Sắc màu Cuộc Sống

Người đàn ông hơn 30 năm 'vẽ Sài Gòn' qua những tấm bảng hiệu

Xôi
Chia sẻ

Người đàn ông đã ngoài 60 tuổi với cái vẻ ngoài gầy gò, mái tóc bạc trắng nhưng đôi mắt vẫn còn sáng lắm và bàn tay vẫn mềm mại vẽ những nét cọ lên những tấm bảng hiệu.

Những tấm bảng hiệu xanh đỏ và nét cọ của người thi sĩ

Căn nhà nhỏ nằm trên con đường An Dương Vương, quận Bình Tân là nơi ở của một người đàn ông đã ngoài 60. Hoài Minh Phương là tên của ông, một người thợ vẽ bảng hiệu bằng tay hiếm hoi còn sót lại ở Sài Gòn này. Người thợ vẽ này còn có một biệt tài khác mà không phải ai cũng biết, đó là sáng tác thơ.

Những tấm bảng của ông ngoài sự tỉ mỉ và nét đặc trưng của màu sơn được vẽ thủ công, thì điều đặc biệt hơn nữa là ông thường viết thêm 2 câu thơ do ông sáng tác ở bên dưới. Hơn 30 năm trong nghề ông vẫn cố giữ cho bằng được cái nét riêng của những tấm bảng không còn thời thượng nữa. Mà hệt như ông nói : “Nếu chỉ vẽ bảng hiệu mà sống thì chắc chết đói thôi. Nhưng làm nghề nhất là nghệ thuật thì phải có lòng tự trọng.” 


Ngoài công việc vẽ bảng hiệu ra ông còn kiêm thêm nghề trị bong gân, trật xương. Nhưng công việc tay trái đó ông vẫn không quên thêm vào 2 câu thơ rất tình : “Anh phân nửa, phần em phân nửa. Hai nửa trời thương nhớ ngập hồn.”

Người nghệ sĩ không cần sân khấu 

Ông ngồi bên mớ cọ, sơn đưa từng nét cọ một lên tấm bảng như đang nâng niu thứ gì đó rất bé bỏng. Ông nói rằng cái hay của những bảng hiệu vẽ tay này là ở chỗ mỗi người thợ khác nhau sẽ cho ra một nét chữ khác nhau, không ai giống ai hết. Cái riêng đó nó làm nên một chặng dài của ông khi quyết định gắn bó với nghề này. Người nghệ sĩ, họ cần những cái tôi không giống ai và cũng chẳng ai giống họ.

Chắc chẳng cần một cái sân khấu nào cho ông cả, một ông thợ vẽ bảng hiệu. Vì sân khấu của ông ở chính công việc ông đang làm, giữ cho Sài Gòn một chút hoài niệm. Như cách ông ngồi đưa mắt ra nhìn trời mưa rồi mong có tiếng nhạc Bolero cất lên, chắc là có nhiều thứ để nhớ lắm. Hay cách ông mở những tấm hình cũ của vợ chồng ông được chụp rồi nâng niu, những thứ đó quá đỗi đẹp đẽ.

Ông kể về những ngày trẻ còn hay làm thơ, “hồi đó vui còn giờ thì mình hết thời rồi con ơi”. Có nhiều người nói về từ hết thời với đủ loại cảm xúc buồn, thương, tiếc nuối. Nhưng trong lời nói của ông , chỉ có chút buâng khuâng chứ không tiếc nuối. Sống một đời không cần sân khấu thì khi ánh đèn tắt cũng chẳng phải ngỡ ngàng.

Sài Gòn hào hiệp của người thợ vẽ : 

Khi hỏi về ước mơ lúc về già ông chỉ cười :“Thì vẫn vẽ vậy thôi nhưng ông bà còn thích về vườn sống, có vườn trái cây thì sướng rồi bà nhà ông cũng mê lắm”. Ông không nói về những ước mơ ngày trẻ, khi người ta đến một độ tuổi nào đó người ta hài lòng với ước mơ hiện tại của mình. Mái tóc bạc nhưng đôi mắt vẫn tinh tường đó phần nào nói lên những chuỗi ngày vất vả đã qua trong đời cũng không thể đánh quật được tâm hồn tự trọng ấy.

Ông nói Sài Gòn giờ khác nhiều rồi nhưng người Sài Gòn vẫn hào hiệp, hào hiệp như trong những vở cải lương tướng cướp thời xưa cướp giàu cho nghèo. Sài Gòn trong chừng ấy năm những chiếc bảng hiệu vẽ tay ngày một thưa dần thay vào đó là những bảng hiệu điện tử lấp lánh, nhưng Sài Gòn thì vẫn tình lắm trong mắt những người yêu nó. Những chiếc bảng hiệu đã thay ông nói điều đó rồi.

Cuộc sống mưu sinh vẫn còn đó, những nét vẽ rồi cũng chỉ để đổi ra cơm áo gạo tiền. Nhưng có những người cả đời bán đủ thứ để kiếm sống nhưng sẽ chẳng bao giờ bán lòng tự trọng của mình. Vì với ông :“Mất lòng tự trọng là mất hết”. Lòng tự trọng, sự chăm chỉ và tình yêu nghề là thứ sẽ đưa người ta qua bể dâu. Không tin hãy đến căn nhà ấy và nhìn người thợ vẽ bảng hiệu đó mà xem!

Người đàn ông hơn 30 năm 'vẽ Sài Gòn' qua những tấm bảng hiệu là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.

Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!

Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.

Chia sẻ

Bài viết

Xôi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất