Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

Người phụ nữ hơn 30 năm làm nghề vớt xác ở Sài Gòn

Vượt qua nỗi sợ hãi của nhiều câu chuyện nhuốm màu ghê rợn trên đoạn rạch Ruột Ngựa “tử thần”, vẫn còn có một người phụ nữ lặng lẽ làm công việc vớt những cái xác lạnh lẽo đã hơn 30 năm qua.

Dạo quanh khu vực rạch Ruột Ngựa (phường 16, quận 8, TP HCM) vào một buổi chiều, chúng tôi không khỏi kinh ngạc khi nghe được nhiều câu chuyện có phần rùng rợn liên quan đến những xác người vẫn thường tìm về đây “dừng chân” và một người phụ nữ cứu vớt.

Khi hỏi về người phụ nữ được xem là “cứu tinh” của những cái xác trôi nổi trên rạch Ruột Ngựa này, hầu như người dân ở đây ai cũng biết. Thậm chí, từ trên bờ đến dưới ghe người ta đều có thể kể vanh vách về họ tên và địa chỉ của chị. Ở đây, mọi người thường gọi chị với cái tên triều mến là “Bảy xác chết”.

Theo tìm hiểu, biệt danh “Bảy xác chết” chính là chị Nguyễn Thị Mỹ (SN 1970, ngụ tổ 55, phường 16, quận 8, TP HCM).

chị Mỹ kể lại câu chuyện đến với nghề vớt xác của mình.

Chị Mỹ kể lại câu chuyện đến với nghề vớt xác của mình.

Chạy theo những con hẻm quanh co của khu vực quận 8 tìm đến căn nhà chị Mỹ. Gương mặt phúc hậu hiền lành, chị giản dị, niềm nã tiếp chuyện khiến cho người tiếp xúc có cảm giác dễ gần. Khi được hỏi về công việc vớt xác trên sông “có một không hai” của mình, chị hồi tưởng lại: “Công việc này đến với tôi như một cái duyên định mệnh từ khi chị còn nhỏ. Trên đoạn rạch Ruột Ngựa này có rất nhiều người phát hiện xác chết chứ không riêng gì tôi, nhưng tất cả họ đều sợ hãi không dám đụng vào. Ban đầu cũng sợ hãi lắm nhưng thấy nhiều lần nên tôi cũng quen và không còn sợ nữa. Mỗi khi nhìn thấy những thi thể trôi nỗi trên dòng nước lạnh lẽo là lương tâm của tôi như bị cồn cào, thúc giục phải đưa những con người xấu số đó lên bờ”, chị Mỹ nói.

Công việc vớt xác của chị vẫn cứ lặng lẽ trôi qua theo thời gian, khi chị nhìn lại chặng đường hành nghề của mình mới đó đã thấm thoát hơn 30 năm. Đến nay, chị không thể nhớ nỗi đời mình đã vớt được bao nhiêu sinh mạng từ mặt nước sâu đầy lục bình và bùn đen hôi thối này.

Chị chỉ nơi hơn 30 năm qua đưa "tiếng kêu cứu" của những người chết đuối lên.

Chị chỉ nơi hơn 30 năm qua đưa “tiếng kêu cứu” của những người chết đuối lên.

Trên cuộc hành trình đưa thi thể của những người xấu số lên khỏi dòng kênh, có không ít lần chị Mỹ chứng kiến những đoạn thi thể phân hủy nặng, trôi nổi trên sông. Khi tìm hiểu, chị biết đằng sau những cái xác vô hồn ấy là chứa đựng những câu chuyện đầy oan nghiệt, có những người vì thất tình nên tự tử, có những người chết vì tai nạn… Và chị thấy thương họ hơn là sợ.

Xuất phát từ những ý nghĩ đó, khi vớt thi thể những người xấu số lên bờ, chị chỉ mong giúp cho họ được gặp lại gia đình và cũng là để linh hồn họ được yên nghỉ.

“Tôi là đàn ông mà còn thấy sợ không dám nhìn mỗi khi có thi thể nổi trên rạch vậy mà chị Mỹ gan dạ thật. Ở khu vực này ai cũng biết chị ấy, mỗi khi phát hiện có người chết là người ta chạy ngay đến kêu chị đầu tiên”, anh Lê Văn Phong một người dân sống gần nhà chị Mỹ nói.

Lúc trước, chị Mỹ toàn vớt những thi thể trôi nỗi bằng tay không, nhưng về sau chị nghe nói làm như vậy rất dễ nhiễm bệnh nên chị đã dùng bao tay cẩn thận để bảo vệ sức khỏe.

Tấm bằng khen Người tốt, việc tốt chị được quận tặng.

Tấm bằng khen Người tốt, việc tốt chị được quận tặng.

Ông Lê Quỳnh Đài- phó chủ tịch UBND quận 8 chia sẻ: “Chị Mỹ tham gia vớt xác nhiều thanh niên tự tử quanh khu vực phường 16 đã rất nhiều năm, cả đội khám nghiệm cũng phải nhờ chị đưa thi thể vào bờ vì chị có nhiều kinh nghiệm, thao tác sẽ nhanh hơn. Chúng tôi cũng thường xuyên cử ban y tế phường xuống phổ biến cho chị cách bảo vệ sức khỏe khi tiếp xúc trực tiếp với các thi thể”.

Theo tìm hiểu, chị Mỹ không chỉ làm công việc thiện nguyện giúp gia đình nạn nhân chết ở khu vực rạch tìm lại người thân mà chị còn giúp đỡ cho người trong khu phố có cuộc sống tốt hơn. Chị chia sẻ: “Còn sức khỏe thì tôi còn làm. Làm nhiều thì sẽ giúp được nhiều người, nghề này không đáng sợ mà mình làm còn để phúc lại cho con cái sau này nữa”.

Xem Thêm >>>

Chuyện cảm động phía sau những lá đơn hiến thi thể

Phận đời bi thương của nạn nhân trong vụ cháy ở quận 8

Người dân phấn khởi trong ngày khai trương tuyến du ngoạn kênh Nhiêu Lộc

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất