Sắc màu Cuộc Sống

Bao giờ mới hết mắc cỡ vì thành phố đầy rác?

Chia sẻ

Phạt 153 người xả rác bừa bãi trong 6 tháng, bến xe Miền Tây giờ đây đã sạch hơn. Có thể áp dụng việc xử lý nghiêm đó cho những nơi khác của thành phố hay không?

Ai cũng có thể xả rác

Chị Thu Phượng (ngụ huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) cho rằng thực trạng xả rác tràn lan không phải do không thể xử lý mà vì chưa xử lý tới cùng. Theo chị, tùy theo ý thức từng người và tùy theo địa điểm mà việc xả rác phổ biến hoặc không phổ biến, tuy nhiên dễ nhận ra nhất là ven đường.

“Mỗi lần chạy xe lên thành phố làm việc, tôi đều thấy nhiều người (kể cả đi xe máy lẫn xe đò) cứ ngang nhiên vứt rác ra lề đường. Vừa ô nhiễm lại nguy hiểm. Vậy mà từ đó đến giờ chưa thấy ai bị phạt vì xả rác. Phạt nặng thì người ta mới sợ”, chị Phượng bức xúc.

x1

Hình ảnh vẫn thường gặp tại các địa điểm tập trung bạn trẻ. Rác trôi trên mặt hồ Con Rùa (TP HCM).

Làm việc tại TP HCM, chị Hoàng Lam (ngụ Đồng Nai) ví von: “Cùng là lỗ, hốc nhưng thay vì vứt rác vào thùng, nhiều người dừng đèn đỏ lại thảy vào miệng cống. Cống nghẽn, ngập đường chắc cũng từ đó mà ra”.

Theo chị Lam, hoặc là người dân chưa biết luật về xử phạt hành vi xả rác hoặc là không có hình thức xử lý cụ thể. Người ta chỉ quan tâm nhiều điều khác như an toàn giao thông bằng việc gắn camera ở các chốt giao nhau nhưng không ai dùng camera đó để đồng thời theo dõi tình trạng xả rác và cũng không thấy cơ quan nào đứng ra xử lý.

“Ở những trung tâm mua sắm, có bảo vệ, có nhắc nhở, xử phạt nên không thấy ai xả rác. Còn bên ngoài thì không ai nhắc nên rác đầy ra. Phải mất tiền thì họ mới ý thức. Người dân gặp xả rác cũng không làm được gì, không dám lên tiếng. Các chương trình thu gom rác của sinh viên thì nhỏ giọt, làm theo từng đợt”, chị Lam nói.

Bà Nguyệt Hằng, công nhân vệ sinh tại một trường đại học thuộc quận Bình Thạnh, TP HCM cho hay: “Nhiều trường hợp sinh viên thấy mình đang quét dọn thì bỏ chai nước, bọc nilông ngay tại đó rồi đi. Ý thức tự giác của các em đâu rồi?”.

Bạn Duy Thức (ĐH KHXH&NV TP HCM) cho biết ngay tại khu đô thị ĐHQG TP HCM, nhiều sinh viên vẫn vô tư vứt rác dù xung quanh có nhiều người. Đáng nói là mọi người rất hiếm khi tỏ thái độ không đồng tình mà thờ ơ xem như chuyện bình thường.

Xả rác là không vi phạm pháp luật?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cho biết: Nghị định 73/2010/NĐ-CP ban hành ngày 12/7/2010 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở gây mất vệ sinh chung; đổ nước hoặc để nước chảy ra lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông; vứt rác, xác động vật, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác ra nơi công cộng, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt gây ô nhiễm hoặc làm mất vệ sinh; tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung; để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật khác phóng uế ở nơi công cộng…

“Phải làm thật dứt khoát với chế tài thật mạnh như Singapore đã làm”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Luật sư Nguyễn Văn Hậu và tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng cả mức chế tài lẫn nhận thức của công dân đều chưa tốt, chưa cao. Cơ quan chức năng lại ít khi áp dụng xử phạt.

Biển cấm đổ rác với mức phạt 5-8 triệu đồng/lần vi phạm. Dù vậy, bên dưới vẫn đầy rác.

Biển cấm đổ rác với mức phạt 5-8 triệu đồng/lần vi phạm. Dù vậy, bên dưới vẫn đầy rác.

Luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng văn phòng luật sư Người Nghèo (TP HCM) cho biết, đến ngày 12/11/2013, nghị định 167/2013/NĐ-CP được ban hành đã nâng mức xử phạt cho hành vi nêu trên lên thành 100.000 - 300.000 đồng.

Mặc dù cho rằng mức xử phạt này là đủ tính răn đe nhưng ông Vũ khẳng định rất nhiều người vi phạm vẫn không bị xử phạt nên tình trạng vi phạm còn tràn lan và nhiều người còn nghĩ hành vi này chỉ mất lịch sự chứ không vi phạm pháp luật.

Luật sư Hậu cho biết thêm, Bộ Tài nguyên - Môi trường đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Trong đó có điểm mới là tăng gấp nhiều lần mức xử phạt cho hành vi xả rác. “Vứt mẩu thuốc lá bừa bãi sẽ bị phạt 200.000 đồng, bỏ rác không đúng quy định phạt cảnh cáo từ 200.000 - 500.000 đồng, chôn chất thải rắn hoặc xây hệ thống vệ sinh hầm cầu không đúng quy định bị phạt từ 40 - 60 triệu đồng”, ông Hậu nói.

Ai xử lý? Xử lý thế nào?

Luật sư Hậu cho biết dự thảo nghị định nêu trên đang bỏ ngỏ đơn vị xử lý. Nếu thẩm quyền thuộc về cấp phường, xã, thì không hợp tình, hợp lý vì cán bộ xử phạt đòi hỏi phải có kiến thức, nghiệp vụ về pháp luật lẫn môi trường. Trong khi đó, cán bộ phường xã vẫn còn nhiều công tác khác.

Khi người xem bắn pháo ra về, quảng trường đầy rác.

Khi người xem bắn pháo ra về, quảng trường đầy rác.

“Công cụ xử phạt những hành vi xả rác không cao nên những quy định đã có vẫn nằm trên giấy. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết nên là một là một đơn vị khác, có chuyên môn”, ông Hậu cho hay.

Theo luật sư Thế Trạch, thời gian qua chúng ta đang rất lơ là công tác xác định cơ quan có thẩm quyền theo dõi, xử lý vi phạm. Trong công tác quản lý, phải lập ra một đội ngũ thực thi vì cả cán bộ địa phương, công an lẫn dân phòng đều không thể làm việc này thường xuyên, đồng thời xác định mức chế tài phù hợp, có thể kết hợp phạt lao động công ích hoặc thậm chí đưa hình ảnh người vi phạm lên các thông báo, poster tại địa phương để răn đe.

Trong khi đó, luật sư Quang Vũ cho rằng chính quyền địa phương cần quy định thẩm quyền, cách thức lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt sao cho đơn giản nhất để xử phạt nhanh gọn khi có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần phải đặt nhiều thùng rác, xây dựng nhiều nhà vệ sinh công cộng thì mới giải quyết triệt để được vấn đề.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất