Sắc màu Cuộc Sống

'Nhà tạm lánh' của những phận người đồng tính tuyệt vọng

Chia sẻ

Những người tìm đến đây, có khi trên thân thể còn in hằn vết của đòn roi hay mang một ánh mắt lờ đờ vô cảm sau lần tự tử bất thành. 5 năm qua, ngôi nhà là nơi bao dung hàng trăm thân phận đồng tính bị bạo hành.

Tình nguyện viên nhà tạm lánh phân loại quần áo được quyên góp.

Tình nguyện viên nhà tạm lánh phân loại quần áo được quyên góp.

Bức thư của “thằng bạn” đồng tính

“Nhà tạm lánh” nằm ở ngoại ô Sài Gòn. Hôm tôi đến, không chỉ anh Phan Thanh Nhàn, chủ nhà mà cả Tuấn Anh, Minh Nhật - hai tình nguyện viên của nhóm cũng ở đây. Họ trẻ trung, tươi cười, vừa hát líu lo vừa kiểm những vật dụng vừa mới nhận. Tất cả đều “cũ người mới ta” do những người quen đóng góp, từ bàn ghế, máy giặt, tủ lạnh… đến cả xoong nồi, quần áo. “Giá nhà này có sớm thì chắc thằng T đã không treo cổ tự tử”, Nhàn nói về lý do nhóm Open mở “nhà tạm lánh”.

Chuyện “thằng T” xảy ra cuối năm 2009 là nỗi ám ảnh của Nhàn và các thành viên trong nhóm Open. T là một chàng trai năng động, tham gia tích cực vào các hoạt động của nhóm cho đến khi… gia đình biết cậu đồng tính. T đột ngột mất liên lạc. Những người bạn ở gần nhà T bảo: “Ông ba nó bắt nó đi chữa bệnh gay rồi”. Cách chữa bệnh mà T được gia đình áp dụng là mời thầy cúng. Người cha còn đưa con vào bệnh viện tâm thần chữa trị.

Một tháng sau ngày bạn biệt tích, Nhàn nhận được cuộc điện thoại, giọng T tủi tủi: “Tao hết gay rồi, tuần sau tao cưới vợ”. Nhàn hỏi: “Thật không?”. T khóc nấc: “Ừ, thì tao còn có cách lựa chọn nào nữa?”. Vậy mà một tuần trước ngày T cưới, Nhàn lại nghe tin dữ: “Thằng T treo cổ tự tử!”. Trước khi chết, T để lại một bức thư gửi cha mẹ mình: “Số phận đã an bài con là người đồng tính, con chỉ có thể yêu đàn ông. Con không muốn lấy vợ để tương lai phải sống trong đau khổ. Con càng không muốn người phụ nữ được sắp đặt lấy con phải đau khổ. Vì con không thể yêu cô ấy”.

Từ cái chết của bạn, Nhàn xót xa hiểu rằng, những người đồng tính vốn đã cô đơn, bị xã hội nhìn bằng cái nhìn chẳng mấy thiện cảm. Họ sẽ càng trơ trọi và cô độc khi bị gia đình bạo hành, tra tấn tinh thần… Ý nghĩ đó thôi thúc Nhàn phải xây dựng được một nơi để những người bạn của mình có thể lánh nạn và ổn định tâm lý trước khi trở về.

Nhàn chia sẻ ý tưởng này với nhóm Open và được ủng hộ. Khi ấy, nhóm Open đang là chi hội của Ủy ban phòng chống HIV/AIDS TPHCM, hoạt động tuyên truyền, cung cấp dịch vụ phòng chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM (nhóm nam quan hệ đồng giới). “Nhà tạm lánh” dành cho người đồng tính được thành lập vào cuối năm 2010.

Về đây chia ngọt sẻ bùi

Có duyên với ngôi nhà này, sau thời gian tạm lánh, Tuấn Anh trở thành tình nguyện viên tích cực của nhóm. Ba mẹ chia tay, Tuấn Anh sống với ông bà nội ở Tây Ninh. Cậu “gặp nạn” vào cuối năm 2013. Đó là thời điểm Tuấn Anh dẫn bạn trai về nhà. Khi họ có những cử chỉ thân mật thì bị ông phát hiện. Ông đánh đuổi hai đứa ra khỏi nhà. Từ hôm đó, ông không chu cấp tiền để cậu đi học nữa.

Gia đình người yêu của Tuấn Anh cũng biết chuyện, họ dọa tự tử nếu hai người không chấm dứt mối quan hệ. Trong tình cảnh đó, Tuấn Anh đã nghĩ đến cái chết. Cậu khóa phòng trọ và uống 5 vỉ thuốc an thần, ngủ thiếp đi trong 3 ngày, 2 đêm. Sau lần tự tử không thành, Tuấn Anh được bạn bè đưa đến “nhà tạm lánh”.

Khi Tuấn Anh đã ổn định tinh thần, nhóm tìm cách để cậu có thể về lại với gia đình. Họ đến tận nhà thuyết phục ông nội của Tuấn Anh, kể cho ông nghe về câu chuyện của “thằng T”. Và rằng, ông chấp nhận một người cháu đồng tính hay vĩnh viễn mất người cháu đó. Ông nội Tuấn Anh nghe vậy, không buồn nói gì. Nhưng đêm hôm đó, ông gọi điện cho cháu trai, bảo “về nghe mậy!”.

Nhàn bảo, trường hợp của Tuấn Anh chỉ là điển hình cho hàng trăm thân phận người đồng tính bị bạo hành. 5 năm, Nhàn không thể nào nhớ được đã có bao nhiêu người đồng tính gõ cửa ngôi nhà này. Chỉ biết rằng, từ lúc nhóm để ý đến việc lưu trữ thông tin của người tạm lánh, từ tháng 9.2014 đến nay, số hồ sơ tạm trú là 118. “Giúp người tạm lánh có được cái cần câu cơm” - phương châm của “nhà tạm lánh”. Vậy là sau khi được ổn định tâm lý, làm lại giấy tờ bị mất, nhóm sẽ tìm cách giúp người tạm lánh được trở về nhà an toàn hoặc tìm cho họ một công việc phù hợp, giúp họ sống tự lập.

Bữa cơm chung của tình nhóm Open và những người bị bạo hành tại nhà tạm lánh.

Bữa cơm chung của tình nhóm Open và những người bị bạo hành tại nhà tạm lánh.

Là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động dựa trên nguồn tài trợ và số tiền tự gây quỹ, nhóm Open luôn phải chật vật mới có thể cưu mang nổi những người về đây tạm lánh. Dù mỗi người chỉ lưu lại ngôi nhà 15 ngày đến 1 tháng. Nhàn bảo, anh chẳng muốn kể lể. Nhưng Tuấn Anh có lúc thủ thỉ vào tai tôi, rằng: “Dù chỉ tạm lánh 1 tháng, nhưng nhiều lần em thấy anh Nhàn lặng lẽ mang xe máy của mình đi cầm. Lần nào cũng vậy, anh đi xe ôm về, tươi cười và trên tay xách theo giỏ thức ăn. Mọi người hỏi xe đâu Nhàn? Anh bảo, thằng bạn mượn. Đến ngày lãnh lương anh lại mang xe về”.

Rộng cửa

Có một điều khiến Nhàn và cả nhóm bất ngờ, đó là khi mới thành lập, “nhà tạm lánh” chỉ hứa hỗ trợ miễn phí cho những người bị bạo hành trong cộng đồng người đồng tính. Nhưng sau đó, ngôi nhà cứ mở rộng cửa bao dung tất cả những người bị bạo hành, từ những người đồng tính đến một cô gái trẻ, một người phụ nữ mang thai.

Một đêm khuya cuối năm 2014, cô cán bộ bên Sở LĐTB&XH thành phố HCM gọi điện cho Nhàn bảo rằng có một phụ nữ cần được giúp đỡ. Đó là chị H.T.H. Chị H quê ở tận Bắc Giang, lấy chồng ở Hà Nội. Khi đã có với nhau đứa con trai hơn 1 tuổi, chị mới phát hiện chồng nghiện ma túy. Khi chị mang thai bé thứ 2, nhiều lần say thuốc, chồng đánh chị bán sống bán chết. Để bảo vệ cho đứa con trong bụng, chị quyết định bế con theo một người bạn gái vào Nam lánh nạn, sinh con.

Vào Sài Gòn được hơn 1 tháng, chị lại bị chính người bạn kia lừa gạt, lấy xe máy và toàn bộ tiền bạc, để lại H trong căn phòng trọ… chưa đóng tiền. Bị ném ra đường trong tình trạng không một đồng dính túi, bụng mang dạ chửa, con chưa biết đi, chị lê lết từ chùa này đến nhà thờ nọ theo lời chỉ của người dân.Thấy tình cảnh của chị quá thê lương, một người xe ôm tốt bụng đưa chị đến Sở LĐTB&XH để được hỗ trợ.

Nghe người cán bộ bên Sở trình bày, Nhàn và các bạn không khỏi khó xử. Cưu mang một phụ nữ mang bầu 5 tháng đã khó. Cộng với một đứa trẻ chưa biết đi lại khó gấp bội. Nhưng không đành lòng bỏ rơi họ, Nhàn gật đầu đồng ý. Ở trong “nhà tạm lánh” được 1 tháng, chị H được nhóm hỗ trợ đưa về sống ở nhà của cha mẹ ruột ở Bắc Giang theo nguyện vọng.

N.K cũng là một người “ngoại đạo” khi bước chân vào “nhà tạm lánh” này. Cha mẹ mất sớm, K từ nhỏ phải sống cùng anh chị. Trong một cuộc nhậu, người anh của cô đã hứa gả em gái cho người bạn nhậu. K mới 19 tuổi, đang học trung cấp điều dưỡng. Cô phản đối kịch liệt ý định của anh hai. Ép em không được nên người anh đã dàn cảnh để bạn nhậu cưỡng hiếp chính em gái mình. Biến mọi sự thành chuyện đã rồi. May mắn, ngày hôm ấy, chị của K phát hiện, âm mưu của anh hai không thành.

Nhưng biết được ý định đó, K vô cùng uất ức. Cô bỏ nhà đi và có lúc chán đời muốn tự tử. Một người bạn đã đưa cô đến “nhà tạm lánh”. Ban đầu K sống khép kín, ít chia sẻ với ai. Cô được nhóm tạo điều kiện làm hoa mai giả gia công. Công việc đó giúp nhóm bắt chuyện và chia sẻ với cô. Từ những câu hướng dẫn làm bông mai rồi K buộc miệng chia sẻ chuyện của mình. Sau một thời gian, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm, cô thầm cảm ơn “âm mưu” rất dễ thương của Nhàn và các bạn.

Xin được thay lời kết bằng tâm sự của Nhàn: “Khi mới lập ra “nhà tạm lánh”, cả nhóm Open hi vọng tâm huyết của mọi người sẽ kịp cứu lấy nhiều cuộc đời đang tuyệt vọng. Nhưng đến bây giờ, qua hàng trăm câu chuyện xảy ra ở ngôi nhà này, tụi mình lại hi vọng sẽ có ít người đồng tính bị bạo hành phải gõ cửa. Thay vào đó, họ sẽ dần được chấp nhận và yêu thương ngay tại ngôi nhà của họ, trong gia đình của họ, chứ không phải ở một ngôi nhà khác có cái tên tạm lánh”.

Chia sẻ
Tin mới nhất