Sắc màu Cuộc Sống

Hình ảnh đối lập ở chợ hoa Quảng An: Hoa lê bạc triệu hút khách - hoa đào khô héo, chờ đốt

Cường Ngô
Chia sẻ

Một bên là cảnh hoa đào khô héo, không ai mua chất thành đống lớn. Một bên là lê rừng bán cho khách sang, giá cao, có những cành lê cổ thụ lên tới 4 triệu đồng.

Sau Tết, nhiều nhà vườn ở Nhật Tân cắt đào mang bán dịp rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, việc cắt đào ồ ạt cùng với chuyện “ế” khách mua nên nhiều người đành phải ném bỏ “công sức” của mình. Tại chợ hoa Quảng An - chợ đầu mối hoa tươi, nơi bán buôn hoa lớn nhất Hà Nội không khó bắt gặp hình ảnh những cành đào to bản chất đống lên nhau, khô héo, chờ nắng vài ngày rồi đốt bỏ. Bên cạnh đó cũng có người mang dao ra chặt nhỏ mấy cành về làm củi nấu.

Những cành đào ế người mua chất đống ở chợ Quảng An.

Do không bán được trong ngày rằm tháng Giêng nên nhiều chủ vườn đành phải vứt bỏ “công sức” của mình.

Một người dân sống ở khu vực này cho biết: “Đào được chất đống ở đây mấy ngày nay rồi. Đây là toàn bộ số đào ế bán dịp rằm tháng Giêng vừa qua. Kiến nghị lên phường, tổ dân phố rồi nhưng chẳng ăn thua. Năm nay ít người chơi đào nên mới có tình trạng này, như năm ngoái họ bán qua rằm là hết“.

Theo nhiều nhà vườn, vào dịp Tết hoặc rằm tháng Giêng năm ngoái những cành đào to lớn, cổ thụ được bán với giá khá cao. Nhưng năm nay người ta chuộng những giống hoa mới - lạ hơn như hồng cổ nội địa, hải đường hay lê rừng.

Có người mang dao ra chặt nhỏ mấy cành về làm củi nấu.

“Nhìn cảnh tượng “công sức” hơn 1 năm của mình chất đống ngoài chợ, ai nấy cũng xót xa. Tuy nhiên, không bán được thì phải chất đống như vậy, không ai mang về cả. Đúng là thời thế, không thể nói trước được bất cứ điều gì“, một người trồng đào than thở.

Cánh hoa đào héo úa giữa nắng xuân.

Đối lập với cảnh tượng những cành đào ủ rũ, khô héo, chờ ngày đốt bỏ là cảnh tấp nập người mua kẻ bán của lê rừng. Lê rừng được chào bán chủ yếu cho những người có điều kiện và thích chơi hoa, bởi mỗi cành lê có giá rất cao. Theo ghi nhận của PV Saostar, cành nhỏ có giá bán từ 300-500 nghìn đồng, cành lớn hơn từ 1 đến 2 triệu đồng, cá biệt có những cành lê được bán với giá 4 triệu đồng.

Đối lập với cảnh hoa đào héo úa là cảnh tấp nập người người mua kẻ bán của hoa rừng.

Những cành lê cổ thụ vươn cao giữa chợ hoa.

Hoa lê lâu tàn, hết đợt hoa này đến đợt hoa tiếp, rồi đến quả. Một cành lê mua về có thể chơi được khoảng 1- 2 tháng.

Theo như chia sẻ, khoảng 2 tuần nữa, những cành hoa lê này sẽ bung nở.

Sáng sớm ngày 20/2, chị Quyên (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) đã có mặt tại chợ hoa để chọn cho mình một cành lê ưng ý. Chị cho biết rất thích vẻ đẹp tinh khôi của hoa lê cho nên không ngần ngại bỏ ra 7 triệu đồng để mua hoa, trong đó có 1 cành hoa chị mua với giá 4 triệu đồng.

Tôi mua lê vừa để chưng ở phòng khách vừa mang đi biếu. Hoa lê đẹp lắm, thời gian chơi hoa được lâu, từ 1 - 2 tháng. Người yêu hoa sẽ không tiếc tiền để chọn cho mình một cành ưng ý“, chị Hồng cho hay.

Dân chơi Hà thành không ngại chi số tiền lớn để mua lê rừng.

Cành hoa lê với giá 4 triệu đồng.

Hoa lê mang sắc trắng tinh khôi.

Theo chia sẻ của người bán lê, đây là giống lê rừng Lạng Sơn, được trồng nhiều ở gần biên giới Việt Trung. Hai năm nay người buôn hoa lặn lội lên những vùng núi cao để mua cả vườn lê, mang về Hà Nội bán. Có người làm ăn lớn đầu tư cả 500 triệu để mua vườn lê của người dân thôn bản.

“Đầu mùa nên chúng tôi vẫn giữ giá bán lê. Người Hà Nội chịu chơi, thích chơi lắm. Lo gì không bán được“, một nhà vườn quả quyết.

Hoa lê rừng thường có ở vùng núi cao phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… Hoa nở rộ sau Tết Nguyên đán.

Lộc xanh mơn mởn giữa nắng xuân.

Một người đàn ông đang cắt tỉa hoa lê cho khách.

Sau Tết Nguyên đán, khi hoa đào đã tàn, người Hà Nội lại mua hoa lê rừng. Tuy nhiên, trên một số diễn đàn dành cho những người yêu hoa, việc nhiều tiểu thương chặt lê rừng về Hà Nội bán không nhận được sự đồng thuận của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng lê chỉ đẹp khi ở với “mẹ thiên nhiên”, “người Hà Nội nên dừng lại thú chơi “tao nhã” này nhé“, hay “Xin đừng cổ xúy thú chơi tàn phá, hủy hoại môi trường. Vài năm nữa hoa rừng còn lại mấy cây. Của tự nhiên hãy trả về tự nhiên. Thay vì mang về nhà ngắm, đến mùa cả nhà kéo nhau lên rừng thưởng ngoạn có thú vị hơn không và năm sau, năm sau nữa hoa lại nở. Chặt hết về phố rồi còn gì nữa mà khen“…

Thời điểm này nhiều nhà vườn bận rộn với việc vận chuyển và bán lê.

Tuy nhiên, việc mang lê rừng về Hà Nội không nhận được sự đồng thuận của mọi người. Đa số cư dân mạng cho rằng nên để hoa lê về với mẹ thiên nhiên.

Bên cạnh đó, nhiều người còn ví von cảnh tượng một bên là hoa đào khô héo, không người mua với một bên là hoa lê tấp nập” người mua kẻ bán” dọc chợ hoa Quảng An giống như “kiếp lấy chồng chung” của Hồ Xuân Hương với câu thơ “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng“. Theo đó một khi người chơi đã chán thì dù hoa có đẹp có thơm đến đâu cũng không còn nhiều giá trị.

Chia sẻ

Bài viết

Cường Ngô

tag-icon
Tin mới nhất