Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Us - Chúng ta' là hành trình đấu tranh với chính mình của Adelaide bản sao hay bản gốc?

Us (Chúng ta) là bộ phim kinh dị không phân biệt rạch ròi cái thiện - cái ác, bởi Adelaide dưới tầng hầm cũng chỉ là một con người khao khát đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp hơn của "người bị xích"; trong khi đó, Adelaide giả luôn tự hoàn thiện chính mình, nỗ lực trở thành một bản gốc thực sự.

Nối tiếp thành công của Get Out, đạo diễn kiêm biên kịch Jordan Peele tiếp tục cho ra mắt phim kinh dị “hack não” Us (Chúng ta), chuyện phim theo chân gia đình bốn người Adelaide Wilson (Lupita Nyong'o), Gabe Wilson (Winston Duke), con trai Jason Wilson (Evan Alex) và con gái Zora Wilson (Shahadi Wright Joseph). Trong chuyến đi chơi biển vào dịp nghỉ hè, cả gia đình chạm mặt nhóm người đáng sợ được gọi là ”The Tethered” - phiên bản kinh dị của chính bản thân mình. Với chất kinh dị xen lẫn yếu tố hài hước, khó đoán, bộ phim phủ lên lớp sương mù từ đầu cho đến cuối phim, khiến khán giả rơi vào trạng thái ngơ ngác ngay cả khi màn hình đã tối đen.

“Us” là hành trình tìm lại chính mình của bản thể Adelaide…

Được đưa đến tầng hầm và tráo đổi với bản sao của mình từ khi còn bé, Adelaide thật phải sống cuộc đời của một bản sao trong thế giới sơ sài và thiếu thốn hơn: ăn những con thỏ sống thay đồ ăn, nhận đồ chơi sắc nhọn trong ngày lễ, kết hôn dù chưa từng yêu, sinh ra những đứa trẻ dị tật thay vì “hoàng tử, công chúa” như “người ở trên”. Cũng tại đây, cô gần như mất đi bản ngã của mình và chỉ tồn tại cùng với bản năng ở cộng đồng “người bị xích”. Thậm chí, là người duy nhất có thể giao tiếp dưới tầng hầm, khi trở lại lên trên mặt đất, Adelaide cũng gặp nhiều khó khăn khi nói chuyện.

Song, điệu nhảy được trình diễn trên sân khấu đã đánh thức con người của Adelaide, đó là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời mà bản gốc Adelaide cho rằng: “Chúa đã soi sáng tôi”. Từ một người thật dần mất đi bản ngã, siêu ngã để sống như bản sao, nhân vật dùng chính điệu nhảy - mà rộng ra là nghệ thuật, đam mê - để tìm lại chính mình, cũng từ đây, Adelaide thật bắt đầu kế hoạch đứng đầu những “người bị xích” thoát khỏi tầng hầm, giết chết bản thể của mình và tận hưởng cuộc sống thật sự với không khí, ánh nắng trên mặt đất.

Hình ảnh hàng triệu “người bị xích” nắm tay nhau tạo thành hàng rào đỏ cũng nhằm ngụ ý chỉ phong trào Hands Across America có thật từng diễn ra năm 1986 tại Mỹ, với mục đích quyên góp cho người nghèo và người vô gia cư. Trước khi bị đưa xuống tầng hầm, Adelaide thật đã xem một clip ngắn về phong trào này và lưu lại trong ký ức, cuối cùng, cô sử dụng chính hình ảnh hàng rào người để giúp “người bị xích” thoát khỏi xiềng xích.

…hay là quá trình tìm bản ngã của Adelaide giả?

Trái lại, Adelaide bản sao được sống cuộc đời của người thật từ khi còn nhỏ. Quá trình phục hồi từ căn bệnh bị bố mẹ cho là sang chấn tâm lý của Adelaide không rõ ràng, bởi thực chất cô không hề bị sang chấn tâm lý. Vốn dĩ, phiên bản giả không biết nói, ngơ ngác với mọi thứ trong cuộc sống loài người. Không phải phục hồi, Adelaide giả đã thích nghi. Thậm chí, nhân vật còn được bố mẹ cho học múa và trình diễn thành thục trên sân khấu như người thật.

Không phải dĩ nhiên, Adelaide giả luôn nhạy cảm thái quá trước mọi dấu hiệu thiếu an toàn kể từ khi đặt chân đến vùng biển Santa Cruz. Trước hết, vốn là một “người bị xích”, cô biết rõ về sự tồn tại của thế giới này cũng như con đường dẫn đến tầng hầm chứa họ. Bên cạnh đó, hiểu được sự thiếu thốn và khổ sở khi bị nhốt dưới tầng hầm, Adelaide giả trân trọng hơn ai hết những ưu đãi mà con người nhận được, trân trọng hạnh phúc gia đình, chồng và những đứa con.

Như vậy, vốn chỉ là một “người bị xích” với hình dạng và bản năng giống người thật, Adelaide giả đã được tiếp xúc với giáo dục, môi trường con người, tình yêu và hạnh phúc gia đình để tìm thấy bản ngã của chính mình. Không chỉ biết nói, “người bị xích” Adelaide giờ đây đã có tri thức, cảm xúc, biết yêu thương và trân trọng gia đình. Thông qua diễn xuất của nữ diễn viên da màu Lupita Nyong'o, bản sao của Adelaide hiện lên là một người mẹ nhạy cảm nhưng quyết liệt, luôn gồng lên để bảo vệ cả gia đình, vừa khao khát sống một cuộc đời hạnh phúc, nhưng sâu thẳm trong lòng vẫn nhớ về gốc gác của mình (rơi nước mắt khi nhìn thấy gia đình Wilson giả, trầm ngâm, ngăn cản, gào khóc trước cái chết của bản sao hai đứa con).

Us (Chúng ta) là bộ phim kinh dị không phân biệt rạch ròi cái thiện - cái ác, bởi Adelaide dưới tầng hầm cũng chỉ là một con người khao khát đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp hơn của “người bị xích”; trong khi đó, Adelaide giả luôn tự hoàn thiện chính mình, nỗ lực trở thành một bản gốc thực sự và làm mọi thứ để gìn giữ cuộc sống tươi đẹp mà những người thật khác không trân trọng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV