Victor Vũ, người muôn năm cũ…
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính thức ra rạp vào đầu tháng 10. Tạm bỏ qua những yếu tố giúp tác phẩm này gây chú ý như kinh phí 20 tỉ đồng , chuyển thể từ truyện cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh hay các chiến dịch quảng bá mang tầm quốc tế, bộ phim xứng đáng được nhìn nhận thông qua đời sống riêng của nó.
Victor Vũ là đạo diễn Việt Nam duy nhất lôi kéo được hầu hết khán giả đến rạp qua tên tuổi của mình. Các cô gái có thể xem Cô dâu đại chiến, những chàng trai sẽ thích Quả tim máu và Scandal. Còn phần đông khán giả đại chúng, nhất là các em nhỏ thì sao? Thời điểm này đang là giai đoạn trầm lắng của thị trường điện ảnh thế giới. Hầu như không có bom tấn Hollywood nào đủ sức cạnh tranh tại thị trường chiếu rạp Việt Nam. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là dự án trên trang giấy từ 2013, giữa năm nay, bản trailer nháp được tung ra kèm theo dòng chữ “một bộ phim của Victor Vũ” tạo nên cơn sốt lan tỏa trên mọi phân khúc.
…về nhà với hoa vàng và cỏ xanh
Tiếp tục câu chuyện về bối cảnh. Vài ngày sau, nhà sản xuất công bố trailer đầu tiên, như bơm thêm sự tò mò đã căng phồng trước đó. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tiếp cận với truyền thông tựa một cơn sóng dồn dập chưa bao giờ có, nó len lỏi qua từng lời truyền miệng, tán dương và kinh ngạc. Chỉ một làng quê yên bình khuất nẻo, ba đứa trẻ nghèo Thiều, Mận, Tường vướng vào những rung động đầu đời. Và rồi, trận lũ lụt càn quét, mái nhà tranh ngả nghiêng khiến một hình ảnh thiên nhiên dù xanh đẹp đến mấy cũng trông thật ngang tàng.
Bản chất truyện của Nguyễn Nhật Ánh vốn là những mảng ghép rời rạc. Qua bàn tay biên kịch - đạo diễn Việt Linh, sau đó trở thành ngôn ngữ điện ảnh của Victor Vũ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sống động vượt trên sự ủy mị về tuổi thơ đã qua. Nếu từng xem nhiều tác phẩm của anh, dù tâm linh, lãng mạn, cổ trang, tâm lý tội phạm…, không khó để nhận ra phong cách quen thuộc của nhà làm phim tài danh này. Victor luôn biết chiều chuộng khán giả bằng một kỹ thuật vượt bậc. Về sau, trình độ ấy càng nâng cao lên mức cách tân và duy mỹ mà tới bây giờ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một đỉnh cao. Các góc quay flycam đắt giá làm cho từng khung ảnh bay lượn trên màn hình, cảnh cận góc của bộ ba diễn viên đều có những dụng ý nghệ thuật đặc biệt, không hề tùy tiện.
Đáng khen hơn cả là tính biểu tượng - tư duy điện ảnh lỗi thời cần được bài trừ từ lâu. Không như chiếc kẹp cũ kỹ trong Quyên, con thuyền tre của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại khá thành công trong việc luân chuyển cảm xúc và hàm chứa ký ức tuổi thơ. Các chi tiết xuất hiện tự nhiên, chừng mực, tổ hợp vào bức tranh toàn cảnh của vùng quê thanh bình.
Trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, nhạc phẩm Thằng Cuội do cố nhạc sỹ Lê Thương sáng tác là ca khúc chủ đạo. Ngọc Hiển đã mang đến cảm giác mộc mạc với chất acoustic như chính tinh thần của bộ phim. Đặc biệt, bản hòa tấu giao hưởng được Christopher Wong thực hiện tại quốc gia Bulgaria là một trải nghiệm hàn lâm mới mẻ, da diết như kéo người xem trở về không gian của ký ức, vừa êm đềm và sâu lắng nơi những đứa trẻ vui đùa bên nhau, cùng chơi bắn bi, thả diều, nhảy dây, chọi cỏ… Và sau đó, tiếng violin trầm lắng là cảm xúc buồn man mác nơi thôn quê còn nghèo nàn và đìu hiu… Có thể nói, âm nhạc đã đem lại một Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh với mạch phim sạch sẽ và khoáng đạt.
Sinh ra tại North Hollywood, California, Victor Vũ mang tất cả tinh hoa nghệ thuật ở nền công nghiệp điện ảnh đồ sộ nhất thế giới về lại Việt Nam. Anh không giống những đồng nghiệp cùng thời, Victor có một thái độ sống khác, khiêm nhường và kiên định hơn. Đó là lý do sau đỉnh cao Scandal, Quả tim máu…, thì lần này, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là hành trình về nhà lặng lẽ của Victor Vũ với một tâm thế đặc biệt chưa từng có.
Một tuổi thơ lạc lối
Vì sao bài viết này lại mở đầu bằng phần đánh giá kỹ thuật thay vì tóm tắt nội dung? Bởi ngoài trình độ vững vàng, phần kịch bản luôn là khâu yếu nhất trong các dự án phim ảnh của Victor Vũ. Giao lộ định mệnh dính nghi án đạo nhái, Cô dâu đại chiến 2 sa vào hài nhảm, Hào quang trở lại dở hơn phần đầu. Đó là những ví dụ tiêu biểu cho việc một đạo diễn giỏi cũng không thể quán triệt hết tất cả những khâu.
Hãy bắt đầu nhìn nhận bộ phim này là chỉnh thể song song của cuốn truyện cùng tên. Rõ ràng, ngôn ngữ văn học vẫn có tiêu chí của nó. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh nhẹ nhàng như một cuốn hồi ký tuổi thơ, dù thiếu bố cục dứt khoát nhưng khi đóng lại, dư âm vẫn còn để day dứt. Đến đây, cá nhân người viết không khỏi nhớ tới Boyhood, ứng cử viên thất bại tại Oscar năm ngoái. Cũng đánh vào tâm lý nostalgia (sự hoài niệm), Boyhood khiến các nhà phê bình và công chúng ngán ngẩm bởi sự lê thê, khó hiểu vì sao cần tới 12 năm cho hành trình lớn lên của một con người. Lần này, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng mắc lỗi tương tự. Hoài niệm có thể tuyệt đẹp ở một thế giới lý tưởng vẹn nguyên, nhưng trên thực tế thì không phải ai cũng muốn nhớ về nó như sự trả bài quá khứ.
Dự đoán trong vài ngày nữa, Victor Vũ vẫn cái tên đứng đầu trong mọi cuộc bình luận. Người ta sẽ mãi nói về anh cùng nhiều ngưỡng mộ pha lẫn hoài nghi, còn với vị đạo diễn này ư? Anh đã xin được “một tấm vé về tuổi thơ” dành riêng cho mình.
Saostar.vn đánh giá: 4/5