Trước thành công của phiên bản năm 1986, về sau nhiều nhà sản xuất bắt tay vào khai thác và làm nên nhiều tác phẩm tân Tây Du Ký với sự sáng tạo về kịch bản và diễn xuất. Tuy nhiên, sự đón nhận của khán giả với những dự án này không như mong đợi.
Tây Du Ký 1986 - huyền thoại về nội dung lẫn diễn xuất
Tây Du Ký phiên bản 1986 là bộ phim huyền thoại gắn liền với tuổi thơ hàng triệu khán giả khắp châu Á và cả ở Việt Nam. Phim vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trung Quốc nổi tiếng Ngô Thừa Ân. Nội dung phim kể về một nhà sư thời vua Đường Thái Tông tên Huyền Trang đã trải qua 81 kiếp nạn thử thách để lấy được kinh Phật trở về truyền bá ở quê hương.
Bộ phim gây ấn tượng cho khán giả khi khai thác nội dung đầy tính nhân văn và cài cắm nhiều thông điệp ý nghĩa vào hành trình của thầy trò Đường Tăng.
Ví dụ như khoảnh khắc Ngộ Không bị sư phụ niệm chú trừng phạt vì tội cãi lời thầy, hay Đường Tăng đi ngang vách núi vì lòng từ bi mà ở lại để cứu một con khỉ lông lá biết nói tiếng người,... Tất cả được ví như bài học về lòng thương người và cách đối nhân xử thế, khán giả hoàn toàn có thể học tập để xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Tạo hình của các nhân vật trong phim cũng được đánh giá cao khi không quá lố nhưng vẫn đảm bảo việc giữ nguyên bản sắc của thời đại.
Trong đó, những nhân vật đóng vai trò làm chướng ngại cản trở con đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng cũng có tạo hình vô cùng phù hợp.
Đối với tuyến nhân vật yêu quái, nhà sản xuất khéo léo hóa trang gợi cảm giác đáng sợ nhưng vẫn đảm bảo không gây ám ảnh cho khán giả, trẻ em vẫn có thể vô tư xem cùng gia đình.
Có thể nói, tại Việt Nam và các nước châu Á, Tây Du Ký 1986 là món ăn tinh thần không thể thiếu cho khán giả, nhất là vào dịp Hè. Bằng chứng là người người nhà nhà đều xem Tây Du Ký. Có những lúc, mỗi khi tiếng nhạc Tây Du Ký vang lên, trẻ em khắp nơi quây quần với nhau vừa xem phim, vừa cười nói vui vẻ. Như vậy, Tây Du Ký 1986 còn nắm vai trò gắn kết xã hội.
Các bản Tây Du Ký sau 1986: Không chỉ thất vọng, mà còn phẫn nộ
Thông thường, mỗi dự án phim được làm lại sẽ vướng nhiều hoài nghi của giới chuyên môn lẫn khán giả. Nếu vượt qua được cái bóng của bộ phim gốc, sáng tạo thêm về nội dung và hình thức, những bộ phim remake vẫn được khán giả ủng hộ. Trường hợp của các dự án remake Tây Du Ký là một bước lùi so với bản gốc.
Nếu lấy lý do bản gốc quá xuất sắc nên các dự án về sau không vượt qua được cũng không đúng. Ngay từ khâu xây dựng kịch bản, chọn diễn viên, ekip bản làm lại Tây Du Ký về sau đã tự giới hạn chính mình. Cụ thể, các tác phẩm làm lại Tây Du Ký gần đây có thể kể đến như: Tây Du Ký Hậu Truyện (2000), Tề Thiên Đại Thánh (2002), Tây Du Ký (2009), Tây Du Ký: Đại Chiến Động Bàn Tơ (2020).
Trong đó, những phiên bản làm lại Tây Du Ký sau này được đánh giá cao ở khoản tạo hình, kỹ xảo và khả năng thực hiện các cảnh võ của diễn viên.
Ngoài ra, những gì mà khán giả nhận lại chỉ là sự thất vọng ê chề, nhất là ở việc xây dựng kịch bản. Cụ thể, các phiên bản Tây Du Ký gần đây thay đổi quá nhiều về kịch bản dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tình tiết phi lý, thậm chí trái đạo đức.
Cụ thể, phiên bản Tề Thiên Đại Thánh (2002) bị ném đá khi xây dựng hình tượng nhân vật Tôn Ngộ Không đào hoa với 3 mối tình với Bạch Cốt Tinh, Tử Lan Tiên Tử và yêu tinh nhện. Lố hơn nữa, ở phiên bản Tây du ký 2009, khán giả khắp nơi đã tẩy chay phim vì ngoài Tôn Ngộ Không, Sa Tăng lại phải lòng yêu tinh nhện trong khi sư phụ Đường Tăng hẹn hò cùng nữ vương Nữ nhi quốc.
Diễn xuất cũng là yếu tố khiến khán giả ngán ngẩm với các tác phẩm remake Tây Du Ký. Được biết, gia đình Lục Tiểu Linh Đồng - diễn viên vào vai Tôn Ngộ Không phiên bản 1986 có truyền thống làm nghề xiếc. Nên các động tác của nam diễn viên trong phim rất mượt mà, đến tận bây giờ mỗi khi Lục Tiểu Linh Đồng có dịp biểu diễn tặng khán giả, sự dẻo dai, điêu luyện của ông không hề thay đổi.
Trong khi đó, những dự án remake về sau được đánh giá còn kém xa bản 1986 về diễn xuất của các nhân vật, nhất là diễn viên thủ vai Tôn Ngộ Không.
Nhận xét về những dự án Tây Du Ký gần đây, nhà phê bình điện ảnh Mã Khánh Vân từng khẳng định các phim sau này thiếu sự sáng tạo do bắt chước phim cũ về cả nội dung, tạo hình lẫn diễn xuất.
Điều này khiến khán giả và giới phê bình không thấy được thiện chí tìm tòi của ekip, sự ủng hộ của công chúng vì thế cũng giảm sút.
Thế mới nói, để lấy lại niềm tin và sự công nhận của khán giả ở các dự án remake Tây Du Ký về sau (nếu có), ekip làm phim cần suy xét kỹ về khâu kịch bản, tạo hình lẫn chọn diễn viên. Remake nhưng vẫn sáng tạo và không quá lố, phù hợp với đối tượng độc giả là tiêu chí cần có của một dự án mà khán giả mong muốn.