Tình yêu đồng tính và cộng đồng LGBT thường được thể hiện qua cái nhìn dị thường trên màn ảnh rộng. Nếu không phải những vai diễn hài, lố, thái quá trong các phim điện ảnh, người ta lại thấy người đồng tính sống cuộc đời gai góc, trái ngang. Bi kịch vẫn là cái kết phổ biến nhất trong các bộ phim lấy đề tài tình yêu đồng tính tại Việt Nam. Điều đó không khó hiểu vì kết thúc buồn thường để lại nỗi ám ảnh cho người xem, đồng thời phản ánh một xã hội chưa hoàn toàn mở lòng với cộng đồng LGBT.
Tuy nhiên, hai bộ phim lấy đề tài đồng tính cùng ra rạp vào mùa thu năm 2019, Thưa mẹ con đi và Ngôi nhà bươm bướm, lại mang đến một góc tiếp cận khác hoàn toàn. Ở đó, hai nhân vật đồng tính không phải trung tâm của câu chuyện. Các nhà làm phim lồng ghép hài hòa giữa tình yêu đồng giới và tình cảm gia đình, tạo nên sự đồng cảm sâu sắc với người xem nhờ yếu tố gia đình, và yếu tố đồng tính cứ thế nghiễm nhiên đi vào lòng khán giả.
Ngôi nhà bươm bướm, bộ phim lấy đề tài LGBT quy tụ dàn diễn viên nhiều thế hệ, nhận được sự chú ý mạnh mẽ từ khán giả yêu điện ảnh. Tác phẩm theo chân cặp đôi Mai (Hoàng Yến Chibi) và Hoàng (Liên Bỉnh Phát) - chàng trai lớn lên trong một gia đình khác biệt. Cha của Hoàng, ông Cường (Quang Minh) có Hoàng trước khi tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình, “dì” Hân (Thành Lộc), một ngôi sao sân khấu quyến rũ và cởi mở.
Mâu thuẫn của bộ phim Ngôi nhà bươm bướm bắt đầu sau khi Hoàng muốn cưới Mai, nhưng gia đình cô khá truyền thống và gia giáo, bố Mai làm thầy giáo, còn mẹ cô buôn bán ở chợ. Bố Mai (Xuân Trường đảm nhận) sẽ khó lòng chấp nhận việc thông gia của mình là một cặp đôi đồng tính tuổi “xế chiều”.
Trong khi đó, nhân vật Văn (Lãnh Thanh) và Ian (Võ Điền Gia Huy) của bộ phim Thưa mẹ con đi là cặp đôi gặp và yêu nhau ở Mỹ, cả hai cùng về quê của Văn để thăm gia đình anh. Tại đây, hai chàng trai trẻ đối mặt với những tình huống dở khóc dở cười khi gia đình của Văn vốn là một gia đình nông thôn truyền thống, đặt nặng vấn đề lấy vợ, sinh con để báo đáp gia đình, dòng họ.
Dù được quảng bá là hai tựa phim chứa yếu tố đồng tính, nhưng cả hai bộ phim Thưa mẹ con đi và Ngôi nhà bươm bướm đều nhấn mạnh thông điệp về gia đình hơn cả. Tình yêu giữa ông Cường và Hồ Ngọc Hân, hay Văn và Ian, đều giống tình yêu của các cặp vợ chồng đã cùng nhau tạo dựng tổ ấm, ở bên nhau một cách bình lặng để cùng vượt qua những giông gió cuộc đời.
Chính vì vậy, những phản ứng hóa học mà khán giả (có thể) mong chờ ở một bộ phim lấy đề tài tình yêu đồng giới không nhiều. Đối với nhiều người xem, các tình tiết ngọt ngào giữa Văn và Ian không thực sự ấn tượng bằng cách họ bên nhau thầm lặng và đầy thấu hiểu.
Điều này khiến khán giả ít nhiều liên kết hai cặp đôi của hai bộ phim lại với nhau. Cùng nhau, họ vượt qua định kiến xã hội, định kiến dòng họ, nhận được sự chấp thuận từ gia đình bởi chính họ đã tạo nên một gia đình.
Những nhân vật không phải gồng mình lên trước sự kỳ thị của xã hội. Họ đơn thuần đón nhận tình yêu và tìm đến sợi dây thấu cảm với nhau và với những người thân xung quanh mình.
Trong tiểu thuyết gốc của phim Call Me by Your Name, cha của Elio từng nói: “Hầu hết mọi người cứ như là có hai cuộc đời để sống vậy, một làm nháp, một hoàn chỉnh, rồi mọi phiên bản khác ở giữa. Nhưng chỉ có một mà thôi, trước khi con kịp nhận ra thì tim con đã mòn mỏi, còn thân thể con thì sẽ đến lúc chả ai thèm nhìn nữa chứ đừng nói là tới gần. Ngay lúc này thì có sầu khổ đó. Cha không ghen tị với nỗi đau. Nhưng cha ghen tị với nỗi đau của con”.
Còn đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của Thưa mẹ con đi từng quan niệm, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái không nằm ở riêng bất cứ ai. Không phải chỉ riêng người đồng tính mới cần “sống thật” và được người thân đồng cảm, thấu hiểu. Có thể nói, lồng ghép yếu tố gia đình là cách tiếp cận mới của thể loại phim đồng tính Việt Nam, khiến các tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, gần gũi và tiếp cận số đông khán giả.