chuyến đi Thái Nguyên năm nào, chỉ hơn 3 năm sau lại thêm 3 cái chết trẻ nữa, cũng lại là 21 tuổi, và cũng lại là “sinh viên tình nguyện”.

Nhất là sau khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc đến như vậy, nhà trường mới lên tiếng thông báo cho dừng lại mọi hoạt động của chương trình tình nguyện “Mùa hè xanh”. Trong khi, tôi nghĩ rằng chương trình đó cũng như rất nhiều chương trình thiện nguyện khác ở nhiều trường đại học khác, cần phải xem xét lại cách làm từ rất lâu rồi.

Ngay từ những khâu tuyển chọn thành viên, tôi thực sự không lạ gì những câu hỏi phỏng vấn đại loại như “Mục đích chính của bạn khi đi làm tình nguyện là gì?”, “Bạn mong muốn gì khi đến với chương trình này?, nhưng sẽ chẳng có (hoặc rất ít, rất sơ sài) những câu hỏi như “Bạn có biết bơi hay không?”, “Bạn đã biết kỹ năng sơ cứu cơ bản nào hay chưa?”…

Những câu lý thuyết dài 3 mặt giấy, những câu khẩu hiệu quen thuộc, những bài giảng để truyền cảm hứng của tuổi trẻ, khơi gợi lòng yêu đất nước, yêu con người…Điều đó tốt và cần thiết!

Nhưng, như vậy liệu có đủ, khi đi tình nguyện là ở ngoài thực tế, là có thể đến những nơi xa xôi rừng thiêng nước độc, những nơi đang xảy ra thảm họa thiên tai với biến cố có thể xảy đến bất cứ lúc nào, hay đơn giản là ra đường phố giờ tan tầm xe cộ rầm rập, ngổn ngang mà đôi khi ngay cả những CSGT cũng phải đối đầu với đầy rẫy nguy hiểm?!

Thực tế, việc tập huấn để trang bị kiến thức, kỹ năng sinh tồn cho các thành viên trước mỗi chương trình tình nguyện mới là điều quan trọng, bởi trong những tình huống nguy hiểm, nếu không cứu được chính bản thân thì sẽ chẳng bao giờ có thể giúp được người khác. Tiếc rằng, những kiến thức đó được trang bị không nhiều, không thực sự kỹ càng và không chuyên nghiệp.

thanh-nien-tinh-nguyen1

Sự nhiệt huyết, tình yêu con người lúc nào cũng cần, nhưng như thế chưa đủ, thanh niên tình nguyện cần phải có được kiến thức và kỹ năng sinh tồn khi tới những nơi nguy hiểm

Vào thời đất nước còn loạn lạc chiến tranh, hoạt động thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích xuất phát từ việc huy động sức lực của những người trẻ tuổi, khi sức của không có nhưng sức người là vô biên, cái gì cũng thiếu thốn nhưng sự nhiệt huyết, hết mình vì một mục đích chung là độc lập tự do thì luôn luôn sục sôi, cháy bỏng.

Và hai chữ “tình nguyện” vẫn tiếp tục được phát huy và tỏa sáng ở thời bình, đó thưc sự là điều đáng trân quý vì nó thể hiện rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào con người Việt Nam vẫn luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và thậm chí có thể hy sinh vì nhau.

Nhưng thiết nghĩ, nếu đã là tình nguyện thì ngay chỉ một việc làm nhỏ nhất, như chúng ta cho người già vô gia cư một chiếc áo ấm, cho trẻ em nghèo đói một chiếc bánh mỳ, xoá mù cho trẻ em đường phố, hay đơn giản chỉ là “chơi” với những lớp học dành cho trẻ em khuyết tật,… thì cũng đã đáng giá hơn bất kỳ một loại hình thức tình nguyện kiểu hô hào “đình đám”, “màu mè” nào khác.

Mỗi người chúng ta đi làm tình nguyện không có nghĩa là chúng ta ra “mặt trận”, chúng ta là những thanh niên tình nguyện nhưng hoàn toàn không phải là những “chiến sĩ”, là những “anh hùng”. Tình nguyện phải là một việc làm nhân ái dựa trên sự tự nguyện, xuất phát từ tình cảm chân thành của mỗi người, và phải được học tập và trau dồi kỹ năng cơ bản của công việc mà chúng ta định tham gia giúp cộng đồng.

Vì thế, không cần quá đao to búa lớn, tham gia vào những việc mà ngay cả những người “chuyên nghiêp” vẫn có thể gặp rủi ro. Hãy “tình nguyện” làm những công việc phù hợp với sức khoẻ, kỹ năng, kiến thức của sinh viên bởi nhiệm vụ chính của các bạn vẫn là HỌC.

Hoạt động thanh niên tình nguyện thực sự cần thiết, nó không chỉ giúp ích cho cộng đồng mà còn giúp cho chính các bạn trẻ có thêm trải nghiệm sống, đó là điều nên làm. Tuy nhiên, cũng đến lúc Trung ương Đoàn và Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam nên xem xét, điều chỉnh một số quy chế trong hoạt động thanh niên, sinh viên tình nguyện để hạn chế tối đa những tai nạn đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua.

Chia sẻ

Bài viết

Huyền Trân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất