Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Từ 'Us' và 'It Chapter Two', trình kinh dị đã nâng lên một tầm mới?

Các phim kinh dị như "It", "Us", "Get Out" không phải là những tác phẩm hù dọa rồi "để đấy". Đằng sau các câu chuyện kinh dị đều những vấn nạn xã hội có thật ở xứ sở Cờ Hoa và cuối cùng gây ám ảnh với khán giả bởi tính chân thật và đen tối tột cùng.

Gần một thập kỷ trước, những tựa phim như Insidious (2010), The Conjuring (2013), Insidious 2 (2013), Annabelle (2014) lần lượt ra đời, đặt nền móng cho hai vũ trụ phim kinh dị được đón đợi nhất hiện nay: Vũ trụ Điện ảnh Insidious và Vũ trụ Điện ảnh The Conjuring. 

Thời điểm đó, phong cách kể chuyện kết hợp giữa nhịp phim dồn dập, những màn jump-scare (thủ pháp hù doạ bằng âm thanh và hình ảnh đột ngột xuất hiện) bất ngờ và thông điệp cảm động về tình gia đình, tình thân khiến các tựa phim này dễ dàng chiếm cảm tình của khán giả. Cả chuỗi phim Insidious và The Conjuring đều lấy tinh thần gia đình làm chủ đạo và cứ thế tung hoành trên màn ảnh rộng suốt mười năm trở lại đây.

Tuy nhiên, khi những thương hiệu này dần mất đi sức hút, những câu chuyện về tình người hay tình thân cũng không đủ sức níu chân khán giả, một thể loại phim kinh dị khác được đưa lên màn ảnh rộng và chứng minh sức lôi cuốn của mình, từ hết tựa phim này đến tựa phim khác.

Gã hề ma là “nhân vật mới nổi” của thị trường phim kinh dị thế giới.

Get Out, Us, It, It Chapter Two đều là những tựa phim kinh dị đình đám trong hai năm trở lại đây. Chúng đều không phải các tác phẩm hù dọa đơn thuần. Đằng sau mỗi câu chuyện là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa: từ phản ánh nạn bạo hành gia đình, kỳ thị người đồng tính, ấu dâm, phân biệt chủng tộc đến những rối ren trong chính trị nước Mỹ.

Các tựa phim trên đều nhận được phản hồi tích cực từ giới mộ điệu lẫn khán giả đại chúng. Số điểm khả quan trên những trang đánh giá dành cho các bộ phim này đã chứng minh một điều: thể loại kinh dị giờ đây đã được đẩy lên một tầm cao mới, những yếu tố xã hội được sự dụng để biến hóa thành yếu tố hù dọa. Và trên hết, người xem đại chúng cũng có thể hoàn toàn chấp nhận và bị lôi cuốn với thể loại phim này.

Trước hết, ở Get Out và Us của đạo diễn da màu Jordan Peele, những yếu tố chính trị và xã hội Mỹ đã được cài cắm, đặt để một cách khéo léo, riêng tác phẩm Us nhận được 93% đánh giá tích cực từ gần 500 nhà phê bình điện ảnh của chuyên trang Rotten Tomatoes và được giới mộ điệu hết lời khen ngợi.

Những hình ảnh gây ám ảnh bậc nhất trong bộ phim Us, từ tầng hầm, chiếc kéo cho đến “người bị xích”, đồng thời cũng là các hình ảnh mang tính biểu tượng cao, qua đó thể hiện tinh thần chủ đạo của toàn bộ tác phẩm.

“Người bị xích” trong bộ phim kinh dị “Us”.

Còn với It Chapter Twophần phim thứ hai của người tiền nhiệm It, ra đời hai năm về trước, chuyện phim tiếp tục theo chân nhóm bạn trẻ của thị trấn Derry khi đã trưởng thành. Cả nhóm chuyển đến nơi khác và có cuộc sống riêng, sức mạnh của “It” (Pennywise) cũng khiến các thành viên quên đi kí ức kinh hoàng thời nhỏ.

Trưởng nhóm Bill (James McAvoy) trở thành một nhà văn-biên kịch, Beverly (Jessica Chastain) có cuộc sống không hạnh phúc với người chồng bạo lực, Ben (Jay Ryan) là một kiến trúc sư thành đạt, Eddie (James Ransona) làm chuyên gia phân tích rủi ro và Richie (Bill Hader) nổi tiếng với nghề biểu diễn hài độc thoại. Chỉ còn Mike (Isaiah Mustafa) ở lại thị trấn Derry và dành hai mươi bảy năm chỉ để nghiên cứu về gã hề xấu xí mang đến nỗi ám ảnh ngày bé.

Tuy nhiên, những nỗi đau xã hội mà mỗi nhân vật này thể hiện vẫn được giữ nguyên, bởi ám ảnh ngày nhỏ sẽ không bao giờ nhỏ đi, thậm chí còn lớn hơn khi các thành viên của Losers' Club trưởng thành.

Bill, vì nỗi đau mất em trai quá lớn nên không thể viết phần kết đẹp cho truyện của mình; Beverly và Eddie lấy những người chồng, người vợ giống hệt người cha, người mẹ có suy nghĩ lệch lạc của họ, hay Mike dành cả hai mươi bảy năm để nghiên cứu về thứ đã gây ra nỗi đau của thị trấn Derry.

Họ đều là những người lớn lên cùng với sự kỳ thị: một thằng bé béo phì, một thằng bé da màu, một đứa người Do Thái, một thằng bé lập dị, một thằng bé cà lăm, một cô bé mồ côi mẹ thuộc tầng lớp cấp thấp. Mỗi người đều đại diện cho một góc khuất của xã hội Mỹ và không ai trong số họ thoát khỏi bóng tối ấy ngay cả khi trưởng thành.

It Chapter Two còn lồng ghép vấn đề xã hội bên ngoài những nhân vật chính. Ngay từ đầu, bộ phim đã mở màn với tình tiết về cặp đôi bị bạo hành dã man trên cây cầu ở thị trấn Derry. Anh chàng Adrian cuối cùng bị quăng xuống sông và bị gã hề ma giết chết. Đây thực chất là một tình tiết dựa trên sự kiện có thật và ngầm giới thiệu về thị trấn Derry, một thị trấn chìm trong bóng tối của sự lệch lạc, định kiến, chia rẽ và từ đó dễ dàng bị It tấn công.

Gã hề ma tấn công những đứa trẻ bị ruồng bỏ, kì thị và cô độc.

Bộ phim It Chapter Two không đơn thuần là một tác phẩm hù dọa rồi “để đấy”. Đằng sau các câu chuyện kinh dị đều những vấn nạn xã hội có thật ở xứ sở Cờ Hoa và cuối cùng gây ám ảnh với khán giả bởi tính chân thật và đen tối tột cùng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất