Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Trường học bá vương': Vẻ ngoài hào nhoáng chịu chi nhưng lại là 'dân chơi rỗng ruột'

Là dự án ấp ủ gần 2 năm, thế nhưng tựa phim hành động học đường "Trường học bá vương" lại không nhận được phản hồi tốt như kì vọng.

Vào tháng 8 này, làng phim Việt sẽ trở lại cùng hàng loạt bom tấn đầy đủ các thể loại, từ tình cảm, hài, cải lương đến cả hành động, kinh dị. Mở đầu cho đường đua là tựa phim Trường học bá vương vừa ra rạp vào ngày 3/8.

Poster chính thức của “Trường học bá vương”.

Được đạo diễn bởi Duy Joseph, Trường học bá vương là sản phẩm thuộc thể loại hành động lấy bối cảnh học đường quen thuộc. Cốt truyện của phim xoay quanh nhân vật Michael Diệp (do Nhan Phúc Vinh thủ vai) - một thành viên thuộc Thiên địa hội - một hắc bang lớn tại Hàn Quốc. Là kẻ phản bội của nhóm, Diệp chứng kiến em gái của mình là Kim (do Ngọc Thanh Tâm thủ vai) hi sinh thân mình để tiêu diệt Đằng (do Gi A thủ vai) - tên sát thủ mang năng lực thôi miên chết chóc.

Duy Joseph - đạo diễn của “Trường học bá vương”.

Nhan Phúc Vinh trở lại sau chiến thắng tại Cánh diều vàng 2017.

Bị thương nặng sau cuộc giao đấu tại địa bàn của Thiên địa, Diệp nhờ bác sĩ Black Jack đệ Tứ (do Hoàng Phi thủ vai) phẫu thuật biến đổi nhân dạng. Diệp cuối cùng trở thành Tình (do Wean Lê thủ vai) - một nam sinh phổ thông bị tự kỉ và bị mất tích sau một chuyến du lịch tại Hàn. Kể từ đó, Tình, hay nói đúng hơn là Diệp sẽ dấn thân vào những cuộc phiêu lưu, rượt đuổi tại ngôi trường Good Genius cùng hội bạn có 1-0-2.

Tình ban đầu là cậu bé nhút nhát, bị tự kỉ và kiệm lời.

Tuy có văn án khá tiềm năng, thế nhưng toàn bộ 90 phút của Trường học bá vương là một nỗi thất vọng lớn, từ cách dẫn dắt câu chuyện đến diễn xuất của dàn cast đều khiến người xem phải thở dài và chưng hửng.

Cốt truyện học đường nhàm chán, thiếu điểm nhấn

Mô-típ học đường từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc, được rất nhiều nhà sản xuất điện ảnh tận dụng để cho ra đời nhiều tác phẩm để đời. Cô gái đến từ hôm qua, Tháng năm rực rỡ, Em chưa 18, Em gái mưa,… là những tựa phim vườn trường gần đây nhất nhận được phản hồi tích cực từ khán giả và cả giới phê bình.

Từng được cảnh báo rằng phim sẽ nhạt nhoà nếu không có yếu tố độc đáo, thế nhưng Trường học bá vương hoàn toàn “lọt bẫy” khi cho thấy sự non nớt cũng như thiếu chiều sâu trong khâu chế tác kịch bản. Bối cảnh trường học của phim hoàn toàn bình thường, bình thường đến mức dễ đoán, phim chiếu được 1 thì khán giả đã ở mức 9, 10 của thang đo thấu hiểu.

Bối cảnh học đường của “Trường học bá vương” từng dính nghi án “ăn theo” tựa game “Saints Row: The Third” và phim “Crown Zero”.

Điểm thú vị duy nhất từ mạch phim chính là việc nhân vật Diệp đã đụng đến dao kéo để “thế thân” thành Tình, một chi tiết trước giờ hiếm khi được sử dụng trong các sản phẩm nghệ thuật của Việt Nam. Còn về những điểm còn lại, từ hình tượng nhân vật đến tình huống phim đều xây dựng sáo rỗng, rập khuôn: Tình là công tử nhà giàu, học tại ngôi trường danh tiếng, trong một lớp học toàn học sinh quậy phá. Trong lớp sẽ có hotgirl nổi tiếng, có nhóm nữ sinh thích thị phi, có mọt sách, có bọn nam sinh đầu têu nghịch ngợm, có anh chàng “nam phụ” lạnh lùng, và cuối cùng là nữ chính hiền lành, lương thiện.

Lớp học tinh quái của Tình.

Một tựa phim với tình tiết dễ đoán, dễ hiểu thì không xấu, nhưng dễ đoán đến mức của Trường học bá vương thì cần phải xem lại. Giả dụ như, dường như ai ai cũng đoán được rằng trước sau gì cô nàng nữ chính Ý Nhi sẽ tham gia cuộc thi Miss Teen, và rồi cuộc ẩu đả giữa Diệp và Đằng vào chặng cuối sẽ được mang lên sân khấu làm trò vui cho khán giả.

Cảnh chiến đấu vô tình trở thành phần trình diễn của Good Genius tại Miss Teen.

Bên cạnh đó, những bài học nhân văn về cuộc sống lồng ghép vào phim cũng chỉ như những đóm lửa le lói rồi vụt tắt không ai hay. Để ngăn cản mọi người không được “ném đá” Ý Nhi, cô nàng Còi thích ăn gà đã tuôn ra một tràng đạo lý về sống thật với bản thân, để rồi dẫn đến một loại “lời thú tội” của nhóm bạn, để rồi kết luận mọi người nên tôn trọng lẫn nhau và yêu thương nhau. Vốn đang mang màu sắc hài hước đến không cảm nổi, một chút lắng đọng cũng không đủ để khán giả phải để tâm hay chí ít là động tâm động lòng. Không tin thì thử xem được bao nhiêu người nhớ gương mặt buồn bã của cha Tình (do Tiểu Bảo Quốc thủ vai) sau khi nghe mẹ con Tình nhỏ to tâm sự?

Những câu chuyện về gia đình, tình bạn đã quá quen thuộc, được lồng ghép khá gượng ép.

Nhiều chi tiết của phim cũng khá gượng ép, kì quặc, như cách cô mẹ trẻ của Tình ngang nhiên vào phòng con trai trong đêm khuya thanh vắng trong bộ áo ngủ gợi cảm để… tâm sự cùng con, hay nút thắt lớn của phim là Kim vẫn còn sống lại trở nên chóng vánh và qua đi như cơn gió thoảng. Theo một khán giả sau khi xem phim xong, cuộc thi Miss Teen với phần thưởng cho người chiến thắng là được tốt nghiệp không cần thi cử lại mang thông điệp tiêu cực, xem nhẹ giáo dục, vô hình trung cổ suý cho thói đua đòi, thích chơi bời bỏ học cũng giới trẻ.

Vòng chung kết Miss Teen tại Thái Lan, nơi đội thắng cuộc sẽ được tốt nghiệp mà không cần thi cử gì hết.

Cảnh quay của phim cũng là một điểm đáng nói. Cách chuyển cảnh đều gây khó chịu cho người xem, ngoài ra các tình tiết gây hài của phim cũng không tới, ngược lại có phần “nhạt”, như cảnh Ý Nhi “diệt ma” trong WC, khi xem thì khán giả chỉ biết che mặt làm ngơ vì không biết nên cười hay nên khóc. Trường học bá vương chẳng khác gì sản phẩm cuối cùng được chắp vá từ các MV ca nhạc cùng một số sitcom hay web drama trên YouTube, chứ không phải là một siêu phẩm màn ảnh rộng như khán giả đã hi vọng.

Một trong những cảnh “để đời” mà chắc chắn Hạ Anh sẽ nhớ mãi…

Kì vọng đây sẽ là làn gió mới cho thể loại thiếu niên vườn trường, thế nhưng để lại cho khán giả chỉ là nét ngậm ngùi cùng những cái xua tay đầy tiếc nuối.

Dàn diễn viên trẻ thiếu kinh nghiệm, đàn anh đàn chị cũng không gánh nổi

Tin tức Trường học bá vương mở đơn casting diễn viên đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ các bạn trẻ nhiệt huyết. Vì thế, gần như toàn bộ dàn nam thanh nữ tú của phim đều là những gương mặt mới.

Nam chính Tình được đóng bởi nam rapper trẻ Wean Lê, cũng là một trong số ít nhân vật nhận được phản hồi tạm được từ người xem. Bên cạnh đó, một số diễn viên phụ mới thực chất để lại ấn tượng tốt nhất trong dàn cast, như quản gia Thành mê xương rồng kiểng (do POM thủ vai), hay anh chàng Duy Bùi trong bộ đôi mọt sách 3/7 - 7/3. “Hiện tượng mạng” Huy Cung cũng xuất hiện đầy đáng yêu trong vai thầy giáo dạy môn “Ngôn tình học”, thầy hiệu trưởng Good Genius cũng đánh dấu sự trở lại của Tùng Min, và cái tên cuối cùng có lẽ là nhân vật phản diện Đằng. Bằng cách nào đó Gi A đã khắc hoạ được phần nào sự máu lạnh, sức mạnh của tên trùm lai điển trai.

Một số cái tên làm khá tròn vai trong “Trường học bá vương”.

Bên cạnh bộ ba nêu trên, dàn sao trẻ còn lại đều không để lại bất kì ấn tượng nào cho khán giả. Từ bộ ba Tam - Thái - Tử nhạt như nước ốc, hội chị em không ai nhớ nỗi tên, nhân vật “lạnh lùng boy” của Gin Tuấn Kiệt thì cứ hoang mang lạc lối, cả cô nàng Liz (do thành viên Liz của LIME thủ vai) cũng khá cứng nhắc và không gây thiện cảm, và cuối cùng có lẽ sau lần này thì chẳng ai thích Củ Tỏi lấn sân sang điện ảnh nữa đâu. Chính sự làm quá, thiếu tự nhiên trong cách diễn đã khiến cho mạch phim cũng đứt đoạn theo, ngay cả những cái tên tiền bối như Tiểu Bảo Quốc hay ngôi sao vừa đoạt giải Cánh diều vàng Nhan Phúc Vinh cũng khó lòng “gánh” thay giùm những hậu bối của mình.

Liz (LIME) với vai diễn hotgirl nổi tiếng Liz.

Gin Tuấn Kiệt tiếp tục “lạc lối” khi vào vai băng lãnh boy thích uống trà sữa.

Củ Tỏi vẫn cứ là vai phụ nhạt nhoà từ “Em chưa 18” sang “Trường học bá vương”.

Nhan Phúc Vinh không có nhiều đất diễn trong phim.

Đến nỗi, nhiều khán giả khi xem cũng không giấu nỗi sự buồn cười dành cho giọng nói của các diễn viên. Đơn cử như cô mẹ trẻ của Tình cùng chất giọng một tông đều đều, khi thì đơ đơ làm người xem cứ bật cười dù cho đang ở đoạn gây cấn. Hay là cảnh Tình thú nhận mình là Diệp với mọi người, tuy trên lý thuyết là cảnh cảm động, ngược tâm nhưng khi đến 3 chữ “vô bờ bến” thì người xem tự dưng không nhịn được cười, có lẽ vì cách nhả chữ khá đáng yêu đến mức “thoát vai” của anh chàng.

Từ Diệp thành Tình, giờ anh chàng lại tiếp tục “thay đổi diện mạo” thành dân chơi thứ thiệt.

Mang vẻ ngoài hào nhoáng cho thấy sự chịu chi của ê-kíp, Trường học bá vương lại là “dân chơi rỗng ruột”, không có sức nặng về mặt nội dung lẫn diễn xuất. Với thời buổi đang lên của làng phim Việt như hiện tại, đoàn làm phim trẻ không phải là cái cớ có thể mang ra để bào chữa nữa rồi. Mong rằng phía sản xuất của Trường học bá vương sẽ xem đây là kinh nghiệm xương máu để mang đến nhiều sản phẩm mãn nhãn, có chiều sâu hơn trong tương lai không xa.

Cùng xem qua trailer chính thức của “Trường học bá vương”.

Trường học bá vương hiện đang trình chiếu trên toàn quốc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Pennington

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc