Trước thềm LHP Cannes 2016, báo chí quốc tế đã xôn xao với hai bộ phim gây tranh cãi có trong danh sách tranh giải Cành cọ vàng. Đầu tiên là The Neon Demon (Con quỷ đèn nê ông) của đạo diễn Nicolas Winding Refn với trailer có cảnh tình dục đồng tính nóng bỏng giữa ngôi sao trẻ Elle Fanning và bạn diễn Jena Malone.
Thứ hai là Elle (Nàng) của nhà làm phim Paul Verhoeven, tác giả của những bộ phim “khét tiếng” là đầy cảnh sex như Showgirls (Gái nhảy) và Basic Instinct (Bản năng gốc). Trong phim, nữ diễn viên Pháp nổi tiếng Isabelle Huppert thủ vai một nữ doanh nhân bị cưỡng hiếp tàn bạo và quyết báo thù.
LHP Cannes là vậy, tình dục luôn là một phần phải có. Tính ra, lễ hội điện ảnh châu Âu năm nay còn “hiền lành” hơn hẳn năm ngoái, khi mà Youth (Tuổi thanh xuân) gây choáng váng với bức poster in cảnh hai diễn viên lão thành Michael Caine và Harvey Keitel ngơ ngẩn ngắm một cô gái khỏa thân hoàn toàn trong bể bơi.
Và khó gì có thể so sánh được với độ nóng bỏng và nhục dục của poster bộ phim 3D Love của đạo diễn Gaspar Noe cũng như nội dung đầy cảnh chơi ma túy và tình dục bạo liệt, dữ dội. Không ít nhà phê bình quốc tế lên án Love chỉ là một bộ phim khiêu dâm trần trụi chứ chẳng có tính chất điện ảnh gì.
Cởi áo khoe thân công khai
Sắc dục là một truyền thống lâu đời của LHP Cannes, đồng thời là điểm thu hút đáng kể của sự kiện điện ảnh toàn cầu này. Hồi năm 1953, biểu tượng tình dục nước Pháp Brigitte Bardot, khi đó mới 19 tuổi, xuất hiện đầy gợi cảm trong bộ bikini bé xíu trên bờ biển Cannes bên cạnh tài tử Kirk Douglas.
Một năm sau đó, nữ diễn viên Simone Silva chơi bạo hơn khi cởi phăng áo khoe nguyên bộ ngực “núi lửa” trên bãi biển Cannes. Một đoàn phóng viên ảnh tranh nhau chụp, hậu quả là một người gãy tay còn một gãy chân. Dư luận Pháp và châu Âu cũng nháo nhào. Sau đó ban tổ chức phải yêu cầu Silva rời LHP.
Những màn khoe thân lộ liễu để tìm kiếm danh vọng tương tự liên tục diễn ra sau đó. Năm 1995, nữ diễn viên người CH Czech Olga Macova cởi sạch toàn bộ quần áo trước một rừng ống kính. Năm 1997, nữ diễn viên - người mẫu Milla Jovovich diện bộ trang phục kỳ quái, chẳng che được gì trên thảm đỏ Cannes ngày giới thiệu bộ phim hành động The Fifth Element (Thành tố thứ 5).
Trên màn ảnh lớn tại LHP Cannes, cũng có không ít vụ scandal nổ ra. Năm 1961, tác phẩm Tây Ban Nha Viridiana của đạo diễn Luis Bunuel gây cú sốc nặng khi đoạt giải Cành cọ vàng. Câu chuyện về một cô gái sắp trở thành nữ tu gặp biến cố bất ngờ đậm đặc chất tình dục, khiến dư luận choáng váng và thậm chí cả Nhà thờ Thiên Chúa giáo nổi giận.
Từ đó đến nay, tình dục luôn là tâm điểm của LHP Cannes. Sex, lies and videotape (Tình dục, những lời nói dối và băng video) đoạt giải Cành cọ vàng năm 1989 có thể chẳng “nhằm nhò” gì so với thời buổi hiện nay, nhưng ở thời điểm đó cũng gây tranh cãi lớn.
Trong thập niên 1990, Kids (Những đứa trẻ) của đạo diễn Mỹ Larry Clark, kể câu chuyện về đời sống tình dục của một số thiếu niên New York, đồng loạt bị dư luận và báo chí ở LHP Cannes chỉ trích là mang tính chất lạm dụng trẻ em.
Những cơn địa chấn
Năm 1996, bộ phim Anh-Canada Crash (Va đụng) kể câu chuyện về những người nảy sinh khoái cảm tình dục từ các vụ đụng xe bị lên án dữ dội là quá bạo lực và nhiều cảnh tình dục. Nhưng Crash vẫn đoạt giải thưởng đặc biệt của ban giám khảo.
Trong thế kỷ mới, tình dục tại LHP Cannes càng trở nên dữ dội hơn với nhiều bộ phim gây sốc, dù chúng có thể không có tên trong danh sách tranh giải Cành cọ vàng. Baise-Moi (Hôn em đi) bị không ít khán giả tẩy chay vì câu chuyện hai cô gái trẻ lao vào cuộc phiêu lưu tình dục và bạo lực kinh hoàng.
Năm 2003, một cơn địa chấn nổ ra tại LHP Cannes khi The Brown Bunny(Thỏ nâu) của đạo diễn Vincent Gallo với cảnh làm tình bằng miệng sống sượng của nữ diễn viên Chloe Sevigny ra mắt khán giả. Nhà phê bình phim nổi tiếng người Mỹ Roger Ebert chỉ trích The Brown Bunny là “bộ phim tồi tệ nhất trong lịch sử LHP Cannes”.
Năm 2004, giới phê bình tròn mắt với bộ phim 9 Songs (9 bài hát) của Michael Winterbottom về mối tình đầy ám ảnh giữa một cặp nam nữ. Hai diễn viên chính đã quan hệ tình dục thực sự khi quay phim. Những năm gần đây, xu thế sex ở Cannes vẫn không có dấu hiệu suy giảm.
Năm 2013, Jeune et Jolie (Trẻ trung và xinh đẹp) gây tranh cãi dữ dội khi kể câu chuyện một cô gái trẻ chủ động chạy theo nghề gái gọi vì muốn khám phá nhục dục.
Không bỏ quên tình dục đồng tính
Trước đây, tình yêu và tình dục đồng tính thường bị xem nhẹ ở LHP Cannes và các nhà tổ chức luôn bị chỉ trích là quá bảo thủ. Nhưng sự thay đổi cũng đã đến. Năm 2013, Stranger by the lake (Người lạ bên hồ) gây ấn tượng mạnh với câu chuyện án mạng và tình dục đồng tính đầy xúc cảm.
Và cũng trong năm 2013, Blue is the Warmest Colour (Xanh là màu ấm nhất) kể câu chuyện hai cô gái trẻ yêu nhau đã giành giải Cành cọ vàng cao quý. Bộ phim có cảnh quan hệ tình dục đồng tính kéo dài tới 7 phút, gây rất nhiều ồn ào.
Tại sao LHP Cannes lại luôn “thoáng” với tình dục như vậy? Nguyên nhân có thể là do truyền thống cởi mở với tình dục của văn hóa châu Âu. Khác với nền điện ảnh Mỹ khá bảo thủ, chủ đề tình dục và những màn khỏa thân đã xuất hiện từ thời kỳ phim câm tại Ý với những phim như The Last Days of Pompeii (Những ngày cuối cùng của Pompeii).
Và điện ảnh Pháp lại càng đặc biệt thoải mái với tình dục. Giới chuyên môn khẳng định những cảnh tình dục và khỏa thân xuất hiện trong phim Pháp nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Brigitte Bardot từng là biểu tượng tình dục thời thập niên 1950 và 1960. Sau đó là đến thời của Emmanuelle Béart với vô số màn khỏa thân trên phim.
Và cũng chỉ ở châu Âu mới có thể xuất hiện những đạo diễn như Lars von Trier (người Đan Mạch). Trong tất cả các phim của Lars von Trier luôn đầy rẫy cảnh tình dục bạo liệt, thậm chí là tình dục đầy bạo lực. Có thể kể đến những tác phẩm như The Idiots (Những gã khờ), Antichrist (Chống Chúa) hay Nymphomaniac (Người đàn bà cuồng dâm).
Năm nay, liệu tác phẩm nào sẽ gây choáng tại LHP Cannes với những cảnh sex nóng bỏng? Chắc chắn sẽ có những bất ngờ. Bởi Cannes là như vậy.