Vòng quanh Thế giới

Chàng trai chuyển giới bị sa thải chỉ vì mặc vest nam đến văn phòng

Chia sẻ

Bị kì thị và đối xử bất công tại nơi làm việc không phải là chuyện hiếm gặp với nhiều người chuyển giới ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Cộng đồng LGBT tại Trung Quốc đang hy vọng vào sự công nhận của xã hội và thay đổi của pháp luật để được bình đẳng như mọi người.

Đó là câu chuyện của C., một chàng trai chuyển giới ở Quý Châu, Trung Quốc. Anh kể lại cho Huffington Post rằng mình đã bị cho nghỉ việc sau 7 ngày làm việc tại trung tâm y tế địa phương Cimi Checkup hồi năm ngoái. Lý do sa thải đơn giản chỉ vì C. vẫn mang danh phận nữ giới trên giấy tờ, nhưng lại mặc vest của nam giới khi đi làm. Do vậy giám đốc trung tâm cho rằng anh chàng bị gay nên nhất quyết không tiếp tục hợp đồng lao động. 

“Họ nói rằng tôi là người đồng tính và tôi làm hỏng hình ảnh của công ty”, C. (bên trái) chia sẻ.

Mãi cho đến khi tham dự hội thảo pháp lý về đa dạng giới tính do Trung tâm dịch vụ pháp lý Wider Pro Bono tổ chức tháng 1 vừa qua, C. mới biết sếp cũ đã vi phạm luật lao động khi đối xử với mình như vậy. Cũng nhờ dịp này mà anh gặp được luật sư Huang Sha - người giúp C. nộp đơn kiến nghị lên Tòa án đòi bồi thường tổn thất tài chính trong thời gian qua.

Li Yinhe - một nhà xã hội học có uy tín tại Trung Quốc bình luận rằng vụ việc của C. là trường hợp phân biệt đối xử lao động chuyển giới đầu tiên tại nước này mà cô được biết. Chính cộng sự của Li cũng là người chuyển giới mà không gặp bất cứ trở ngại nào tại văn phòng. Trên thực tế, khảo sát của Trung tâm giáo dục văn hóa Aibai, một tổ chức phi lợi nhuận của cộng đồng LGBT Trung Quốc, lại cho thấy phần lớn trên 2000 người đã gặp phải sự kì thị và đối xử bất công tại nơi làm việc.

Cô bày tỏ nỗi lo lắng vì nếu không đạt được kết quả tích cực từ tòa án, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng bảo vệ quyền lợi người lao động của cộng đồng LGBT Trung Quốc trong tương lai.

Anh C đã nộp hồ sơ cho Tòa án lao động địa phương yêu cầu lương và bồi thường cho các tổn thất tài chính của mình vào ngày 7/3. Tòa án đã chấp nhận thụ lý hồ sơ vào thứ Hai tuần trước, phán quyết sẽ được công bố trong vòng 45 ngày.

Đại diện tại Hội đồng nhân dân toàn quốc thường niên đã đề nghị ban hành một bộ luật mới về việc không phân biệt đối xử lao động. Theo đó, luật này sẽ bảo vệ và tôn trọng vấn đề giới tính thông qua một Ủy ban bình đẳng lao động và sẽ đưa ra mức đền bù cao hơn cho những lao động bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi trong chính phủ. Thậm chí trở ngại lớn nhất còn nằm ở thái độ và cách tiếp nhận người chuyển giới trong chính cộng đồng và dư luận Trung Quốc.

Chia sẻ
Tin mới nhất