Về quê ăn Tết được đánh giá là bộ phim duy nhất lấy đề tài Tết cổ truyền Việt Nam, càn quét các rạp Việt vào những ngày cuối cùng của năm 2017. Lấy cảm hứng từ những giá trị nhân văn và cao cả mà con người Việt Nam từ ngàn năm nay luôn gìn giữ, và để người xem cảm nhận sâu sắc hơn những thông điệp đoàn làm phim mang đến, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân quyết định công chiếu tác phẩm sớm hơn thời gian ấn định. Có thể nói, quyết định táo bạo này của cô đã khiến cho Về quê ăn Tết thêm phần ý nghĩa và mang tính nhân văn cao hơn, truyền cảm hứng và làm cảm động hầu hết những người con xa quê đang chuẩn bị trở về quê ăn Tết sau một năm bận rộn.
Nội dung của Về quê ăn Tết xoay quanh chuyến hành trình về quê của chú Tư Ếch (Trung Dân) mang vật gia bảo từ tận Sài Gòn xa xôi trở về nhà. Chú bỏ tiền thuê nguyên xe của hai chị em Song Đậu, Đậu Xanh (Ngô Thanh Vân) và Đậu Đỏ (Jun Phạm). Cặp chị em này vốn vừa bị đuổi việc khỏi một hợp tác xã sau khi “hốt” ông chủ ngay tại bến xe. Trên chuyến xe bão táp của Song Đậu, vì nảy sinh lòng tham với tiền mà Đậu Đỏ quyết định cho bốn con người kỳ dị với trang phục lòe loẹt lên xe. Nào ngờ, đó lại chính là bốn người con của chú Tư Ếch đang theo dõi ba mình nhằm lấy tấm bản đồ đi tìm kho báu gia truyền từ tay ông.
Họ cũng chính là những người con mà bấy lâu lãng quên ba mẹ mình ở quê nhà, bận rộn với công việc trên Sài Gòn vội vàng, nhiều năm rồi vẫn chưa trở về nhà bên cạnh ba mẹ mà đón Tết. Long, Lân, Quy, Phụng - những người con của Tư Ếch - vì lo kiếm tiền mà bấy lâu để ba mẹ mình ở quê nhà mỗi năm xuân về lại ngậm ngùi lủi thủi đón Tết, thờ cúng một mình không con cháu.
Những người con của chú Tư Ếch đại diện cho lớp người trẻ hiện đại ngày nay, vì tiền lương tăng cao ngày lễ Tết mà lựa chọn ở lại đất khách, điên cuồng làm lụng không một ngày ngơi nghỉ. Về quê ăn Tết dường như cũng chạm vào nỗi đau của những người con xa quê, dù cố gắng vất vả cả năm trời ở nơi thành thị cũng không đủ tiền để bươn trải cuộc sống, huống hồ chi là mua một chiếc vé để về quê đón Tết cùng gia đình. Họ buộc lòng ở lại đây, tăng ca cả ngày lẫn đêm, để không biết đến ngày lễ Tết, để không nhọc lòng tủi thân, hay suy nghĩ quá nhiều.
Câu chuyện về việc đồng tiền ngày nay đôi khi còn lớn hơn cả tình thân vốn là một sự thật hiển nhiên mà bất kể ai trong chúng ta cũng phải nhìn nhận vấn đề này. Đôi khi họ suýt quên mất nơi bình yên nhất, an toàn nhất không phải là nơi chúng ta chứa rất nhiều tiền, mà đó là nơi có ba có mẹ, có người chờ về mỗi tối ăn cơm chung, sẵn sàng bên cạnh chúng ta mỗi khi vấp ngã. Bài học của các nhân vật trong tác phẩm không phải là một kết thúc buồn, họ vẫn còn cơ hội để kịp quay đầu và về đón Tết cùng gia đình. Thế nhưng, xin hãy nhớ, đời thật chưa bao giờ đẹp đẽ như truyện tranh hay phim ảnh. Hãy về nhà cùng ba mẹ, đừng để quá muộn rồi hối hận!
Qua chuyến hành trình, Về quê ăn Tết còn là tác phẩm khiến cho người xem phải chiêm nghiệm về những lỗi lầm và thứ tha của những người thân trong gia đình. Cũng trên chuyến xe không phanh này, Song Đậu lẫn bọn họ gặp gỡ biết bao nhiêu con người thuộc tầng lớp lao động, trở về thăm quê đón Tết trong những ngày cận kề. Là gánh hát chạy vội xuống miền Tây kiếm từng đồng từng cắc vì cơm áo gạo tiền. Là cậu trai “không được thơm” sẵn sàng trả 500 ngàn chỉ vì vội vàng về quê ăn Tết cùng người mẹ mù. Hay chỉ đơn giản là cô gái điên Hằng trốn khỏi bệnh viện vì nhớ nhà muốn gặp lại ba mẹ. Sự chân thành của họ, sự hứng khởi của họ vì sắp trở về nơi gọi là “nhà” khiến cho cả Đậu Xanh lẫn Đậu Đỏ lung lay quyết định liệu rằng họ có nên ở lại thành phố đón Tết thêm một năm nữa hay không.
Đậu Xanh và Đậu Đỏ rời nhà đi ba năm trước, không phải vì đồng tiền, chẳng qua là vì giới tính của Đậu Xanh đã bị ba mình phủ nhận và đuổi khỏi nhà. Vì thương chị hai một thân một mình, Đậu Đỏ cũng quyết định theo chị, chị làm tài xế, em làm lơ xe, rong ruổi trên những chuyến đi suốt ba năm không về nhà. Nuôi giấc mộng làm việc lớn rồi sẽ trở về, Đậu Xanh muốn chứng tỏ năng lực với ba, nhất quyết kiếm thật nhiều tiền rồi mới trở về. Thế nhưng nỗi nhớ của những người con xa quê rất muốn trở về thăm gia đình của họ, lẫn những tác động từ phía bên ngoài, khiến họ có một sự thôi thúc mãnh liệt trong dịp Tết đến lần này.
Chuyến xe bão táp kết thúc bằng việc chiếc xe phanh kịp lúc trước khi rơi xuống sông, Đậu Đỏ chuẩn bị lên đường trở về nhà, và cô nàng tomboy mạnh mẽ Đậu Xanh cuối cùng cũng khóc vì dòng tin nhắn của ba: “Đậu Xanh và Đậu Đỏ năm nay về quê ăn Tết với Tía nhé!” đã khép lại câu chuyện cảm động về một cái Tết cổ truyền đầy giá trị nhân văn của Việt Nam của Về quê ăn Tết. Bài học rút ra từ tác phẩm này, không chỉ là việc trở về quê sau một năm bận rộn, mà còn là câu chuyện tha thứ và chấp nhận bản ngã của người thân mình - một nét đẹp cũng không kém phần nhân đạo.
Trailer phim Về quê ăn Tết.
Về quê ăn Tết hiện đang công chiếu ở các rạp trên toàn quốc, dự kiến sẽ là một “chiến binh” hội đủ nhiều yếu tố mạnh để đánh bại bất cứ “đối thủ” nào trong cuộc chiến phòng vé khốc liệt dịp Tết Mậu Tuất 2018 này.