Vòng quanh Thế giới

Hàng chục lãnh đạo thế giới bị nghi 'che giấu tài sản'

Chia sẻ

Loạt tài liệu của một công ty luật ở Panama nghi ngờ một mạng lưới các công ty bình phong chuyên làm vỏ bọc để hàng loạt chính trị gia và giới siêu giàu các nước che giấu tài sản.

Khối tài liệu gồm 11,5 triệu trang của hãng luật Mossack Fonseca ở Panama bị một nguồn tin bí mật gửi đến báo Đức Süddeutsche Zeitung và nhiều tờ báo khác. Giới truyền thông quốc tế gọi chúng là “Tài liệu Panama” (Panama Papers). Các tài liệu cho rằng, công ty đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và rửa hàng tỷ USD tiền mặt.

Chúng bị cho là có liên quan tới 72 lãnh đạo và cựu lãnh đạo của các quốc gia, các ngôi sao thể thao; tỷ phú…. Chúng được thu thập từ 40 năm qua, trong giai đoạn từ 1977 tới cuối 2015.

Chia sẻ của một nhà báo trên mạng xã hội về vụ rò rỉ loạt tài liệu về tham nhũng và rửa tiền lớn nhất lịch sử. Ảnh: USA Today.

Chia sẻ của một nhà báo trên mạng xã hội về vụ rò rỉ loạt tài liệu về tham nhũng và rửa tiền lớn nhất lịch sử. Ảnh: USA Today.

Những chính trị gia và ngôi sao hàng đầu

Bài điều tra được thực hiện trong 1 năm bởi hơn 100 tổ chức báo chí và được coi là một trong những cuộc điều tra lớn nhất trong lịch sử. Cuộc điều tra đã vạch ra việc che giấu các giao dịch tài sản của khoảng 140 chính khách, trong đó có 12 lãnh đạo và cựu lãnh đạo các nước trên thế giới. 

Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong số các tên tuổi bị nghi vấn có anh rể của Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Đặng Gia Quý. Con gái của cựu thủ tướng Lý Bằng, Lý Tiểu Lâm cũng được nêu tên trong tài liệu.

Tài liệu này cũng cáo buộc những người thân tín của tổng thống Nga Vladimir Putin đã bí mật tuồn khoản tiền lớn khoảng 2 tỉ USD thông qua các ngân hàng và các công ty “ma”.

Trong tài liệu cũng có ít nhất 33 người và công ty đang được chính phủ Mỹ đưa vào danh sách đen vì các hành vi sai trái như có giao dịch với các trùm ma tuý Mexico, liên quan tới các tổ chức khủng bố quốc tế.

Theo tài liệu này, các ngân hàng lớn là lực lượng chính tiếp tay để tạo ra các công ty ma ở quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama và các thiên đường trốn thuế khác. Tài liệu cũng liệt kê gần 15.600 giấy tờ cho thấy các ngân hàng dựng lên cho khách hàng để che giấu các con số tài chính.

Tài liệu có lời kể của một tên buôn tiền bị kết tội khai đã sắp xếp việc trả tiền 50.000 USD dùng để trả cho những tên trộm trong vụ Watergate. 29 tỷ phú trong danh sách 500 người giàu nhất của Forbes cũng như ngôi sao Thành Long có ít nhất 6 công ty được quản lý bởi hãng luật này.

Tài liệu của Mossack Fonseca cho thấy hãng này có những khách hàng từng lừa đảo đa cấp, các trùm ma tuý, những kẻ trốn thuế và ít nhất là một kẻ tội phạm tình dục đang ở trong tù.

Tài liệu cũng nêu chi tiết về một loạt các bê bối lớn từ vụ cướp vàng nổi tiếng ở Anh cho tới các cáo buộc hối lộ liên quan tới FIFA. 

