Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Vì sao 'Kingsman: The Golden Circle' gây thất vọng so với phần 1?

Bỏ qua những sạn không đáng có, "Kingsman: The Golden Circle" với âm thanh và hình ảnh miễn chê cùng chất hài hước nhẹ nhàng dù chưa thực xuất sắc vẫn cứ là một lựa chọn tốt nếu bạn ra rạp để tìm những giờ phút thư giãn.

Cán mốc doanh thu 100 triệu đô la Mỹ sau ba ngày ra mắt nhưng Kingsman: The Golden Circle lại có màn ra mắt khá hẩm hiu ở thị trường Bắc Mỹ - nơi đánh giá khắt khe và công tâm nhất đối với các tác phẩm ra rạp cũng như nhận được khá nhiều nhận xét trái chiều mà chê nhiều hơn khen. Cùng SAOStar phân tích những lý do khiến cho phần hai của Kingsman đem lại thất vọng nhé.

Kingsman: The Golden Circle - khen chê trái chiều, doanh thu vẫn…ổn.

Cốt truyện vụn vặt và lảm nhảm

Phần một của dòng phim Kingsman mang tên The Secret Service ra mắt vào năm 2014 gây ấn tượng mạnh với khán giả trên toàn thế giới khi được xây dựng theo nguyên tác là bộ truyện tranh Kingsman trực thuộc Marvel comic. Mạch phim nhanh và liền mạch cùng một nội dung không thể đơn giản hơn đã đưa người xem đi theo hành trình của Gary 'Eggsy' Unwin từ một cậu nhóc đường phố trở thành một điệp viên, một quý ông Anh Quốc kiểu mẫu như James Bond nhưng hài hước hơn rất nhiều.

Cuộc chiến của tổ chức điệp viên núp bóng nhà mốt Kingsman chống lại tay phản diện Valentine đã mở ra một dòng phim điệp viên mới với ít nhiều bản sắc cũ như đồ chơi hiện đại, những quý ông lịch lãm với hai danh phận, những âm mưu hủy diệt mang tính toàn cầu; nhưng song song với đó lại là những câu thoại hài hước, nhiều trường đoạn chiến đấu đậm chất bạo lực máu me nhưng lại vui nhộn, tựa như một đoạn phim hoạt hình chiến đấu giữa thỏ Bug Bunny và tay thợ săn vậy.

Phần một của Kingsman đã tạo nên hướng đi mới đầy tiềm năng cho các bộ phim về đề tài điệp viên.

Phần hai của Kingsman vẫn giữ nguyên những yếu tố trên, thế nhưng một cách bất ngờ, đạo diễn Matthew Vaughn lại làm nó dở đi rất nhiều. Kingsman: The Golden Circle vẫn trung thành với một cốt truyện đơn giản, thế nhưng lại bị nhồi nhét quá nhiều sự kiện, quá nhiều nhân vật vào một thời lượng phim khá ngắn, đồng thời đạo diễn Vaughn lại quên mất phải phân bố thời lượng giữa các sự kiện cho hợp lý. Chúng ta chứng kiến sự sụp đồ của tổ chức Kingsman đồ sộ chỉ bằng vài quả tên lửa và được nhìn chàng Eggsy gạt nước mắt đứng dậy chỉ qua hai ba câu thoại; chứng kiến sự ra mắt của tổ chức điệp viên kiểu Mỹ Statesman chỉ qua vài thước phim ngắn ngủi tới mức khó hiểu. Thế nhưng những cảnh phim Eggsy ra mắt bố mẹ vợ, tiệc tùng liên hoan với bạn bè; những cảnh giới thiệu nạn nhân của The Golden Circle lại chiếm một thời lượng dài gần như tương đương. Đây đâu phải là những thứ kéo người ta ra rạp để xem Kingsman 2?

Bộ phim sa đà đến lan man vào những chi tiết không quá cần thiết như bữa tối này đây.

Tuyến truyện của bộ phim cũng có quá nhiều điểm bất hợp lý đến buồn cười, và xin đừng nói “Đây là phim thuần giải trí, đừng ký vọng gì nhiều.” khi mà phần một của Kingsman đã xây dựng rất tốt một cốt truyện đơn giản và mạch lạc. Tổ chức Kingsman được xây dựng qua ngót trăm năm với mô hình hiệp sĩ bàn tròn Anh Quốc đã phô diễn thực lực tài chính của mình với nào súng ống, đồ chơi công nghệ cao, ô tô vừa chạy được vừa lặn được v.v.. lại bị tiêu diệt một cách đơn giản tới ngớ ngẩn.

Tổ chức điệp viên lâu đời của Anh Quốc bị hack thành công và bốc hơi trong nhõn một đêm?

Toàn bộ tổ chức sụp đổ trong một nốt nhạc, tới mức hai mảnh cuối cùng của tổ chức là Merlin và Eggsy phải cầu cứu những người hàng xóm Mỹ. Và những người hàng xóm Mỹ có màn ra mắt ngầu lòi khi mà điệp viên Tequila một tay cân hai Kingsman, sau đó cũng chẳng thể hiện được gì đáng kể. Cả bộ phim chỉ có duy nhất Statesman Whiskey là tung hoành ngang dọc, còn thì kẻ ngồi nhà gõ phím, người uống rượu hút xì gà, thảm nhất là Channing Tatum thể hiện rõ xịn ở đầu phim và nằm trong ngăn đá tủ lạnh suốt cả phim luôn.

Xuất hiện ấn tượng, biến mất bí ẩn? Tổ chức Statesman gần như không có đất diễn đáng kể ở bộ phim này.

Phim nhiều sao, ai cũng xịt.

Ngoài dàn cast cũ từ phần đầu, Kingsman: The Golden Circle quy tụ dàn sao trải dài từ hạng A tới hạng B, có Julianne Moore, có Jeff Bridgets, có Halle Berry, có Channing Tatum, và sau cùng chẳng ai để lại được ấn tượng gì cho cam ngoài vai điệp viên Whiskey do Pedro Pascal đảm nhận.

Nhìn rất nguy hiểm và ra dáng ông trùm nhưng Champagne chẳng có vai trò gì trong bộ phim này.

Chàng Eggsy can đảm và liều lĩnh mất cả phần một của bộ phim để học được phong thái đàn ông và sang phần hai thì cứ bạ vài giây lại nói một từ “fuck”, và tần suất cậu chửi bậy nhiều tới mức khó chịu. Nói vui một chút, nếu chơi drinking game kiểu mỗi từ “fuck” buột ra từ mồm Eggsy ta uống một ly thì cuối phim cả rạp sẽ chẳng ai còn đứng thẳng được mất. Rồi thì Harry “Galahad” Hart - người thầy mà Eggsy yêu quý và kính trọng từ cõi chết trở lại và ăn hại gấp đôi, cả phim láo ngáo và sẵn sàng bắt chết đồng minh của mình ngay khi nghi ngờ mới nhen nhóm trong lòng.

Còn đâu hai quý ông điệp viên được xây dựng công phu từ phần một của phim?

Điểm sáng của phe Kingsman trong phần hai này có lẽ là Merlin - bình tĩnh và sáng suốt, lấy thân cứu đồng đội và hi sinh anh dũng, thế nhưng ngài Merlin của hội bàn tròn, biểu tượng của sự thông tuệ Anh Quốc trước lúc chết lại hát nhạc đồng quê Mỹ (?)

…điểm sáng hiếm hoi của team Kingsman - Merlin, thủ vai bởi Mark Strong.

Kingsman đã chán, Statesman lại càng thảm hơn. Hãng 20th Century Fox có vẻ nhưng khá chịu chơi khi thuê một lúc ba sao có tiếng tăm như Halle Berry, Channing Tatum và Jeff Bridgets về chỉ để kẻ bấm máy tính, người ngồi hút xì gà nói mấy câu nguy hiểm, kẻ thì biến mất gần hết cả bộ phim. Những lời thoại tạm được coi là hài hước và cá tính nhân vật nhạt nhòa của cả Kingsman và Statesman rốt cục chỉ được cứu vớt lại bằng thế mạnh vốn có của bộ phim - những trường đoạn chiến đấu đẫm máu nhưng hài hước mà phần lớn là đất diễn của Whiskey - Pedro Pascal. Đây cũng chính là nhân vật được xây dựng tốt nhất của bộ phim lần này - một người đàn ông yêu ghét rõ ràng, theo đuổi tới cùng lý tưởng của bản thân dù cho có phải hy sinh chính tính mạng của mình.

Vì sao 'Kingsman: The Golden Circle' gây thất vọng so với phần 1? Ảnh 9Tổ chức tội ác Hoàng Kim Hội thậm chí còn ngớ ngẩn hơn. Được xây dựng như một tập đoàn tội phạm bám rễ khắp thế giới, thế nhưng đại bản doanh lại được xây dựng ở một ngọn núi heo hắt theo sở thích của chủ nhân Poppy với đội ngũ bảo vệ lèo tèo không đến mười lính gác và hai con chó máy?

Tổ chức tội phạm hùng mạnh và vũ khí nguy hiểm nhất của họ - chó máy IQ thấp.

Và không có được cái lầy lội khó chịu nhưng không kém phần nguy hiểm như người tiền nhiệm Valentine do Samuel L. Jackson thủ vai ở phần trước, Poppy do nữ diễn viên gạo cội Julianne Moore thủ vai chỉ biết đứng một chỗ nói mấy câu nguy hiểm kiểu phụ nữ, sai người này giết người kia, điều khiển chó máy đi cắn người v.v… Thật sự khó hiểu tại sao kẻ đứng đầu một tổ chức tội ác bám rễ khắp thế giới lại có đầu não được xây dựng ẩu tả tới mức này.

Oscar, Emmy đều đã có đủ, và giờ Julianne Moore nhận một vai diễn thế này đây.

Những điểm sáng le lói của bộ phim

Gỡ gạc lại cho 141 phút đầy sạn và hài nhạt là phần âm thanh và hình ảnh được đầu tư khá tốt của Kingsman: The Golden Circle. Thế mạnh vốn có của bộ phim tiếp tục được giữ nguyên ở phần hai khi mà các phân cảnh chiến đấu được làm liên tục và khá dồn dập, đồng thời phần âm thanh được đầu tư chất lượng khiến khán giả xem đều cảm thấy khá tê khi xem phim ở rạp.

Vì sao 'Kingsman: The Golden Circle' gây thất vọng so với phần 1? Ảnh 12

Vì sao 'Kingsman: The Golden Circle' gây thất vọng so với phần 1? Ảnh 13Vì sao 'Kingsman: The Golden Circle' gây thất vọng so với phần 1? Ảnh 14Bộ phim giữ được thế mạnh đặc trưng - những cảnh chiến đấu hoa mỹ, đẹp mắt.

Một điểm đáng khen nữa của bộ phim, đó là cái “chất” phim được xây dựng nhất quán và hợp lý. Không khó để nhận ra, văn hóa đại chúng Mỹ những năm 90 được tái hiện khá hoàn chỉnh trong Kingsman 2, khi mà đầu não của tổ chức Hoàng Kim được xây dựng như một tổ hợp ăn - chơi thời thượng những năm cuối thế kỷ trước với khu vui chơi, salon làm đẹp và cả một nhà hàng kiêm quán cafe thường thấy dọc các tuyến quốc lộ xứ cờ hoa.

Và nhắc tới văn hóa Mỹ những năm 90, chúng ta không thể không nhắc tới Elton John, người đã làm khá tròn vai cameo lần này khi thủ vai chính ông - khoác lên người những trang phục biểu diễn đồng bóng quen thuộc cùng những ca khúc huyền thoại được cải biên cho hợp lý. Trong năm nay chúng ta đã chứng kiến Guardian of the Galaxy với tuyển tập nhạc hot 80-90, được xem một It nhuốm màu hoài cổ của thập niên 80 và sắp tới sẽ là Justice League với bộ sưu tập nhạc nền đã được nhá trước là bản làm mới của những ca khúc nhạc rock cùng thời. Có vẻ như năm nay sẽ là năm của những bộ phim mang hơi hướng retro trong bối cảnh và OST.

Elton John có lẽ là một trong những cameo được đầu tư nhất từ trước tới giờ trong thế giới phim ảnh.

Điểm cộng cuối cùng, đó là trang phục của các nhân vật vẫn được đầu tư bài bản và trau chuốt, khiến cho những tín đồ thời trang có dịp ra rạp lại có dịp trầm trồ trước những bộ suit hai mảnh là lượt của tổ chức Kingsman, những chiếc áo khoác bụi bặm, mũ cao bồi và ủng chăn bò của các chàng Statesman v.v… Với một bộ phim nhiều sạn như Kingsman: The Golden Circle, đây có lẽ chính là những điểm vớt vát quý giá cần được phát huy ở phần ba của dòng phim này.

…dù là Kingsman hay Statesman thì thời trang vẫn là số 'zdách'…

Lời kết

Bỏ qua những sạn không đáng có, Kingsman: The Golden Circle với âm thanh và hình ảnh miễn chê cùng chất hài hước nhẹ nhàng dù chưa thực xuất sắc vẫn cứ là một lựa chọn tốt nếu bạn ra rạp để tìm những giờ phút thư giãn.

Cùng hy vọng vào một phần ba, nơi mà điệp viên Tequila có nhiều đất diễn hơn bạn nhé!

Trailer phim Kingsman: The Golden Circle.

Và thêm một điều để mong đợi, cảnh phim cuối cùng, khi mà Gingle đảm nhận chiếc ghế mà điệp viên Whiskey bỏ lại và Tequila bước vào trụ sở mới của Kingsman, chúng ta dường như đều cảm nhận được phần ba của bộ phim sẽ được thay máu bởi dàn điệp viên mới được thể hiện bởi những Channing Tatum, Halle Berry và dĩ nhiên, Taron Egerton. Mong rằng, phần ba của Kingsman sẽ khắc phục được những lỗ hổng khổng lồ mà phần hai để lại để tìm lại bản sắc vốn đã được xây dựng rất tốt ở Kingsman: The Secret Service.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết NamThanh

Được quan tâm

Tin mới nhất