Sắc màu Cuộc Sống

Trang web nước ngoài 'tố' nhân viên hải quan Tân Sơn Nhất nhũng nhiễu

Chia sẻ

Tân Sơn Nhất bị trang web The Guide to Sleeping in Airports xếp hạng sân bay tệ thứ 4 châu Á bởi hạ tầng xuống cấp và những cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, lãnh đạo sân bay này khẳng định “không phát

Theo đánh giá của website The Guide to Sleeping in Airports, những năm gần đây, hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đã xuống cấp và bị hành khách cáo buộc có tình trạng tham nhũng. Nhiều hành khách cho rằng bị nhân viên hải quan đòi hối lộ để thủ tục được nhanh hơn. Ngoài ra, hành khách còn phàn nàn tín hiệu wifi kém, phòng vệ sinh bẩn và không có nhiều sự lựa chọn về dịch vụ ăn uống.

Nhân viên an ninh kiểm tra hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhân viên an ninh kiểm tra hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Đặc biệt, website này còn khuyến cáo hành khách khi đến Tân Sơn Nhất phải giữ kỹ tài sản giá trị, chỉ cầm trên tay một số tiền nhỏ…

Năm 2014, sân bay này cũng bị liệt vào danh sách tệ nhất do website trên bình chọn.

Nói về những đánh giá trên, ông Đặng Tuấn Tú - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết, chất lượng wifi cảng nội địa cơ bản là đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, do lượng hành khách tăng quá nhanh dẫn đến lượng người truy cập nhiều nên có thể hơi yếu. Còn ở ga quốc tế, chất lượng wifi yếu nên cũng không đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Cuối năm 2014, Tân Sơn Nhất đã triển khai phát triển mạng wifi nhưng nhà cung cấp không đáp ứng được yêu cầu.

“Chúng tôi đang có kế hoạch chọn nhà cung cấp mới. Chúng tôi bảo đảm đến cuối năm sẽ khắc phục được nhược điểm về wifi tại 2 nhà ga. Hành khách đánh giá chất lượng wifi yếu là chính xác”, ông Tú khẳng định.

Về vấn đề nhà vệ sinh, chỉ bẩn trong vài thời điểm nào đó khi lượng hành khách quá đông. Theo bảng đánh giá của hành khách trong những năm gần đây cho thấy, chất lượng phục vụ của nhà vệ sinh đã cải thiện rất nhiều và không có hành khách đánh giá chất lượng yếu kém. Đánh giá nhà vệ sinh của Tân Sơn Nhất bẩn là chưa khách quan.

Theo ông Tú, sân bay đang trong tình trạng quá tải nên diện tích phải ưu tiên cho các dịch vụ hàng không cơ bản. Tuy vậy, cho rằng ở sân bay Tân Sơn Nhất không có nhiều sự lựa chọn về dịch vụ ăn uống, thực đơn không phong phú là không đúng. Nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống chiếm tới 45% diện tích dành cho dịch vụ phi hàng không tại 2 nhà ga nội địa và quốc tế.

Ông Tú cho biết, website The Guide to Sleeping in Airports chỉ chọn 3 vấn đề để đánh giá chất lượng dịch vụ của sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng thực tế để đánh giá toàn diện, chính xác hơn về chất lượng dịch vụ tại sân bay này thì còn rất nhiều vấn đề khác nữa.

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở thêm 1 sảnh cho taxi đón khách

Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở thêm 1 sảnh cho taxi đón khách.

“Hiện nay do quá tải, bất cập về bãi đỗ nên chất lượng dịch vụ taxi không được như mong muốn. Bãi xe hai bánh dù cơi nới hết sức cũng chỉ gửi được 4.000 xe, không đảm bảo yêu cầu, đặc biệt là trong những ngày, giờ cao điểm. Nhiều lúc phải tạm ngưng giữ xe. Đó là vấn đề không mong muốn nhưng không có cách nào khác…”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, để đáp ứng nhu cầu đậu xe và đảm bảo giao thông thông suốt trong khu vực sân bay, sắp tới bãi đậu xe máy sẽ được nâng cấp, mở rộng lên 8.000 vị trí đậu xe. Xây dựng bãi đậu xe ô tô với 2 tầng hầm và 1 tầng trệt (68.000 m2). Tăng diện tích bãi đậu tạm thời cho xe taxi để phục vụ hành khách tốt hơn.

“Vẫn có trường hợp phản ánh về thái độ hành xử của nhân viên sân bay, an ninh hàng không, nhân viên các hãng,… Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị cải thiện việc này và nâng cao chất lượng dịch vụ để làm hài lòng hành khách”, ông Tú nói.

Về phía các đơn vị phục vụ mặt đất, ông Nguyễn Đình Hùng - Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Tân Sơn Nhất (SAGS) nói: “Thực tế nhân viên Hải quan có nhũng nhiễu, vòi tiền của hành khách hay không? Vấn đề này cần làm rõ để giải quyết”.

Theo ông Hùng, quy trình thực hiện các thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều bất cập gây phiền hà cho hành khách. Chẳng hạn như ở nhà ga quốc tế, hành khách sau khi xếp rồng rắn phải qua 3 khâu thủ tục. Đầu tiên là công an cửa khẩu, sau đó đưa hành lý lên máy soi chiếu của hải quan, sau đó đi một đoạn lại lấy hành lý để kiểm tra an ninh.

“Nhiều khách cảm thấy rất phiền phức, khó chịu vì đã xếp hàng lâu mà còn bị kiểm tra nhiều lần chỉ trong phạm vi hẹp. Như thế là Tân Sơn Nhất bị mất điểm rồi. Nên chăng gộp kiểm tra Hải quan và An ninh vào chung?”, ông Hùng đề xuất.

Ông Đặng Tuấn Tú cho biết, vấn đề này đã được kiến nghị lên Cục Hàng không và Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin gộp việc kiểm tra vào một cửa và đang chờ ý kiến.

Trong khi đó, ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam khẳng định: “Đã có hàng chục trường hợp phản ánh về thái độ phục vụ của nhân viên sân bay. Tùy vào sự vụ cụ thể mà chúng tôi phối hợp xác minh, xử lý. Đây là công việc hàng ngày. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi chưa phát hiện và nhận phản ánh về tình trạng nhân viên hải quan nhận tiền của hành khách”.

Nêu quan điểm về đánh giá của website The Guide to Sleeping in Airports, ông Trần Doãn Mậu nói: “Người ta phản ánh đúng thì mình tiếp thu trên tinh thần cầu thị. Mình xem xét lại đánh giá đó để phân tích nguyên nhân từ đâu và tìm ra nguyên nhân khắc phục. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tránh những nhận xét không tốt. Hy vọng giờ này năm sau Tân Sơn Nhất thoát ra khỏi danh sách sân bay tệ nhất châu Á”.

Theo ông Đặng Tuấn Tú, năm 2014, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 22 triệu hành khách. Năm 2015 dự kiến gần 26 triệu. Tính đến giữa tháng 10/2015, lượng hành khách đạt 21,7 triệu. Hai năm nữa thì sân bay có thể đạt ngưỡng đến 30 triệu hành khách/năm.

Tân Sơn Nhất sẽ “chịu đựng” cảnh quá tải ít nhất là 8 năm nữa, trước khi sân bay Long Thành đi vào khai thác giai đoạn 1. Dự kiện, sớm nhất thì phải đến năm 2018 - 2019, sân bay Long Thành mới được khởi công và hoàn thành sau 5 năm.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất