Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Tranh cãi về thời gian trong lượng tử giới: Avengers: Endgame và Ant-man and the Wasp trái ngược nhau?

Nếu trong Avengers: Endgame, Scott Lang nói 5 năm ở lượng tử giới chỉ bằng 5 giờ ở ngoài đời; thì trong Ant-man and the Wasp, Janet (vợ của Hank Pym) đã phải sống 30 năm trong vương quốc lượng tử ngang bằng thời gian ở ngoài.

* Bài viết tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi đọc

Trong Avengers: Endgame, lượng tử giới (quantum realm) là nguồn gốc để các siêu anh hùng du hành thời gian, thực hiện phi vụ mang những viên đá vô cực trở về năm 2023 để hoàn tác cú búng tay của Thanos vào năm 2018.

Còn nhớ ở phần after-credit của Ant-man and the Wasp, trong lúc Ant-man / Scott Lang đi vào thế giới lượng tử thì ở bên ngoài, cú búng tay của Thanos đã làm Hope Van Dyne, Janet Van Dyne và Dr. Hank Pym tan biến. Điều này khiến cho Scott Lang bị mắc kẹt trong thế giới lượng tử suốt 5 năm, chỉ đến khi một con chuột vô tình ấn vào nút trên chiếc xe, tái khởi động đường hầm lượng tử giúp Ant-man thoát ra được bên ngoài. Lúc này đã là năm 2023, thế giới u ám và tang thương, vẫn chưa thể vượt qua được cú shock mất một nửa nhân loại của vũ trụ.

Scott Lang tìm đến hội sở Avengers, gặp Captain America và Black Widow để nói về lượng tử giới, một phương thức có thể tìm cách du hành thời gian về quá khứ để thay đổi. Trong cuộc hội thoại này, Ant-man tiết lộ 5 năm ở thế giới thực chỉ bằng khoảng 5 giờ đồng hồ trong thế giới lượng tử.

Lý thuyết này của anh em đạo diễn Russo và hai anh em biên kịch của Avengers: Endgame sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như trước đó trong Ant-man and the Wasp, ta từng biết một điều khác. Mẹ của Hope Van Dyne (tức vợ của Dr Hank Pym) - bà Janet đã mắc kẹt trong lượng tử giới 30 năm tính theo thời gian thực ở bên ngoài. Khi đưa bà ấy trở ra ngoài, cô Janet năm xưa nay đã là một bà lão tóc trắng bạc phơ với những nếp nhăn, tương ứng với ông chồng Hank Pym.

Ngay sau khi Ant-man and the Wasp trình chiếu, nhiều người bày tỏ mối nghi ngại làm thế nào Janet có thể sống ở đó tận 30 năm, cho đến khi già nua tóc bạc trắng như thế? Một đoạn phim đã bị cắt khi chiếu rạp, chỉ có trong bản Bluray phát hành tại Mỹ đã phần nào lý giải thắc mắc đó. Cụ thể, Janet có “bạn” ở lượng tử giới. Cô ấy có một thiết bị giao tiếp đặc biệt cho phép họ hiểu nhau.

Cảnh quay bị cắt trong bản chiếu rạp của Ant-man and the Wasp.

Ai đó hoặc thứ gì đó đã cung cấp cho cô công nghệ này khi cô ở Cõi lượng tử. Đây là người (hoặc sinh vật) giúp duy trì sự sống của cô ấy trong 30 năm. Họ cũng sẽ phải chăm sóc sức khỏe cho cô ấy và đảm bảo rằng cô ấy sẽ không hoảng loạn khi lần đầu tiên bước xuống đó. Căn cứ vào hình trong clip, đó là một loại sinh vật đơn bào thông minh.

Như vậy, dựa trên bản phim của Ant-man 2, Janet đã thực sự sống 30 năm cuộc đời ở lượng tử giới, bằng với thời gian ở ngoài đời, chứ không đơn giản là… 30 giờ, theo lý thuyết mà Scott Lang đã đề cập trong Avengers: Endgame.

Nếu lấy bộ phim Ant-man and the Wasp làm thước đo vì đây là phần phim lý giải rõ nhất và đưa đến khởi nguồn của thuyết lượng tử giới để Endgame kế thừa, thì cả Hank Pym hay Janet hay Hope đều chưa từng đề cập về sự chênh lệch thời gian giữa hai nơi này.

Như vậy, so với kịch bản và lý thuyết về thế giới lượng tử trong phim Ant-man and the Wasp của đạo diễn Peyton Reed và hai biên kịch chính Chris McKenna - Erik Sommers thì việc Scott Lang nói trong Ant-man rằng 5 năm trong giới lượng tử bằng 5 giờ ngoài đời… là sai.

Tìm hiểu về cõi lượng tử qua góc nhìn của nhà vật lý học

Trong một bài viết phân tích của Tiến sĩ Sumanta Tewari - giáo sư vật lý và thiên văn học thuộc trường Đại học Clemson về lượng tử giới và khái niệm du hành thời gian, ông cho biết khái niệm du hành thời gian thực chất lại dễ xảy ra hơn là việc “xuyên không”, vì du hành thời gian là hoàn toàn có thể nếu bạn có thể di chuyển với tốc độ ánh sáng.

 “Nếu bạn có thể di chuyển với vận tốc ánh sáng, bạn sẽ không già đi. Tuổi bạn sẽ không hề tăng, đồng nghĩa với việc thời gian hoàn toàn đứng yên nếu bạn tiếp tục di chuyển ở vận tốc ánh sáng. Nói cách khác, nếu bạn di chuyển càng ngày càng nhanh, thì thời gian sẽ càng ngày càng 'di chuyển' chậm hơn so với bạn. Giờ thì điều này là một giả thiết thú vị, và bạn có thể tự kiểm chứng nó.”

Tewari đưa ra ví dụ về các cặp sinh đôi. Một cá thể sống ở Trái Đất, trong khi cá thể còn lại rời đi khám phá vũ trụ với vận tốc 20 năm ánh sáng. Sau khi hai người gặp lại nhau trên Trái Đất, thì người thứ 1 chắc chắn sẽ già đi 20 tuổi, trong khi người đi với tốc độ ánh sáng cùng lắm chỉ lớn thêm 5 tuổi mà thôi.

Dĩ nhiên, nhiều người sẽ không phát hiện ra điều này khi xem những cách du hành thời gian cổ điển trong phim ảnh, đại loại như ai đó vào cỗ máy, bấm số và ngay lập tức lùi về một thời điểm nào đó trong quá khứ. Trong khi việc đi đến tương lai là khả dĩ, thì ý kiến về việc đi lùi về quá khứ của Tewari lại khó nhằn hơn, khi nó phá vỡ nhiều định luật vật lý nền tảng quan trọng.

“Là nhà vật lý học, chúng tôi kiểu như hiểu rằng vì sao không thể đi ngược về quá khứ được. Bởi vì để làm được điều đó, thì bạn cần di chuyển với vận tốc lớn hơn rất nhiều so với vận tốc ánh sáng, và vấn đề là đến hiện tại con người ta chỉ mới có thể chứng minh rằng vận tốc ánh sáng là vận tốc lớn nhất trong vũ trụ.” Và theo chia sẻ của ông, những loại hạt cho đến hiện tại có thể đạt đến vận tốc vĩ mô đó là các hạt hạ nguyên tử được tạo ra từ máy gia tốc hạt, chẳng hạn như ở phòng thí nghiệm Femilab ở Illinois.

Dựa trên những gì Tiến sĩ Tewari phân tích, “Nếu bạn có thể di chuyển với vận tốc ánh sáng, bạn sẽ không già đi. Tuổi bạn sẽ không hề tăng, đồng nghĩa với việc thời gian hoàn toàn đứng yên nếu bạn tiếp tục di chuyển ở vận tốc ánh sáng”, thì Scott Lang có thể sống trong giới lượng tử và di chuyển với vận tốc ánh sáng khiến cho anh không hề già đi, và đúng là 5 năm chỉ bằng 5 giờ.

Có ý kiến cho rằng, vận tốc ánh sáng dịch chuyển của Scott Lang và Janet cách đây 30 năm khác nhau, khiến cho Janet mắc kẹt và già theo đúng tuổi của mình, còn Scott Lang chỉ mất 5 giờ cho 5 năm thực tại. Điều đó có thể thấy đối với lời Hulk nói ở cuối phim Endgame, Captain America có thể ở lại quá khứ bao lâu tùy thích nhưng với thời điểm của năm 2023 thì chỉ là 5 giây. Nó cũng giống như việc khi các siêu anh hùng du hành thời gian để lấy các viên đá, thời lượng mỗi người lưu lại khác nhau hoàn toàn, có người nhanh người lâu hơn, nhưng cùng trở về một lúc do họ… cài đặt.

Trên thực tế, vấn đề là do đạo diễn và biên kịch đặt ra còn lý giải lại là việc của… người xem. Chúng ta tha hồ thiết lập hàng tá các giả thuyết khác nhau để hợp lý hóa những gì đang diễn ra trên màn ảnh, chứ đôi khi người làm phim cũng không có ý nghĩ sâu xa phức tạp đến vậy.

Có lẽ Marvel Studios đang gặp rắc rối giữa những bộ phim của mình khi sở hữu 22 phim với hàng chục đạo diễn cùng biên kịch khác nhau khiến cho tính logic giữa các tình tiết “giẫm chân vào nhau”, không thống nhất. Cả hai phim Avengers: EndgameAnt-man and the Wasp đều bấm máy gần như cùng lúc - tháng 8/2017, chính vì vậy, việc giải thích nguyên tắc hoạt động, những chi tiết về lượng tử giới chưa được làm rõ ràng và khớp với nhau. Thôi thì chúng ta cứ tách bạch từng phim và tự làm hài lòng bản thân bằng những giả thuyết vậy, vì có khi biên kịch hay đạo diễn cũng chưa đủ kiến thức về vật lý học để giải thích cho khán giả.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Minh Hoàng

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc