Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

‘The Witcher’: Hấp dẫn, được đầu tư ngang Game of Thrones nhưng lại bị hại bởi… chính sách của nhà đài

Series bom tấn thuộc thể loại kỳ ảo của nam tài tử Henry Cavill dường như sẽ phải thay đổi cách phát hành nếu muốn tăng ảnh hưởng ở các mùa sau.

Nếu là người hâm mộ fantasy - thể loại sách/phim kỳ ảo, huyền huyễn, lấy bối cảnh cổ trang hư cấu và mang yếu tố phiêu lưu, phép thuật - thì bạn sẽ biết đến The Witcher (tên Việt: Thợ Săn Quái Vật). Được dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ba Lan Andrzej Sapkowski (từng được chuyển thể thành bộ game cực kỳ ăn khách), The Witcher đặt bối cảnh tại lục địa Continent đầy rẫy ma thuật, và xoay quanh hành trình của chiến binh Geralt of Rivia chuyên diệt quái vật thuê.

The Witcher được hãng Netflix - ông trùm phim streaming trực tuyến sản xuất với số tiền cực lớn - khoảng 80 - 90 triệu USD một tập. Thủ vai chính Geralt cũng là nam diễn viên tên tuổi Henry Cavill - nổi tiếng với vai diễn Superman trong vũ trụ siêu anh hùng DC. Khi 8 tập phim season 1 được ra mắt trên Netflix vào ngày 22/12 năm ngoái, series này đã gây ấn tượng lớn với cộng đồng yêu thể loại fantasy nhờ hình ảnh đẹp lung linh, một cốt truyện hấp dẫn cũng như những cảnh phim hành động mãn nhãn. Thậm chí, bài hát “Toss a Coin to the Witcher” (tạm dịch: Hãy Ném Một Xu Cho Thợ Săn Quái Vật) còn được người xem vô cùng yêu thích, truyền tay nhau không ngừng trên các trang mạng xã hội.

Bất chấp thành công và độ phủ sóng rất đáng kể, nhưng The Witcher lại chưa tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như “ông trùm fantasy” Game of Thrones từng tạo ra trước đó. Thậm chí, với những series được tung ra ngang thời điểm như The Mandalorian (Disney+) và Watchmen (HBO) thì The Witcher còn có phần ít ảnh hưởng hơn. Giới chuyên môn cho hay, tình trạng này của The Witcher rất có thể bị gây ra do chính sách phát hành phim đặc biệt của Netflix.

Cụ thể, thay vì phát hành lần lượt mỗi tuần một tập như các hãng phim truyền thông khác, Netflix chủ trương tung một lúc toàn bộ 8 tập của một season trong cùng một ngày. Việc phát hành từng tập hàng tuần có rất nhiều ưu điểm, như đã thấy ở “hiện tượng” Game of Thrones trước đó. Thứ nhất, nó giúp giữ nhiệt cho series trong ít nhất là hai tháng liên tiếp, đồng thời khuyến khích người xem thỏa sức bàn luận, nhận xét từng tập phim mỗi tuần. Hơn nữa, khoàng cách 7 ngày giữa hai tập phim vừa khiến các fan có điều kiện “ngấm” nội dung tập trước tốt hơn, vừa thu hút thêm người xem mới nhờ tương tác cao trên các trang mạng xã hội.

Bằng cách “tung hết một lượt” như đã làm với The Witcher, Netflix đã hy sinh những lợi ích trên chỉ để lấy một khoảng thời gian thăng hoa ngắn ngủi. Trong tuần đầu tiên phát hành, The Witcher quả thực thu được lượng truy cập và bàn luận rất lớn, vượt xa đối thủ The Mandalorian của Disney +. Tuy nhiên, sang tuần tiếp theo, số người bàn luận về The Mandalorian lại nhỉnh hơn trở lại. The Mandalorian - series ngoại truyện của bom tấn điện ảnh Star Wars ban đầu vốn chưa có nhiều khán giả lắm. Nhưng nhờ Disney+ phát hành từng tập mỗi tuần, series này đã dần dần mở rộng fandom và thu hút lượng người xem rất đáng nể khi season đầu khép lại, thay vì “một phút huy hoàng rồi lại tắt” như The Witcher.

Trong một số trường hợp, cách phát hành “cả rổ một lượt” của Netflix quả thực rất độc đáo và hiệu quả, điển hình là với bom tấn Stranger Things. Tuy nhiên, Stranger Things thành công với mô hình này do nó được thiết kế theo kiểu “một bộ phim lớn chia làm 10 phần”, tập sau tiếp nối luôn tập trước, nên việc “cày một mạch” cả season một lượt là điều khá hợp lý. Đối với The Witcher thì ngược lại. Mỗi tập của season này có một cốt truyện khá độc lập (tập này trừ tà cho cô công chúa nhỏ, tập sau tìm thần đèn, tập sau nữa lại đi săn rồng…). Mốc thời gian khác nhau, thậm chí nhân vật dẫn dắt cũng khác nhau (dù Geralt là nhân vật chính, nhưng Yennefer of Vengerberg lại là người dẫn dắt các tập 2, 3 và 8). Chính sự độc lập của từng tập phim khiến The Witcher hợp với cách ra mắt mỗi tuần một tập, hơn là ra cả season một lúc của Netflix.

Một điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là khi ra mắt từng tập lẻ, tốc độ xem của các khán giả sẽ ngang nhau. Dù là sinh viên rảnh rỗi hay người đã đi làm, thì mỗi tuần họ đều chỉ có một tập cần xem, và đến giữa tuần là đã có thể thoải mái bàn bạc, thảo luận mà không sợ “spoil” cho nhau. Nhưng đối với series ra mắt cả season một lúc như The Witcher, sẽ có những fan rảnh rỗi chỉ cần một ngày là xem hết, trong khi người khác ít rảnh hơn, mỗi ngày chỉ xem được 1,2 tập và mất cả tuần mới xong season. Sự chênh lệch này khiến các hoạt động bàn luận, tương tác giữa người xem The Witcher bị cản trở khá nhiều. Nếu cứ giữ cách ra mắt thế này, The Witcher sẽ khó mà có những khoảnh khắc làm mạng xã hội chấn động đồng loạt, như “Tiệc Cưới Đỏ” (Red Wedding) hay “Hodor” của tiền bối Game of Thrones năm nào.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tuấn Vũ

Được quan tâm

Tin mới nhất