Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Vợ Ba': Khi những định kiến xưa cũ được che lấp bằng nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt

Được công chiếu trên thị trường điện ảnh quốc tế và dành nhiều giải thưởng cao quý tại các liên hoan phim mang tầm cỡ thế giới, Vợ Ba của nữ đạo diễn tài năng Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) gây ấn tượng bởi góc nhìn đầy chất thơ qua câu chuyện về những người phụ nữ dưới xã hội phong kiến.

Là dự án được đầu tư kỹ lưỡng với quá trình sản xuất kéo dài 5 năm, Vợ Ba hay còn được biết đến với cái tên gây bão nền điện ảnh quốc tế năm 2018 - The Third Wife nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía công chúng khi chính thức công chiếu tại Việt Nam. Song xây dựng bối cảnh thuộc thế kỉ 19 tại một làng quê miền Bắc, bộ phim đưa khán giả trở lại thời kì xã hội phong kiến với những khuôn mẫu hà khắc để làm nổi bật lên góc khuất thầm lặng trong tâm hồn những người phụ nữ truyền thống.

Thuộc thể loại tâm lý, những thước phim nghệ thuật của Vợ Ba là câu chuyện dựa trên nhiều sự kiện có thật, xoay quanh cuộc sống bình dị mà đầy sóng gió trong cái nhìn định kiến ở xã hội cũ. Để rồi, ghép nối câu chuyện và đưa vào một bố cục hoàn chỉnh, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Nguyễn Phương Anh lồng ghép những quy phạm cổ hủ trong cuộc đời của người con gái tên Mây (Nguyễn Phương Trà My). Bởi ngỡ rằng may mắn khi được gả vào một gia đình giàu, song luật lệ bất công với cơ chế đa thê khiến Mây trở thành người vợ ba ở độ tuổi cập kê. Để rồi chính cái ngày bước chân vào nhà chồng, nét mặt hồn nhiên của cô thiếu nữ thuần khiết ngày nào cũng theo đó mà sầu tư vì bao gánh nặng.

Nguyễn Phương Trà My trong vào vai Mây với gương mặt ngây thơ, toát lên vẻ thuần khiết

Bởi trước Mây, ông Hùng (Lê Vũ Long) sớm đã yên bề gia thất tới hai lần. Kể về những người phụ nữ sống cảnh chồng chung, bà Hà (Trần Nữ Yên Khê) và mợ Xuân (Mai Thu Hường) được xây dựng từ ngoại hình đến tính cách đều toát lên cái vẻ điềm đạm mà đoan trang, mang lại cảm giác tuy an phận nhưng lại ẩn chứa những dục vọng cá nhân. Dù vậy, điều làm nên điểm sáng cho cốt truyện tưởng chừng như quen thuộc này là sự biến tấu về mặt cảm xúc bên trong mỗi người phụ nữ chung một tấm chồng. Bởi không tồn tại sự ganh ghét, đấu đá, cuộc sống của cả ba hiện lên như một bản nhạc du dương, nhẹ nhàng và sâu lắng.

Mang tiếng sống kiếp chồng chung nhưng ba người vợ của ông Hùng lại hòa thuận hơn cả

Hiểu và thông cảm cho thân phận của nhau, bà Hà và mợ Xuân ý thức được cuộc hôn nhân sắp xếp của mình thực chất chỉ để phục vụ cho cái định kiến khắt khe “trọng nam khinh nữ”. Chính vì lẽ đó, nhìn thấy Mây với dáng người nhỏ nhắn, đâu đó trong họ tồn tại một niềm thương cảm khi nhớ lại quá khứ của bản thân. Để rồi chăm sóc và yêu thương Mây không chỉ có bà Hà và mợ Xuân mà còn là Liên (Lâm Thanh Mỹ), Nhàn (Mai Cát Vi) và Bồ Câu (Tăng Khánh An). Tất cả cùng nhau kiến tạo nên nếp sống dung dị, hài hòa mà bình yên dưới một mái nhà.

Song chỉ đến khi Mây hoàn thành một nửa trọng trách mà cô được giao phó - mang thai đứa con đầu lòng thì cũng là lúc sự bất an ùa về. Hiện hữu trong tâm trí những dòng suy nghĩ miên man thành nỗi ám ảnh, Mây lo sợ nếu sinh linh sắp chào đời không phải là một bé trai, liệu số phận của cô sẽ như mợ Xuân - một người vợ không danh chính ngôn thuận? Để rồi qua đây, không chỉ là sự kì vọng từ gia đình, bản thân những người phụ nữ lúc bấy giờ cũng vì mặc cảm cá nhân mà vô hình trung bị cuốn vào hệ tư tưởng cổ hủ.

Nếu bà Hà (Trần Nữ Yên Khê) là người vợ cả sắc sảo thì..

Nối tiếp mạch phim bên cạnh câu chuyện của Mây, khán giả thêm phần tiếc thương cho mối tình ngang trái giữa mợ Xuân và cậu cả. Bởi bất chấp những chuẩn mực mà đánh mất phẩm hạnh, xúc cảm nồng cháy trong họ phản ánh phần nào vẻ gai góc cùng bao vết cắt được gây ra từ sự an bài của số phận. Để rồi sai lầm nối tiếp sai lầm khi tình yêu không được đền đáp là bi kịch cho người thứ ba, cuộc hôn nhân sắp đặt của cậu cả vô tình gây ra cái chết thương tâm cho một thiếu nữ ở tuổi trăng tròn. Nhận lại bao đắng cay khi bị chối bỏ ngay đêm tân hôn, dù đúng dù sai lỗi lầm từ bao giờ thuộc về người phụ nữ trong cái xã hội tàn khốc ấy.

sự hiện diện của mợ Xuân (Mai Thu Hường) lại tinh tế mà kín đáo đến lạ thường

Song hiện hữu ở góc nhỏ tâm hồn, người vợ lẽ ấy tồn tại sâu thẳm những niềm đau

Cuối cùng lựa chọn cái chết như một sự giải thoát, gương mặt thanh tú nhưng vô hồn, hình ảnh tân nương trẻ lặng lẽ nằm trong quan tài lạnh lẽo gây ám ảnh mà khơi dậy bao nỗi xót thương. Bởi nếu ngày ấy không vì ánh nhìn của người đời rồi bị gia đình chối bỏ, có lẽ vận mệnh của cô thiếu nữ tràn đầy nhựa sống kia sẽ không kết thúc trong sự tủi hổ.

Tang thương bao trùm ngôi nhà của ông Hùng chỉ vài ngày sau lễ thành hôn

Song cùng với đó, không chỉ phản ánh thực trạng xã hội Việt Nam thế kỷ 19, Vợ Ba được coi là tác phẩm điện ảnh đầu tiên đề cập đến tình yêu đồng giới - câu chuyện tưởng chừng như phi thực tế ở thời kỳ này. Nhẹ nhàng trao cho mợ Xuân cái nhìn trìu mến ngay trong ngày cưới, nụ cười ngây thơ nhưng chan chứa yêu thương của Mây mang lại cảm giác ngại ngùng tuổi mới lớn ở một thiếu nữ biết rung động lần đầu. Thêm vào đó, bằng việc sử dụng ngôn ngữ điện ảnh, Vợ Ba giúp khán giả lắng đọng cảm xúc bởi những thước phim không thoại được đan xen bằng tiếng sáo chiều vi vu hay những hình ảnh ẩn dụ tinh tế đậm chất thơ.

Mây sớm đã phải lòng mợ Xuân

Là câu chuyện của quá khứ nhưng còn đọng lại tàn dư trong thực tại, Vợ Ba từ đó lan tỏa những thông điệp ý nghĩa mà sâu sắc qua hình ảnh người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ cũ. Bởi thoát khỏi thói đời bất công, người phụ nữ từ bao giờ dần vượt lên cái bóng của bao khuôn khổ mà sống thật với cảm xúc cá nhân.

Vợ Ba hiện đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc kể từ ngày 17/05/2019.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đinh Huyền

Được quan tâm

Tin mới nhất