Spoiler: Bộ phim tiết lộ những tình tiết trong phim, bạn đọc cân nhắc trước khi đọc!
Trạng Tí được phóng tác dựa trên truyện tranh Thần đồng đất Việt của họa sĩ Lê Linh, kể câu chuyện về bốn đứa trẻ Tí, Sửu, Dần, Mẹo của làng Phan Thị quyết tâm lên đường đến chùa Phật Quang, tìm thầy Thích Thông Tuệ để biết được cha Tí là ai...
Có thể nói nếu bỏ qua lùm xùm bản quyền của họa sĩ Lê Linh và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, Trạng Tí là phim thiếu nhi đầu tư chỉn chu, duy mĩ cho trẻ em Việt Nam – theo cách Hollywood làm được từ lâu với Harry Potter hay Biên niên sử Narnia... từ nội dung, kĩ xảo cho đến ngoại cảnh.
Trạng Tí giống như một cuộc phiêu lưu pha chút yếu tố thần thoại, truyền thuyết có cốt liệu dân gian rất rõ nét với nhiều màn thử tài, đấu trí của nhóm bạn Tí. Thậm chí nhiều lần, họ còn phải đối mặt với những kẻ ác, nhưng họ vẫn vượt qua hoàn cảnh hú hồn nhờ sự thông minh, lanh lợi cùng lòng dũng cảm, hào hiệp.
Điểm hấp dẫn nhất của Trạng Tí chính là khi nhóm bạn bốn người vào đền Thần Hổ, giải mã câu đố của Thần Hổ, đánh bại bọn cướp. Ở đấy, ta thấy một Trạng Tí dù chỉ được Thần Hổ ban cho cái quyền "chỉ được hỏi một câu hỏi duy nhất" thì vẫn dành nó để giải đáp thắc mắc rất đáng yêu của Dần.
Ở đấy, ta cũng thấy Mùi, một người bạn mới quen của nhóm bạn Tí, vẫn quyết định đứng về phía họ dù phải chống lại người cha mù quáng, tham lam của mình. Ngoài ra, sự xuất hiện của chú tiểu chùa Phật Quang - Tị đem đến những màn võ thuật đặc sắc.
Cậu nhóc này đã một thân "đơn đả độc đấu" với bọn cướp để giải vây cho nhóm bạn Tí không khỏi làm chúng ta liên tưởng đến diễn viên võ thuật nhí của Hoa Ngữ Thích Tiểu Long.
Phần xuất hiện của hai ông Thần Thật Thà và Thần Dối Trá cùng Thần Hổ bằng hiệu ứng CGI (một ứng dụng của đồ hoạ máy tính nhằm tạo ra hoặc sửa đổi hình ảnh trong nghệ thuật) đỉnh cao thực sự đẩy Trạng Tí trở thành tác phẩm thiếu nhi hoành tráng nhất của điện ảnh Việt Nam từ trước đến nay, với trải nghiệm thị giác đạt điểm 8/10.
Ngoại cảnh của Trạng Tí được quay tại đầm Vân Long (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), Vườn quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai)... vô cùng bát ngát, choáng ngợp. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cũng dụng tâm bỏ ra 2 tháng để dựng bối cảnh làng Phan Thị tại Tràng An, nhằm mang đến một làng quê thời phong kiến nước Việt ngày xưa chân thực nhất.
Điểm yếu của Trạng Tí đầu tiên có lẽ đến từ những màn câu đố và phần giải đố của Tí và nhóm bạn khá nhiều (đâu đó tầm 9 câu hỏi rải đều các lĩnh vực Toán, Lí...) và được giải đáp rất nhanh đến có khi ngay cả người lớn coi một lần cũng chưa hiểu hết nói chi đến trẻ con.
Chưa hết, diễn xuất của các diễn viên nhí cũng chưa đồng bộ. Có lẽ do tuổi đời còn nhỏ nên các bé chưa phối hợp ăn ý với nhau. Nhân vật Tí của Hữu Khang thậm chí đôi khi lép vế trước Cả Mẹo lém lỉnh, hoạt ngôn, ranh mãnh của Đức Anh.
Trạng Tí không hẳn là một tác phẩm mang màu sắc kì ảo như Harry Potter hay Biên niên sử Narnia mà chú trọng hơn yếu tố dân tộc, nhân văn cao độ thông qua một số chi tiết như tổ chức cuộc thi Hổ Phụ sinh Hổ Tử; nhóm người Tí lên chùa Phật Quang rồi gặp đại sư Thích Thông Tuệ giảng giải về ý nghĩa của những sự tưởng tượng, cách sống của phụ huynh của bốn đứa trẻ... Thành ra, khi dung hòa hai yếu tố kì ảo và dân gian vào với nhau, Trạng Tí bỗng dưng trở thành một tác phẩm hơi nặng nề, có phần giáo điều.
Bộ phim công chiếu Toàn Quốc từ ngày 30.4.2020.