Sắc màu Cuộc Sống

45 năm nương tựa nhau ở Sài Gòn, vợ chồng già khẳng định không phải ai cũng quên lời thề trong giông bão

Xôi
Chia sẻ

Vợ chồng chú Năng và câu chuyện tình yêu làm lay động lòng người, nhất là với những người trẻ đã và đang dần mất đi lòng tin vào tình yêu chân chính.

Chuyện tình vẫn sắt son sau gần nửa thập kỷ

Gặp vợ chồng chú Nguyễn Văn Năng vào một ngày đầu tháng 3 trong căn nhà nhỏ nằm cuối con dốc trong khu phố 1, phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Căn nhà nhỏ nằm chênh vênh ở đó, có 2 con người và 1 câu chuyện tình đang kể. Và người kể không ai khác chính là vợ chồng chú - 2 con người không lành lặn về cơ thể nhưng tình yêu thì không sứt mẻ dù đã 45 năm ở cạnh nhau.

Vợ chồng chú Năng trong căn nhà được các mạnh thường quân giúp đỡ xây lại sau 45 năm ròng không đủ tiền xây một căn nhà đàng hoàng.

Chú Năng và giây phút nhớ về những ngày nhọc nhằn trong quá khứ.

Người đàn ông đã ngoài 70 và những dấu vết in hằng trên gương mặt.

Cô chú gặp nhau ở Biên Hòa, khi đó cô mới 23 tuổi còn chú thì 24. Cô theo chú về làm vợ trước sự lo lắng và can ngăn của gia đình cô khi má cô thương con cứ sợ “biết nó có lo cho mày được không”. Nhưng cô vẫn tin vào người đàn ông của cuộc đời mình, vì cô thương chú. Cô chú về cùng một nhà, khi đó cô lành lặn còn chú đã cụt cả 2 chân.

Chú Năng đang lấy nước cho vợ mình, mọi sinh hoạt của cô đều do một tay chú lo lắng.

Đã ngoài 70 tuổi dù đã có nhà cửa đàng hoàng nhưng cái nghèo vẫn đâu đó quanh đời 2 con người nhỏ bé này.

Nhưng điều đó không ngăn được cô chú xây cho mình một tổ ấm. Cái tổ thiếu trước hụt sau, khi nắng khi mưa, khi đói khổ. Mà cô chú có chịu buông tay nhau bao giờ đâu, 45 năm đã đi qua cô đã có 42 năm làm đôi chân cho chú. Cho đến cách đây 3 năm mắt cô không còn nhìn thấy được nữa. Từ ngày đó chú làm đôi mắt cho cô, họ dìu nhau đi qua những ngày mưa bão, để mong thấy được cầu vồng.

“Không thương bả thì thương ai bây giờ” 

Trong suốt buổi trò chuyện ở căn nhà đó, người ta dễ dàng phát hiện ra người đàn ông đã 70 tuổi đó không rời mắt khỏi vợ mình. Cứ chốc chốc ông lại quay sang coi vợ đang làm gì, lúc thì lại hỏi: “Em có uống nước không, ăn kẹo không, mệt không hay đi ngủ nha…” Từ ngày cô không còn nhìn thấy, chú sáng đi bán vé số là trưa lại về tất tả nấu cơm, dọn dẹp rồi chăm sóc cô. Cuộc sống mưu sinh có vất vả, trong căn nhà thiếu vắng tiếng cười của những đứa trẻ, nhưng chưa bao giờ vắng bóng tình thương yêu.

“Không thương bả thì thương ai bây giờ”

Cứ cách một lát chú lại quay sang hỏi vợ mình xem có mệt không, uống nước không, có cần nghỉ ngơi không.

Nắm tay nhau đi qua bao năm tháng cuộc đời, vợ chồng chú Năng đã khẳng định không phải ai cũng quên lời thề trong giông bão.

Khi được hỏi rằng chắc chú phải thương cô lắm đúng không thì chú cười ngượng ngịu: “Không thương bả thì thương ai bây giờ”. Không khó để nhận ra tình thương yêu và lòng quý trọng của cô chú dành cho nhau trong cách chú chăm sóc cô còn cô thì ngồi lặng thinh, bé nhỏ bên cạnh chú. Cô không còn nghe rõ do bệnh lãng tai tuổi già nhưng tình thương nơi người chồng của mình thì chắc cô cảm nhận được rất rõ ràng.

Chú Năng bao giờ cũng ân cần với vợ mình, từ sau khi cô không còn nhìn thấy thì chú càng muốn bù đắp thêm cho cô.

“Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời”.

“Ngày một người tìm thấy một con người sẽ là ngày hai con người cùng từ chối một nỗi đau.”

Không có được một đứa trẻ sau chừng đó năm lấy nhau không làm cô chú ngừng thương nhau. Trái lại, họ càng bù đắp cho nhau nhiều hơn. Cuộc đời lấy đi của họ rất nhiều điều nhưng giữ lại bên đời họ 2 điều quan trọng nhất: Người bạn đời và tình yêu!

Biết lời tỏ tình đã có người nghe

Những năm tháng nhọc nhằn mưu sinh, người đàn ông với đôi chân không lành lặn từng vác mấy chục kí gạo trên lưng đi bộ ra chợ bán để kiếm sống. Đôi chân đau nhức vì những chuyến tàu đi buôn dọc Bắc Nam từ thời mà theo chú kể: “Vé tàu đi từ Nha Trang vào Sài Gòn có một ngàn tám trăm đồng thôi”. Là những ngày đôi chân cô đạp đi khắp ngõ ngách Sài Gòn để buôn ve chai và đôi tay lúc nào cũng đen xì vì nhựa rau muống cô nhận về vặt. Những ngày khổ cực, nhìn về phía sau để thấy thương hơn người đi cùng mình qua giông bão.

Chú Năng không che giấu tình thương dành cho vợ mình qua đôi mắt hiền lành.

Vẫn đi cạnh nhau bên đời.

Giờ đã 70 rồi, chú vẫn cầm đôi tay cô, vuốt tóc cô và nhìn cô trìu mến. Giờ nhà cửa đã khang trang hơn xưa, những nhọc nhằn đã qua dần đi. Nhưng họ vẫn ở đây, cạnh đời nhau.

Những người thương ta thật lòng sẽ có cách ở lại bên ta.

Yêu là cùng nhìn về một hướng.

Chúng ta nói quá nhiều những lời yêu thương, hứa hẹn. Nhưng gặp giông bão chúng ta buông tay nhau, chúng ta lành lặn nên chúng ta nghĩ mình còn có thể tìm thấy những người khác tốt hơn. Nhưng bạn biết không, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết trong hồi ký rằng: “Khi người ta trẻ, người ta nghĩ có thể dễ dàng từ bỏ một mối tình. Vì người ta nghĩ rằng những hạnh phúc, những điều mới mẻ nhất sẽ đến trong tương lai. Cũng có thể. Nhưng người ta đâu biết rằng những gì ta mong muốn và cần nhất chỉ đến một lần trong đời.”

Vậy chúng ta có bao nhiêu lần trong đời để tìm ra người cuối cùng đi cạnh ta bên đời?

45 năm nương tựa nhau ở Sài Gòn, vợ chồng già khẳng định không phải ai cũng quên lời thề trong giông bão là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.

Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: doisong@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!

Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.

Chia sẻ

Bài viết

Xôi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất