Đầu thập niên 2010, cuộc chạy đua giữa hai hãng phim siêu anh hùng DC và Marvel vẫn có vẻ cân sức cân tài. Trong khi Marvel từng bước xây dựng vũ trụ phim chung với các bom tấn như Iron Man, Thor, Captain America,… thì DC cũng nắm trong tay loạt phim The Dark Knight vô cùng ăn khách. Tuy nhiên, sau khi The Dark Knight Rises ra mắt, đạo diễn tài ba Christopher Nolan đã cương quyết không sản xuất thêm phim siêu anh hùng nào nữa, dù DC và chủ quản Warner Bros. đã hết lòng mời mọc. Không thể mất cạnh tranh trong thể loại siêu anh hùng ngày càng ăn khách, DC quyết định chiêu mộ một tên tuổi khác: Zack Snyder.
Trước khi bắt tay vào vũ trụ mở rộng DC, Zack Snyder đã gây tiếng vang với nhiều bộ phim bom tấn mãn nhãn bậc nhất, như 300 và Dawn Of The Dead. Hơn nữa, vào năm 2009, Zack đã chuyển thể bộ truyện tranh kinh điển Watchmen lên màn ảnh rộng - một thành tích tưởng như là bất khả thi. Những thước phim đen tối nhưng mãn nhãn khó ai sánh kịp của Zack đã thuyết phục được DC, và hãng này trao cho ông trách nhiệm vô cùng lớn lao: gây dựng vũ trụ phim của mình.
Tác phẩm đầu tiên của Zack Snyder cho vũ trụ DC là Man of Steel, xoay quanh siêu anh hùng đình đám nhất mọi thời đại - Superman. Vừa ra mắt, phiên bản của Zack Snyder đã khiến dư luận chia rẽ, một phe cực kỳ thích những thước phim hành động đẹp mắt, cùng phong cách tăm tối giống của Christopher Nolan. Phe còn lại thì kịch liệt lên án chi tiết Superman vặn cổ đối thủ - tướng Zod, cũng như cách kể truyện có phần cứng nhắc. Dù vậy, doanh thu của Man of Steel đã đủ làm hài lòng DC để bật đèn xanh cho các dự án tiếp theo, chứ không thất bại như Green Lantern (2011) của Ryan Reynolds.
Đến năm 2016, Zack Snyder cho ra bom tấn thứ hai, Batman v. Superman: Dawn Of Justice. Bộ phim được người hâm mộ DC cực kỳ trông chờ, vì không chỉ bao gồm một hay hai, mà cả ba gương mặt “biểu tượng” của hãng truyện tranh này: Superman, Batman và Wonder Woman. Tuy nhiên ngay khi ra rạp, Batman v. Superman vấp phải sự chê bai không tiếc lời từ giới chuyên môn, phần lớn đều cho rằng bộ phim quá lộn xộn và khó nắm bắt. Về sau, bản phim đầy đủ hơn do chính Zack cắt dựng được tung ra, khiến người hâm mộ đổ hết lỗi lầm cho Warner Bros.
Dù Batman v. Superman không thành công như kỳ vọng, nhưng Zack Snyder khi ấy đã bắt tay sản xuất phần tiếp theo - Justice League, với nhiều siêu anh hùng nổi tiếng hơn nữa. Nhưng khi phim sản xuất gần xong, Zack Snyder bất ngờ rời ghế đạo diễn, lấy lý do gia đình. Thay thế ông là Joss Whedon, người đã làm nên thành công cho The Avengers (2012) và Avengers: Age Of Ultron (2015) cho Marvel. Vừa tiếp quản Justice League, Joss Whedon đã tuyên bố bản phim của Zack Snyder “không thể coi nổi”, và lập tức cho quay bổ sung hàng loạt cảnh mới, cắt đi nhiều cảnh do Zack quay, cũng như thay đổi màu sắc cho bộ phim.
Đến ngày Justice League ra rạp, bộ phim vẫn bị giới phê bình đánh giá thấp, nhưng nhìn chung phản hồi có khả quan hơn so với Batman v. Superman. Điều này chứng tỏ sự can thiệp của Joss Whedon, dù gấp gáp và quá thẳng tay, vẫn có phần hợp ý các nhà chuyên môn hơn là Zack Snyder. Tuy nhiên, Justice League vẫn có doanh thu ít ỏi hơn kỳ vọng, khiến người hâm mộ một lần nữa quy trách nghiệm cho Warner Bros. và Joss Whedon. Chưa hết, họ còn kêu gọi phát hành bản phim gốc của Zack Snyder - vị đạo diễn mà theo ý họ là hợp với phong cách của DC nhất.
Sự ủng hộ từ phía người hâm mộ dường như đã giúp Zack Snyder vượt qua khó khăn. Trong suốt năm vừa qua, Zack liên tục tung ra những hình ảnh chụp diễn viên trên phim trường, cũng như tiết lộ nhiều dự định hấp dẫn mà ông ấp ủ cho vũ trụ DC. Chưa hết, vào đầu năm nay, nhiều nhà báo xác nhận Zack rời bỏ DC không hoàn toàn vì việc gia đình, mà do DC đã thẳng tay sa thải ông. Điều này cộng với việc các cảnh quay của Zack rò rỉ trên mạng như cảnh Superman tìm lại trang phục sau khi hồi sinh, cảnh nhân vật Cyborg trước khi gặp tai nạn,… càng khiến người hâm mộ DC thêm thương nhớ vị đạo diễn tận tâm này.
Nhưng mới đây, một tuyên bố của Zack Snyder đã làm chấn động cộng đồng người hâm mộ DC, và làm nhiều người quay sang ném đá. Theo lời Zack, nhân vật Robin bị giết bởi Joker trong Batman v. Superman là Dick Grayson - tức phiên bản Robin nổi tiếng nhất, quả cảm nhất. Điều này hoàn toàn trái ngược với tiết lộ trước đó của DC, rằng Robin đã chết là Jason Todd - một phiên bản cũng từng bị chết trong truyện tranh.
Thông tin này cho thấy Zack Snyder từng có ý định giết một trong những nhân vật quan trọng nhất liên quan tới Batman ngay từ giai đoạn “trứng nước” của vũ trụ DC. Đối với người hâm mộ, đây là một ý định cực kỳ khó hiểu, cực kỳ sai lầm. Nhiều người bắt đầu quay lưng với Zack Snyder, cho rằng ông đang dần trở nên quá đà và lạm dụng lòng hâm mộ của khán giả. Cũng có nhiều người ngay từ đầu đã không thích Zack, và nhân cơ hội này thể hiện luôn quan điểm của mình. Theo họ, phong cách đen tối của Zack không phù hợp với thị hiếu khán giả siêu anh hùng, và hãng DC sẽ làm ăn khấm khá hơn khi không có ông.
Cho tới nay, đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày Zack Snyder rời khỏi Justice League. Trong một năm đó, rất nhiều lần ông đăng tải những bình luận về vũ trụ DC mình ấp ủ, hoặc hình ảnh hậu trường các diễn viên. Đối với nhiều người, đây là dấu hiệu cho sự nhớ nhung, nuối tiếc mà Zack Snyder - một đạo diễn tận tụy, yêu nghề dành cho những dự án ông không thể hoàn thành. Nhưng kẻ khác lại cho rằng Zack đang để lộ sự cay đắng, giận dỗi của mình với các nhà sản xuất ở DC và Warner Bros. - và lấy người hâm mộ làm chỗ dựa để trả đũa họ.
Sự việc về Robin vừa xảy ra cho thấy rằng, dù người hâm mộ DC có thích các tác phẩm của Zack thế nào đi chăng nữa, họ vẫn sẽ không ủng hộ hoàn toàn mọi quan điểm của ông. Xét cho cùng, thứ thu hút họ đến rạp chiếu phim vẫn là các biểu tượng truyện tranh Superman, Batman, Wonder Woman,… những nhân vật đã gắn bó với họ từ bé tới lớn. Nếu Zack Snyder đi quá giới hạn với những nhân vật này, ông lập tức sẽ mất đi sự ủng hộ từ khán giả. Có lẽ, Zack nên dần để lại quá khứ với DC sau lưng, và sử dụng tài năng của mình để đến với những dự án mới, nhiều hứa hẹn hơn.