Với câu hỏi “Người Việt Nam làm gì khi một cô gái bị bạo hành”, một nhóm bạn trẻ đã sắp đặt một tình huống thử nghiệm trên phố để thử phản ứng thực của mọi người ra sao. Và câu trả lời của mọi người khiến chúng ta một lần nữa phải đau đầu suy nghĩ về ranh giới việc dũng cảm và hèn nhát.
Video mở đầu với những cảnh quay xuất hiện trong một con hẻm nhỏ. Đôi nam nữ dàn cảnh như đang cự cãi, và người bạn nam ra sức túm cổ, nhấn đầu cô gái xuống trước mặt người đi đường. Lần lượt 5 người đi qua lại trong con hẻm đó đều chứng kiến hành vi này. Nhưng họ đều im lặng bước qua và không can dự một lời, dẫu rằng có người cũng tỏ vẻ không hài lòng bằng ánh mắt khó chịu.
Lần thử nghiệm thứ hai là ở một con đường ven bờ hồ, tình huống xảy ra cũng tương tự như trước. Nhưng rất may, sau vài ánh mắt ái ngại của những người đi dạo ven hồ, một người đàn ông trung niên đã ra tay cản chàng trai lại.
Đến lần thứ ba, nhóm thử nghiệm này đã chuyển đến một địa điểm khác, đông đúc và sầm uất hơn hẳn. Giữa phố xá nhộn nhịp, cặp đôi này lại diễn lại màn ẩu đả. Hàng loạt người qua đường vẫn chỉ đứng từ xa ném cái nhìn ái ngại, hay đứng xung quanh xem sự kiện diễn ra như thế nào. Khi này có một cô gái thấy chuyện bất bình và có ý định tiến tới can ngăn, nhưng ngay lập tức cô bị một người phụ nữ lớn tuổi đi cùng cản lại và kéo ra xa để tránh phiền phức.
Sự việc chỉ được dừng lại sau khi có một cô gái ngoại quốc tiến đến can thiệp. Đoạn video kết thúc với một lời nhắn nhủ ý nghĩa và đáng suy ngẫm: “Im lặng trước cái xấu là tội ác”.
Sau khi xem xong video này, cộng đồng mạng tranh cãi khá quyết liệt và chia ra làm 2 phe. Một bên thì bi quan và bắt đầu phê phán về ý thức đáng buồn của người Việt. Theo lẽ thường tình và đạo đức xã hội, thì chuyện lên tiếng trước cái xấu và bảo vệ kẻ yếu là chuyện đáng làm. Vậy thì vì lí do gì mà nhiều người lại sẵn sàng thờ ơ và vô cảm như vậy?
Những người dùng khác lại có một cách lý giải thực tế hơn cho chuyện này. Họ cho rằng những người đi đường đó chỉ thấy một phần sự thật và chưa hiểu rõ câu chuyện nên chưa biết phản ứng ra sao. Hơn nữa, không ít trường hợp “rước họa vào thân” khi làm chuyện tốt đã từng xảy ra cũng khiến nhiều người phải đắn đo suy nghĩ.
Cuộc sống thực tế đúng là nhiều khi không được như cổ tích, anh hùng không phải lúc nào cũng luôn gặp may. Chính điều đó đã khiến nhiều người buộc mình vô cảm và có xu hướng hơi “ích kỷ” là tự bảo vệ bản thân trước tiên. Trong thâm tâm của mỗi người, ai cũng hiểu rằng đấu tranh cho lẽ phải và lên án cái xấu là chuyện nên làm và đáng làm. Nhưng đến lúc nào người Việt mới nhận thức được bảo vệ kẻ yếu, chung tay ngăn chặn bạo lực còn là chuyện “phải làm”, là trách nhiệm của mỗi chúng ta để cùng xây dựng một xã hội an toàn và tốt đẹp hơn?