Dữ liệu email, bảng tính tài chính, hộ chiếu và hồ sơ của công ty cho thấy chủ sở hữu bí mật của các tài khoản ngân hàng và công ty ở 21 vùng lãnh thổ nước ngoài, từ bang Nevada của Mỹ đến Singapore và quần đảo Virgin thuộc Anh. Trong danh sách này, Mỹ có 3072 công ty, 441 khách hàng, 211 người thụ hưởng và 3467 người có cổ phần. ICIJ sẽ công bố danh sách đầy đủ các công ty và cá nhân liên quan vào đầu tháng 5.

29 trong số 500 người giàu nhất thế giới có dính líu

“Những phát hiện này cho thấy các hành vi sai trái đã ăn sâu thế nào và các hoạt động quản lý tài sản ở nước ngoài đang mang đầy dấu hiệu phạm tội ra sao,” Gabriel Zucman, nhà kinh tế tại Đại học California ở Berkeley và là người từng viết về các thiên đường trốn thuế, nói.

Ông Zucman trả lời IICJ nói thông tin tiết lộ được cho thấy các chính phủ cần có “biện pháp cương quyết” với những thể chế và những tập đoàn có liên quan tới việc giấu tài sản.

Vụ việc “Panama Papers” (Tài liệu Panama) tiết lộ một mạng lưới các công ty nước ngoài che giấu tài sản nghi của lãnh đạo hàng đầu thế giới được gọi là “Wikileaks của giới siêu giàu”.

Theo USA Today, #panamapapers đã trở thành dòng hashtag được sử dụng nhiều nhất trên Twitter từ ngày 3/4. “Kẻ phản bội CIA” Edward Snowden đã viết: “Vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử báo chí đã bị phanh phui. Đó là những thông tin liên quan tới tham nhũng”.

Trong khi đó, Jim Clarken, giám đốc điều hành của tổ chức Oxfam Ireland, cập nhật trên Twitter: “Chừng nào tình trạng trốn thuế tiếp tục làm thất thoát ngân khố của chính phủ, thì chi phí nhân lực vẫn còn”.

Theo Guardian, Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson, một trong số các chính trị gia bị cáo buộc liên quan đến các công ty bí mật này, sẽ phải đối mặt với lời kêu gọi bầu cử sớm. Sau khi người tiền nhiệm của thủ tướng kêu gọi ông phải từ chức, Google đã dịch cụm từ “phải từ chức” thành “sẽ từ chức ngay lập tức”.

Các tài liệu rò rỉ cho thấy ông Gunnlaugsson đồng sở hữu một công ty được thành lập năm 2007 trên đảo Tortola ở quần đảo Virgin thuộc Anh, để nắm giữ các khoản đầu tư với đối tác giàu có của mình, bà Anna Pálsdóttir, người sau này đã kết hôn với ông.

Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson (giữa) chào đón người tị nạn Syria. Ảnh: AFP

Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson
(giữa) chào đón người tị nạn Syria. Ảnh: AFP

Tại Nga, Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Vladimir Putin, trả lời phóng viên rằng điện Kremlin đã nhận được “hàng loạt các câu hỏi theo cách rất thô lỗ” từ một tổ chức đang cố gắng bôi nhọ ông Putin.”Nhiều phóng viên và thành viên của các tổ chức khác đang cố gắng làm mất uy tín của ông Putin và lãnh đạo đất nước này”, Peskov khẳng định.

Những tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca được chuyển tới 100 cơ quan báo chí và 400 nhà báo ở 80 quốc gia. Họ đã nghiền ngẫm chúng rất kỹ trong suốt 12 tháng qua. Theo tờ McClatchy, 29 trong số 500 người giàu nhất thế giới theo danh sách của tạp chí Forbes có dính líu tới các hoạt động tài chính phi pháp vừa bị lộ.

Các tài liệu cho thấy quá trình công ty Mossack Fonseca giúp khách hàng rửa tiền, tránh các biện pháp trừng phạt và trốn thuế. Tuy nhiên, Mossack Fonseca khẳng định họ làm việc hợp pháp và chưa từng bị buộc tội trong 40 năm qua.

Mối liên hệ giữa các bên với công ty luật Mossack Fonseca ở Panama trong các hoạt động tài chính phi pháp vừa bị rò rỉ. Đồ họa: Irishtimes.

Mối liên hệ giữa các bên với công ty luật Mossack Fonseca ở Panama trong các hoạt động tài chính phi pháp vừa bị rò rỉ. Đồ họa: Irishtimes.

Những thông tin mới rò rỉ bao gồm 11,5 triệu bản tài liệu, bao gồm 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ, với khoảng 2,6 terabyte dữ liệu được lấy từ hệ thống nội bộ của hãng luật Mossack Fonseca.

Nó lớn gấp nhiều lần so với vụ rò rỉ chấn động thế giới năm 2013 của tình báo Mỹ sau khi Edward Snowden của Cơ quan tình báo Quốc gia Mỹ (NSA) tiết lộ hàng loạt tài liệu mật về các chương trình theo dõi, nghe lén điện thoại của Mỹ và các nước châu Âu.

Khối lượng tài liệu được tiết lộ trải dài trong suốt 40 năm từ 1977 cho tới cuối 2015. Theo IICJ, tài liệu này cho thấy “toàn cảnh chưa từng thấy bao giờ của thế giới quản lý tài sản ở nước ngoài… miêu tả chi tiết dòng tiền đen di chuyển thế nào ngày qua ngày, thập kỷ qua thập, trong suốt hệ thống tài chính toàn cầu, nuôi dưỡng tội phạm và lấy đi tiền thuế của ngân khố các quốc gia”.

Hầu hết các dịch vụ quản lý tài sản ở nước ngoài là hợp pháp nếu tuân thủ theo luật. Nhưng các tài liệu được tiết lộ cho thấy các ngân hàng, các hãng luật và các thể chế đã không tuân thủ pháp luật, không kiểm tra xem khách hàng của mình có dính líu tới hoạt động phạm pháp, trốn thuế hay tham nhũng hay không.

Trong một số trường hợp, những nhân vật trung gian ở giữa đã tìm cách bảo vệ khách hàng bằng cách giấu các giao dịch có vấn đề hoặc là làm giả các chứng từ chính thức.

 Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama là tâm điểm của những tài liệu mật vừa rò rỉ. Hơn 11,5 triệu tài liệu tài chính của công ty này vừa lộ cho thấy quy mô của các hoạt động trốn thuế cũng như rửa tiền mà những công ty ma trên khắp thế giới thực hiện.

Những công ty ma này núp dưới hình dạng của một doanh nghiệp hợp pháp nhưng không có hoạt động gì ngoài quản lý tiền nhưng che đậy thân phận của người sở hữu. Tuy nhiên, trụ sở của những công ty ma thường đặt ở những nơi nhà chức trách khó tìm ra chủ sở hữu trong trường hợp họ muốn.

Các khách hàng cũng cần một trung tâm tài chính nước ngoài, cái thường được gọi là Thiên đường thuế. Nó thường là các quốc đảo nhỏ, với rất nhiều ngân hàng bí mật cùng mức thuế thấp hoặc không tồn tại trên giấy tờ giao dịch. Những cái tên điển hình là quần đảo Bristish Virgin, Bahamas, Panama…. Nó giúp rửa các khoản tiền phi pháp từ tham nhũng, trốn thuế, buôn bán ma túy….

Các hoạt động rửa tiền thực chất là hợp thức hóa những khoản tiền phi pháp. Nó giúp việc sử dụng chúng không bị giám sát, khiến bại lộ các hành vi phi pháp. Khi tham nhũng, một chính trị gia cần rửa số tiền bẩn để không bị lộ. Nó sẽ được chuyển tới một công ty con của trung tâm tài chính nước ngoài. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản không ghi tên thuộc sở hữu của công ty ma mà không ai có thể truy tìm nguồn gốc. Từ tài khoản này, số tiền có thể được dùng hợp pháp trên khắp thế giới.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất