Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Trung Quốc gắt gao với phim ngoại chỉ vì muốn tạo cơ hội cho phim nước nhà phát triển?

Joyce - Huỳnh Oanh Theo dõi Saostar trên google news

Việc hạn chế số lượng phim ngoại nhập về giúp thị trường điện ảnh đất nước tỷ dân có thể chọn lọc được những tác phẩm ngoại nhập thật sự chất lượng, bên cạnh đó còn mở đường tạo điều kiện phát triển cho phim nước nhà.

Nhìn sang nước láng giềng Trung Hoa, số bộ phim nước ngoài được cấp phép khởi chiếu chưa tới 40 phim/năm. Ở nước họ, Hội đồng kiểm duyệt vô cùng gắt gao, những bộ phim nước ngoài muốn qua được ải kiểm duyệt phải hợp thị hiếu, phù hợp với văn hóa Trung Quốc. Việc hạn chế số lượng phim ngoại nhập về giúp thị trường điện ảnh đất nước tỷ dân có thể chọn lọc được những tác phẩm ngoại nhập thật sự chất lượng, bên cạnh đó còn mở đường tạo điều kiện phát triển cho phim nước nhà.

Muốn kiếm tiền của dân Trung Quốc phải tuân theo luật của Trung Quốc đề ra

Để vượt qua được ải kiểm duyệt gắt gao, thậm chí có chút quái gở của 37 thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia Trung Quốc thật sự là một thách thức đối với bất kỳ một bộ phim ngoại nhập nào. Các nhà sản xuất phim Hollywood đã đúc kết các nguyên tắc tai quái của kiểm duyệt phim ở Trung Quốc: Người Trung Quốc không thể là người xấu. Cảnh sát Trung Quốc luôn thông minh, dũng cảm và hoạt động hiệu quả. Tối kỵ ma quỷ, bạo lực, nhục dục và những nhân vật đi xuyên thời gian, cũng không được đụng chạm chính trị. Tất cả yêu sách đó từ phía Trung Quốc luôn khiến các nhà làm phim Hollywood phải toát mồ hôi.

Chiếc đao kiểm duyệt Trung Quốc mặc sức “trảm” 20 phim nhập khẩu mỗi năm theo hạn ngạch: từ cắt gọt, chỉnh sửa các phân cảnh, sửa lời thoại cho đến cấm chiếu. Trước cửa ải khốc liệt đó, các nhà sản xuất phim Hollywood lại có thể kiên nhẫn tiếp thu chỉnh sửa đến lạ thường. Chẳng hạn như bộ phim Cloud Atlas của Hollywood dài 172 phút đã chấp nhận bị cắt gọt tới gần 40 phút mới được ra rạp Trung Quốc, bởi bộ phim có yếu tố yêu đương đồng tính lẫn dị tính. Hay đạo diễn phim Skyfall 007 đã chấp nhận cắt phăng những trường đoạn liên quan đến an ninh Trung Quốc và nạn mại dâm ở Macau để phim này được chiếu ở Trung Quốc. Các cảnh bạo lực (trong Pacific Rim phần 1) hay khỏa thân (trong Titanic) đều bị cắt không thương tiếc. Các yếu tố liên quan đến chính trị, các chủ đề nhạy cảm đều bị kiểm duyệt gắt gao.

Thậm chí tiếp thu chỉ trích gay gắt của Hội đồng duyệt phim quốc gia Trung Quốc rằng Red Dawn 2 đã “biến người Trung Quốc thành quỷ dữ”, hãng MGM sản xuất Red Dawn 2 quyết định làm một việc vô tiền khoáng hậu: Dùng kỹ thuật số đổi tất cả quân Trung Quốc trong bộ phim thành… quân đội Bắc Hàn, chưa kể nhiều chi tiết liên quan khác như quốc kỳ, các biểu tượng… Hãng phim này tiết lộ kinh phí thay đổi bổn quán đội quân trong phim đã ngốn hết 1 triệu USD. Thậm chí ngay cả bộ phim đạt giải Oscar Call me by your name của đạo diễn Ý Luca Guadagnino vấn bị gạch khỏi danh sách được phép trình chiếu tại Liên hoan Phim quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) chỉ vì nội dung không phù hợp với những yêu sách của Hội đồng kiểm duyệt trên.

Trung Quốc trở thành thị trường phim ảnh lớn thứ hai trên Thế Giới, đe dọa cả Hollywood

Trung Quốc có tổng cộng 8.260 rạp chiếu phim trải đều trên khắp cả nước. Theo thống kê, tổng doanh thu phòng vé của điện ảnh Trung Quốc năm 2015 đạt được hơn 44 tỷ NDT, trở thành thị trường điện ảnh lớn thứ 2 toàn cầu. Đầu tháng 2.2016, tức chỉ cần 2 tháng, tổng doanh thu phòng vé của điện ảnh Trung Quốc đạt được 1 tỷ USD (6,2 tỷ NDT), lần đầu vượt qua được cả doanh thu của nước Mỹ (Nước Mỹ vào tháng 2 năm 2016 tổng doanh thu phòng vé thu về được 870 triệu USD). Trong năm 2017, doanh thu thị trường phòng vé quốc gia tỷ dân đã đạt được 54 tỷ NDT (7 tỷ USD). Mức tăng trưởng doanh thu tại thị trường Trung Quốc trung bình đạt 30,35% mỗi năm.

Trên bảng xếp hạng 10 bộ phim có doanh thu cao nhất toàn cầu đầu năm 2018, khá bất ngờ có tới 4 bộ phim Trung Quốc góp mặt trong danh sách. Chỉ trong tháng 02/2018, vừa trúng dịp lễ Tết Nguyên Đán, Trung Quốc đã thu về một con số kỷ lục chưa từng có 10,13 tỷ NDT (1,6 tỷ USD). Con số này đã phá vỡ kỷ lục về doanh thu nội địa của Trung Quốc vào tháng 08.2017, cũng vượt qua kỷ lục thế giới về doanh thu 1 tháng được xác lập tại Bắc Mỹ với 1,395 tỷ USD vào tháng 07.2011. Một điều đáng nói khác ở đây, những bộ phim đến từ đất nước tỷ dân chỉ cần chiếu thị trường nội địa (Trung Quốc), không như 6 phim còn lại cần phải trình chiếu trên toàn thế giới. Thế nên nhìn vào danh sách trên, doanh thu của tổng 10 bộ phim thì Trung Quốc chỉ cần một mình cũng đủ “cân” hết một nửa Thế giới.

Thị trường điện ảnh Trung Quốc đang dần soán ngôi Bắc Mỹ, trở thành thị trường điện ảnh có doanh thu cao nhất Thế giới. Chính vì vậy, những bộ phim Hollywood vài năm gần đây đang nhắm đến thị trường tỷ dân với những chiêu thức từ chiêu mộ diễn viên Hoa Ngữ hay nhắc tới Trung Quốc trong các bộ phim bom tấn nhằm “lôi kéo” dân Trung đến rạp. Nhiều lần, Trung Quốc đã cứu nguy ngoạn mục cho những “bom xịt” của Hollywood. Từ năm 2018 đến năm 2020, hơn 12 dự án hợp tác giữa phim Trung Quốc và Mỹ.

Gắt gao với phim ngoại chỉ vì muốn tạo cơ hội cho phim nước nhà phát triển?

Việc gắt gao ở khâu kiểm duyệt và hạn chế số lượng phim nước ngoài đã giúp cho phim Trung Quốc hoàn toàn áp đảo tại các rạp chiếu phim. Hằng năm, Trung Quốc chỉ cho phép 34 phim nước ngoài có nội dung phù hợp, trung bình mỗi tháng chỉ có 2-3 phim nước ngoại cạnh tranh với phim nội.

Vào năm 2012, Lạc lối ở Thái Lan trở thành bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc kiếm được hơn 1 tỉ nhân dân tệ và mở ra một trang mới cho điện ảnh Trung Quốc. Ba năm sau đó, Tróc Yêu Ký đã đánh bại bom tấn đến từ Hollywood Fast And Furious 7 trở thành ông vua phòng vé năm 2015. Vài tháng sau đó, Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì đã lật đổ kỷ lục của Tróc Yêu Ký, gây sốt không chỉ ở Trung Quốc mà còn gây tiếng vang toàn Châu Á. Bộ phim cũng nắm giữ danh hiệu phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại trước khi nhường vị trí đó cho Chiến Lang 2 của Ngô Kinh vào năm 2017 với doanh thu 5,68 tỷ NDT. Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể vượt Mỹ, hoặc thậm chí toàn bộ thị trường Bắc Mỹ để trở thành thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới vào năm 2019.

Không chỉ có phim thương mại, giải trí có thể đạt được doanh thu cao, mà ngay cả những phim “khó nuốt” như phim nghệ thuật, thậm chí phim tài liệu cũng được khán giả Trung Quốc đón nhận. Việc hạn chế những phim nước ngoài cũng góp phần khích lệ, tạo điều kiện, thị trường cho phim nội phát triển. Phim điện ảnh Trung Quốc ngày nay vô cùng đa dạng về thể loại, nội dung và ý tưởng. Những yếu tố cách mạng, lịch sử, lòng yêu nước rất được người dân nước này yêu thích. Tiêu biểu như Chiến Lang 2 của Ngô Kinh, bộ phim đề cao tinh thần yêu nước của chiến sỹ Trung Quốc, đặt yếu tố này lên đầu như một châm ngôn của bộ phim, thậm chí nếu không phải là người Trung Quốc, bạn thắc mắc không hiểu lý do phim này có điểm gì xuất sắc nổi bật để trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh nước này.

Những bộ phim nghệ thuật khó nuốt trước giờ ít có khả năng lôi kéo khán giả đến rạp. Tuy nhiên, những năm gần đây doanh thu phòng vé Trung Quốc đã chứng minh cho bạn thấy điều ngược lại. Bộ phim Tôi không phải là Phan Kim Liên trước khi công chiếu chính thức tại các rạp Trung Quốc đã nhận vô số giải thưởng danh giá tại các LHP quốc tế, tiêu biểu như giải Phim hay nhấtNữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho nữ chính của bộ phim là Phạm Băng Băng. Khi công chiếu tại các rạp, ban đầu phim bị chèn ép suất chiếu vì mang mác phim nghệ thuật kén người xem, thế nhưng số lượng người đến rạp nhiều hơn dự kiến buộc các rạp phải tăng suất chiếu cho phim. Kết quả phim thu về 505 triệu NDT, một thành tích vô cùng tốt đối với phim nghệ thuật. Một bộ phim nghệ thuật khác của đạo diễn Phùng Tiểu Cương là Phương Hoa có doanh thu lên đến hơn 1 tỷ NDT, trở thành phim nghệ thuật có doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh Trung Quốc.

Một thể loại kén người xem hơn hẳn phim nghệ thuật là phim tài liệu cũng có khả năng lôi kéo khán giả tới rạp. Chỉ bỏ ra chi phí sản xuất 2 triệu NDT, bộ phim tài liệu 22 thu về lên tới 170 triệu NDT (607 tỷ VND) một con số không tưởng đối với dòng phim này. Cũng giống như Tôi không phải là Phan Kim Liên, ban đầu 22 cũng bị hạn chế suất chiếu tại các rạp Trung Quốc. Nhờ hiệu ứng truyền miệng tích cực mà bộ phim đem về 9,6% suất chiếu tại các rạp lớn thay vì chỉ có 1,5% suất so với ban đầu.

Có thể thấy, mặc dù các nhà làm phim Hollywood liên tục chiều chuộng thị trường tỷ dân Trung Quốc, sẵn sàng thay đổi nội dung, đưa diễn viên bản địa vào… thế nhưng chính sách quản lý phim ngoại của đất nước này vẫn gắt gao để đảm bảo phim nhà phát triển được. Mặc kệ Avengers: Infinity War có đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới, các nước đua nhau chiếu sớm nhất có thể thì Trung Quốc vẫn ấn định ngày ra mắt là 11/05 - trễ hơn nửa tháng so với những quốc gia khác. Nhờ những chính sách bảo hộ cho phim nội địa, những bộ phim của Trung Quốc có thể ăn nên làm ra vào những dịp lễ lớn, thay vì cạnh tranh với bom tấn Hollywood.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Joyce - Huỳnh Oanh

Được quan tâm

Tin mới nhất