Những tác phẩm lấy đề tài bạo lực học đường hay chứa đựng những câu chuyện bắt nguồn từ bạo lực học đường luôn thu hút sự chú ý không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thị trường toàn cầu. Cách đây không lâu, bộ phim The Glory đã trở thành chủ đề nóng, nói về sự trả thù cho bạo lực học đường mà nhân vật chính Moon Dong Eun (Song Hye Kyo) phải chịu đựng thời thơ ấu. Ngoài ra, phim Người Hùng Yếu Đuối, Taxi Driver, Penthouse: Cuộc Chiến Thượng Lưu, Save Me hay thậm chí Vườn Sao Băng được phát hành trước đó tại Hàn Quốc cũng thu hút sự chú ý với chủ đề này.
6. Taxi Driver (Ẩn Danh)
Ẩn Danh là một trong số những bộ phim kinh dị tội phạm gay cấn có sức hút truyền thông nhất nhì thời điểm hiện tại kể câu chuyện về Kim Do Gi (Lee Je Hoon thủ vai ), đặc vụ một thời, là thành viên của đội taxi Cầu Vồng giúp mọi người trả thù và phục vụ công lý.
Bộ phim tái hiện nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực học đường, ám ảnh người bị hại đến suốt cuộc đời. Sau tất cả, toàn bộ những kẻ phản diện đều phải trả giá. Việc trở thành nạn nhân bị bắt có thể hủy hoại tương lai một người theo hướng tồi tệ nhất và cách họ phản kháng lại cũng khiến người xem phải suy ngẫm.
Phim đạt 8/10 IMDb, rating tập cuối phần 2 đạt 21% tại Hàn Quốc, cũng là mức tỷ suất người xem cao nhất của cả sê-ri, trở thành bộ phim có rating cao nhất trong năm 2023 tính đến thời điểm hiện tại.
5. Penthouse: Cuộc Chiến Thượng Lưu
Qua lăng kính của Penthouse: Cuộc Chiến Thượng Lưu, người xem bị sốc trước những chiêu trò bắt nạt khi lột tả trần trụi và lên án gay gắt thực trạng đáng báo động này của hội “rich kid”, ngụy tạo một lớp mặt nạ hoàn hảo với cuộc sống tráng lệ nhưng tâm hồn thối rữa. Mọi mâu thuẫn của phim bắt đầu từ trường học, hội “trâm anh thế phiệt” bắt nạt đối tượng yếu thế về cả thể xác và tinh thần, đáng nói họ cười hả hê và tỏ ra tự hào về hành động cực đoan đó.
Nạn bạo lực học đường trong phim thể hiện rõ nét các màn bắt nạt ác độc và vô nhân đạo. Những kẻ bắt nạt thường ở độ tuổi khao khát được thể hiện cái tôi mạnh mẽ, thường thích hành hạ chỉ vì lòng ghen tị với đối phương hay muốn nạn nhân thấu hiểu cảm giác tổn thương của chính mình. Tuy bị gọi là “bộ phim điên rồ nhất màn ảnh Hàn Quốc” song Penthouse có một bước đệm để các nạn nhân dũng cảm đứng lên tố cáo hành vi bạo lực học đường.
4. Weak Hero Class 1 (Người Hùng Yếu Đuối)
Được dán nhãn 18+ cho các cảnh phim bạo lực, Người Hùng Yếu Đuối vẫn thu hút được lượt xem của đông đảo khán giả quốc tế. Dù nội dung phim không quá gây sốt nhưng vẫn gây được tiếng vang nhất định nhờ cốt truyện thực tế và khả năng diễn xuất của nam thần tượng Park Ji Hoon (Wanna One).
Park Ji Hoon đảm nhận vai nam chính Shi Eun là một học sinh giỏi, ít nói và là đối tượng bị bắt nạt ở trường. Vẻ ngoài và thể chất yếu đuối song Shi Eun biết cách vận dụng các định luật vật lý và dụng cụ vào những lúc đánh nhau. Cậu cùng những người bạn của mình đã cùng nhau chống lại nạn bạo lực.
Phim đạt 9.1/10 điểm trên My Drama List với 18,104 lượt bình chọn, được 8.6/10 điểm trên IMDB, 8.8/10 điểm trên Douban, 9.8/10 điểm trên IQIYI, 9.8/10 điểm trên Viki và cũng là phim được tìm kiếm nhiều nhất tuần trên Viki).
3. The Glory (Vinh Quang Trong Thù Hận)
The Glory gây chấn động về bạo lực học đường khi lên kịch bản dựa theo những chuyện có thật từng xảy ra ở các trường học. Nhân vật chính Moon Dong Eun (Jung Ji So và Song Hye Kyo thủ vai) mỗi ngày đến trường đều bị bạn bè cô lập, đánh đập và tra tấn khiến cô bị hủy hoại từ bên trong, chịu nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần trong suốt hành trình trưởng thành. Người xem không khỏi xót xa khi Moon Dong Eun dành cả cuộc đời sống trong cơn ác mộng và nỗi ám ảnh cùng cực.
Sau cùng, toàn bộ nhân vật phản diện phải trả giá, người tốt nhận được sự hạnh phúc. Bộ phim bóc trần những góc tối tàn bạo chốn học đường, tái hiện nỗi đau của nạn nhân bị bạo lực học đường và là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người không được làm ngơ, lại im lặng trước tội ác.
2. Save Me (Lời Cầu Cứu)
Lời Cầu Cứu kể về Im Sang Mi (Seo Ye Ji thủ vai) - cô gái chịu tổn thương tinh thần vì từng chứng kiến anh trai nhảy lầu tự tử khi học cấp 3 vì bị bạn học tra tấn dã man cả về thể xác và tinh thần. Cảnh quay chân thật và loạt tình huống nặng tâm lý khiến Seo Ye Ji mắc bệnh trầm cảm trong thời gian ngắn vì không thể “thoát vai” sau khi phim đóng máy.
Seo Ye Ji nhớ lại khoảnh khắc ớn lạnh khi bị ác mộng hành hạ mỗi đêm trong suốt 4 tháng khi quay phim Lời Cầu Cứu: “Tôi sợ hãi sau khi trải qua hàng ngày một mình. Tôi không thể di chuyển cơ thể của mình và có cảm giác như ai đó hoặc thứ gì đó đang đuổi theo tôi (trong giấc mơ của tôi) và đập cửa. Tôi thực sự đã trở thành Sang Mi (trong quá trình quay phim). Ngay sau đó, tôi cảm thấy có lỗi với bản thân mình. Tôi tức giận đến mức tôi thường khóc không ngừng”.
1. Boys Over Flowers (Vườn Sao Băng)
Phim học đường Vườn Sao Băng từng là thanh xuân của bao thế hệ và làm nên tên tuổi cho dàn diễn viên Goo Hye Sun, Lee Min Ho, Kim Hyun Joong, Kim Bum, Kim Joon… Vườn Sao Băng khắc họa tuổi thanh xuân và đời sống trường học được mô phỏng qua những thước phim gần gũi. Trong môi trường tri thức rộng mở, Jan Di (Goo Hye Sun thủ vai) may mắn nhận được suất học bổng nhưng vì chênh lệch giàu – nghèo khiến cô xem thường, tẩy chay, trở thành tâm điểm bắt nạt.
Phim tạo được sức hút mạnh mẽ với nội dung hấp dẫn, dẫn dắt khéo léo những vấn đề nhức nhối trong xã hội, trong đó có đề tài bạo lực học đường. Không cổ xúy đánh đấm, cảnh bạo lực trong phim nhẹ nhàng hơn bằng cách sử dụng hỗ trợ âm nhạc, bộ phim nhận được nhiều sự ủng hộ nhiệt tình, trở thành cơn sốt điện ảnh quốc tế với lượt rating đáng ngưỡng mộ đến 35,5%.
Xem thêm tại: Song Joong Ki khoe nhẫn cưới với vợ ngoại quốc, thái độ khác hẳn hồi còn yêu Song Hye Kyo?