Sắc màu Cuộc Sống

Nhân chứng đầu tiên vụ sập cầu Ghềnh góp công lớn trong việc cứu đoàn tàu

Chia sẻ

Nghe tiếng nổ như bom phát ra từ phía cầu Ghềnh, ông Sơn chạy ra thì phát hiện cây cầu đường sắt này đã đổ sập xuống sông. Biết có đoàn tàu lao đến, người đàn ông trung niên chạy hết sức ra đường báo hiệu nhân viên gác chắn tìm cách ngăn thảm họa.

Hai ngày sau vụ tai nạn đường thủy làm sập cầu Ghềnh, ông Huỳnh Ngọc Sơn (53 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) ngồi trầm ngâm bên sông Đồng Nai vì tiếc nuối công trình lịch sử. Người đàn ông này là nhân chứng đầu tiên vụ sà lan tông sập cây cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc cũng như tham gia công tác cứu hộ.

Ông Sơn - nhân chứng đầu tiên vụ sập cầu Ghềnh kể lại thời điểm chạy báo tin cho trạm gác Bửu Hòa.

Ông Sơn - nhân chứng đầu tiên vụ sập cầu Ghềnh kể lại thời điểm chạy báo tin cho trạm gác Bửu Hòa.

Ông Sơn buồn chia sẻ, lúc đó gia đình đang ăn cơm thì nghe tiếng nổ chát chúa như bom khiến ai cũng hoảng loạn. Định thần lại, ông Sơn chạy ra cầu Ghềnh thì thấy giữa sông có nhiều khói trắng, hai nhịp cầu giữa sông đã gãy đổ, bên cạnh là chiếc sà lan lật úp.

“Chúng tôi bàng hoàng vì những gì mình chứng kiến. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng làm tê liệt đường sắt. Thường vào gần thời điểm này hay có tàu hàng chạy qua nên tôi nhanh chóng quyết định phải làm điều gì đó ngăn đoàn tàu chạy đến, ngăn thảm họa kép có thể xảy ra”.

Không chần chừ, người đàn ông 53 tuổi chạy một mạch về hướng có gác chắn đường tàu cầu Ghềnh báo tin cho nhân viên túc trực. “Tôi vừa chạy về gác chắn vừa hô lớn để nhân viên nghe tháy. Sợ họ không hiểu, tôi đưa hai tay làm dấu chéo, ý nói rằng cầu Ghềnh đã sập”, ông Sơn nhớ lại. Trong lúc này, tàu hàng số hiệu 2542 xuất phát từ ga Sóng Thần đang rầm rập lao về ga Biên Hòa với tốc độ 40 - 50 km/h.

Nhờ tin báo của ông Sơn, nhân viên gác chắn đã dừng được tàu hàng cách cầu Ghềnh 200 m.

Nhờ tin báo của ông Sơn, nhân viên gác chắn đã dừng được tàu hàng cách cầu Ghềnh 200 m.

Nhân chứng này kể tiếp: “Trong lúc tôi chạy vừa la hét ầm ĩ, quơ tay lung tung thì có một người của trạm gác chắn Bửu Hòa trông thấy chạy đến và nắm nhanh tình hình. Một người khác nhận tin lập tức chạy ngược trên hành lang đường sắt đón tàu để phát tín hiệu khẩn cấp dừng tàu”.

Xác nhận điều này, nhân viên trực tại trạm gác Bửu Hòa - Phạm Tiến Dũng nói: “Lúc đó tôi thấy một ngày đàn ông chạy dọc đường ray đến, vẻ hốt hoảng báo cầu Ghềnh đã sập, phải dừng đoàn tàu nên chúng tôi lập tức ra tín hiệu khẩn cấp. May mắn trưởng tàu hàng kịp dừng khi cách hiện trường khoảng 200 m”.

Anh Dũng đánh giá, nếu thông tin vụ việc chậm hơn chút xíu nữa sẽ gây tai nạn kép tại cầu Ghềnh, hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng. Ngày 21/3, Công đoàn Tổng công ty đường sắt Việt Nam thưởng nóng nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa vì có thành tích trong việc dừng tàu, ngăn chặn thêm tại nạn tại hiện trường vụ việc.

Không bận tâm vì chuyện khen thưởng, ông Sơn chỉ buồn vì câu cầu cổ của TP Biên Hòa đã hư hỏng.

Không bận tâm vì chuyện khen thưởng, ông Sơn chỉ buồn vì câu cầu cổ của TP Biên Hòa đã hư hỏng.

Nói về chuyện được khen thưởng của các nhân viên gác chắn mà không có mình, ông Sơn xua tay, chia sẻ: “Chuyện khen thưởng hay không với tôi không có gì quan trọng vì việc báo tin là điều ai cũng phải làm để góp phần ngăn chặn hậu quả một cách nhanh nhất. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người dân với xã hội”.

Điều khiến ông Sơn buồn nhất là cầu Ghềnh - cây cầu 112 năm tuổi gắn liền với nhiều thế hệ người dân TP Biên Hòa đến hôm nay đã hư hỏng nặng. “Tôi sợ người ta không thể phục hồi lại nguyên trạng cây cầu, phải dỡ bỏ hoặc xây mới lại thì thật tiếc cho người dân TP này”, ông Sơn bùi ngùi nói.

Chia sẻ
Tin mới nhất