Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Từ 'Thâm cung kế' nhìn về quy mô thực sự của Thượng Cung cục trong lịch sử nhà Đường

Liệu Thượng cung cục có đơn thuần chỉ là những nô tì hầu hạ chủ tử, tần phi trong hậu cung?

Xuyên suốt 9 tập đầu của Thâm cung kế lẫn toàn bộ phần 1 Cung tâm kế, khán giả thường lầm tưởng rằng: “Thượng cung cũng chỉ là nô tì” do ý tưởng này được lặp đi lặp lại rất nhiều bởi các nhân vật nữ quan trong phim. Nhưng thực sự trong lịch sử nội cung nhà Đường, điều này có chính xác?

Trong hậu cung, ngoài các phi tần đa số là do con nhà quan chức dự tuyển vào, nắm vị trí cao trong cung thì còn một lực lượng không thể thiếu, là thành phần chính vận hành các công việc hằng ngày của hậu cung, chính là các Nữ quan. Thực chất, nếu thiếu hệ thống nữ quan và cung nữ, mọi công việc của hậu cung sẽ bị ngưng trệ. Tuy nhiên, có vẻ như vai trò thực sự của họ không được chúng ta đánh giá đúng mực.

Thượng Cung cục thời Đường,
bánh răng giúp cho toàn bộ nội cung vận hành trơn tru

Nữ quan (女官), hay còn gọi là Cung quan (宮官) hoặc Sĩ nữ (仕女), là những từ hay dùng để gọi các cung nữ cao cấp trong cung đình phong kiến. Họ có phẩm trật và lương bổng như mệnh nam quan, có nhiệm vụ quản lý cung nữ trong hậu cung, lại có thể chiếu cố giúp đỡ các Hoàng tử, Hoàng nữ hoặc Vương tử, Vương nữ hay thậm chí các phi tần trong việc giáo dục. Các nữ quan có hai dạng xuất thân, một là từ cung nữ thấp hèn đề bạt lên, hai là các người có học thức được tuyển chọn và trao vào hầu hạ thân tín.

Thời kì nhà Đường, hậu cung phản chiếu Lục bộ mà thiết lập Lục cục (六局), về sau ảnh hưởng sau rộng, là hình mẫu chế độ Nữ quan mà các triều Tống - Minh noi theo. Trong Lục cục, đứng đầu là Lục thượng (六尚) ( hay trong 2 phần Cung tâm kế gọi là Thượng cung). Tuỳ theo mỗi cục mà cách gọi khác nhau như Thượng cung cục thì gọi là Thượng cung, Thượng nghi cục thì gọi là Thượng nghi. Tương tự Thượng thư trên triều đình, đều được mang hàm Chính ngũ phẩm. Trong mỗi cục lại có 4 Ti (司), hàm Chánh lục phẩm; giúp mỗi Ti là Điển (典), hàm Chánh thất phẩm và Chưởng (掌), hàm Chánh bát phẩm; tên các ĐiểnChưởng đều gọi theo tên của Ti, có tổng cộng 24 Ti (Nhị thập tứ Ti; 二十四司), trong phim rút nó còn 4 Ti, cắt mất hàm Điển chỉ còn hàm Chưởng.

Tổng cộng dưới nhà Đường thành lập 6 cục, gọi là Lục cục Nữ quan, gồm:

Thượng cung cục (尚宮局): nắm giữ mọi việc chung trong cung. Cơ cấu gồm: Ti kí (司記); Ti ngôn (司言); Ti bộ (司簿); Ti vi (司闈); Lục cục xuất nạp văn tịch đều phải thông qua Thượng cung cục này.

Thượng nghi cục (尚儀局): nắm giữ lễ nghi trong cung. Cơ cấu gồm: Ti tịch (司籍); Ti nhạc (司樂); Ti tân (司賓); Ti tán (司贊); ngoài ra còn có hai Đồng sử (彤史) hàm Chánh lục phẩm và hai Nữ sử (女史) giúp việc.

Thượng phục cục (尚服局): quản lý các đồ đạc như lễ phục, lễ khí, thang mộc của hoàng gia và thị vệ. Cơ cấu gồm: Ti bảo (司寶); Ti y (司衣); Ti sức (司飾); Ti trượng (司仗);

Thượng thực cục (尚食局): quản lý vấn đề ăn uống trong cung, ngoài ra còn quản lý rượu và y dược. Cơ cấu gồm: Ti thiện (司膳); Ti uấn (司醞); Ti dược (司藥); Ti xí (司饎);

Thượng tẩm cục (尚寢局): quản lý long sàn, mành trướng, đèn đuốc, các món vật nội thất. Cơ cấu gồm: Ti thiết (司設); Ti dư (司輿); Ti uyển (司苑); Ti đăng (司燈);

Thượng công cục (尚功局): quản lý các vấn đề về nữ công, sửa chữa và tạo ra đồ đạc hoặc y phục. Cơ cấu gồm: Ti chế (司制); Ti thải (司彩); Ti trân (司珍); Ti kế (司計);

Các chức ngoài Lục cục như: Cung chánh (宮正) hàm Chính ngũ phẩm; Ti chánh (司正) hàm Chánh lục phẩm; Điển chánh (典正) hàm Chánh thất phẩm; có nhiệm vụ xử xét sai trái của Nữ quanCung nữ, phụ giúp có 4 Nữ sử (女史). Ngoài ra còn có A giám (阿監) và Phó giám (副監), trật Chánh thất phẩm.

Ngoài ra còn có Văn Học quán (文學館), do các Nữ quan có học thức đảm nhiệm, sẽ được thăng làm Học sĩ (學士), phụ trách giảng dạy phi tần và cung nhân kiến thức, lễ nghi.

Quyền lực thật sự của một vị “Thượng cung”

Thời Đường Đức Tông có Tống Nhược Chiêu, bà văn hay chữ tốt, thông minh tuyệt đỉnh, đối đáp sắc sảo, cùng bốn người chị em gái nhập cung làm nữ quan, được Hoàng đế kính trọng đối đãi, không hề coi họ như nô tỳ mà gọi là Học sĩ.

Năm cuối Nguyên Hòa (820), đại tỉ Tống Nhược Sân qua đời, Đường Mục Tông sai Tống Nhược Chiêu tiếp quản kí chú, Bộ tịch trong cung, phong làm Ngoại thượng thư, sau đó lại làm lễ bái Tống thị làm Chính Ngũ phẩm Thượng cung. Trong năm chị em họ Tống, Tống Nhược Chiêu là người thông minh và khéo ứng xử nhất, qua các đời Hiến Tông, Mục Tông, Kính Tông đều được cả ba vị Hoàng đế tôn trọng, xưng gọi Tiên sinh.

Hậu cung tần phi và hoàng tử công chúa đều dùng lễ bái kiến bà, quyền lực không thua kém gì các trưởng bối trong cung. Đứng đầu Thượng cung cục, cơ quan điều tiết toàn bộ hoạt động của nữ quan, cung nữ trong hậu cung, cộng với sự kính trọng của các Hoàng đế khiến địa vị của Tống Thượng cung quả nhiên không thể xem thường.

Để nâng cao địa vị cho bà, Mục Tông tiến phong bà làm Nhất phẩm Lương Quốc phu nhân.

Năm Đại Hòa thứ hai (828), ngày 11 tháng 7 âm lịch, Tống Nhược Chiêu qua đời tại Đại Minh cung. Linh cữu tạm quàng tại Vĩnh Mục đạo quán. Năm ấy, 8 tháng 11 âm lịch, an táng tại huyện Vạn Niên. Thân phận cao quý, triều đình đặc biệt làm lễ tang long trọng, cử em trai Tống Tắc làm chủ tang.

Bà cùng đại tỉ Nhược Sân viết nên sách Nữ luận ngữ, gồm 10 thiên đều có ý nghĩa răn dạy đối với nữ giới trong nhân gian, ngoài ra bà còn có một tập truyện và một số bài thơ, theo ghi chép để lại.

Thượng Cung cục trong lịch sử Việt Nam

Trước triều đại nhà Nguyễn, lịch sử Việt Nam không có ghi chép cụ thể và chi tiết về những chức vụ cũng như cấp bậc của các nữ quan, dù có ghi nhận một vài nữ quan ưu tú. Sang thời Nguyễn, căn cứ theo Khâm định Đại Nam Hội điển Sự lệ mới có ghi chép cụ thể, theo đó ta biết rằng hệ thống nữ quan và cung nữ được gọi là Lục thượng (六尚), tương đồng quy chế có từ thời Đường.

Hình ảnh các Nữ quan và Thái giám triều Nguyễn ngày trước

Lục thượng bao gồm Thượng nghi, Thượng thực (từ thời Triệu Trị đổi làm Thượng diên), Thượng trân, Thượng y, Thượng phụcThượng khí. Các cấp bậc cai quản từ cao đến thấp là: Quản sự (管事), Thống sự (統事), Thừa sự (承事), Tùy sự (隨事), Tòng sự (從事) và Trưởng ban (長班). Trong đó, Hoàng Quý phi ngoài việc đứng đầu phi tần trong Hậu cung thì thường giữ cả vị trí Quản sự, thâu tóm mọi việc. Hệ thống Lục thượng được đề ra từ năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836) và hoàn thiện vào năm Thiệu Trị thứ ba (1844) bao gồm:

Ty Thượng nghi (尚儀): giữ nghi lễ, sổ sách, giấy tờ trong cung, giáo hóa điển phạm trong hậu cung. Bậc đầu gọi là Chưởng nghi, Chưởng lễ. Bậc thứ gọi là Tư hương, Tư chương , bậc trung gọi là Điển sự. Thấp nhất là đầu mụccung nô.

Ty Thượng diên (尚筵), tên lúc đầu là Thượng thực: giữ thức ăn, chè, trà, hoa quả trong cung. Bậc đầu gọi là Chưởng diên, Chưởng yến. Bậc thứ gọi là Tư trà, Tư thiện, bậc trung gọi là Điển soạn, Điển giai.

Ty Thượng trân (尚珍): giữ trang sức, châu ngọc trong cung. Bậc đầu gọi là Chưởng châu, Chưởng ngọc. Bậc thứ gọi là Tư kim, Tư ngân, bậc trung gọi là Điển mãn, Điển hoàn.

Ty Thượng y (尚衣): giữ mũ, giày, áo, xiêm trong cung. Bậc đầu gọi là Chưởng bào, Chưởng cừu. Bậc thứ gọi là Tư y, Tư phi, bậc trung gọi là Điển nhu, Điển chẩn.

Ty Thượng phục (尚服): giữ chăn, nệm, giường, màn trong cung. Bậc đầu gọi là Chưởng duy, Chưởng vi. Bậc thứ gọi là Tư thường, Tư đới, bậc trung gọi là Điển khâm, Điển nhục.

Ty Thượng thảng (尚帑), tên lúc đầu là Thượng khí: giữ các thứ đồ lạ, đồ chơi và giữ nội khố trong cung. Bậc đầu gọi là Chưởng trân, Chưởng ngoạn. Bậc thứ gọi là Tư thảng, Tư khí, bậc trung gọi là Điển cẩm, Điển thái.

Dưới quyền quản lý của Lục thượng là tám ban cung nữ, gồm có ban Thiều Quang, ban Thuỵ Nhật, ban Kim Hoa, ban Hương Cẩm, ban Tường Loan, ban Nghi Phượng, ban Tiên Quế, ban Ngọc Mai. Đứng đầu mỗi ban là chức Trưởng ban, chức vị dưới Lục thượng Tòng sự. Ngoài ra, trong cung còn có các quan nô tỳ, được gọi là đội Thuận Cần, đứng đầu là Đầu mục Cung nô, ngang chức với Trưởng ban. Hàng nữ tỳ được chia ra làm 6 cấp bậc: Thủ đẳng, Thứ đẳng, Trung đẳng, Á đẳng, Hạ đẳng và Mạt đẳng.

Kết

Nếu hậu cung muôn hồng nghìn tía lấy tần phi tam cung lục viện làm bộ mặt điểm tô thì hệ thống nữ quan chính là nhân tố giúp vận hành toàn bộ hệ thống trên một cách trơn tru và hiệu quả, giữ cho mọi việc lớn bé trong hậu cung được chu toàn. Quả thật, dù là các bậc Hoàng hậu, Tứ phi cao cao tại thượng hay các tú nữ thấp bé thì thiếu vắng hệ thống nữ quan và cung nữ, nữ nhân trong nội cung cũng khó… làm được việc gì!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Khôi

Được quan tâm

Tin mới nhất
Phòng Khám Đa Khoa Hồng Phúc – Được Ưu Tiên Lựa Chọn Tại Cẩm Mỹ Đồng Nai