Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Thấy gì qua các bom tấn tỷ đô của Hollywood?

Dù hiện nay ngày càng có nhiều siêu phẩm đình đám, được các hãng phim đầu tư mạnh tay, nhưng mức tiền vé đồ sộ 1 tỷ vẫn là con số đáng mơ ước không dễ gì chạm tới được.

Mới đây, Beauty and the Beast với sự tham gia của nữ diễn viên Emma Watson vừa đạt mốc doanh thu 1 tỷ đô la Mỹ, trở thành phim điện ảnh thứ 29 gặt hái được thành tích này. Tại thời điểm trước năm 2010, chỉ có 6 bộ phim đạt được mức doanh số đáng nể này, và chúng đều là những siêu phẩm gắn liền với văn hóa đại chúng như Star Wars, Chúa Nhẫn,…

Kỷ lục của Avatar vẫn là con số kinh khủng không dễ gì vượt qua tại thời điểm phim ra mắt lẫn bây giờ.

Star Wars 7 từng được kỳ vọng sẽ đạp đổ ngôi vương của Avatar nhưng bất thành.

Ngày càng nhiều phim siêu anh hùng đạt được cột mốc tỷ đô.

Dù vậy, chỉ trong ít năm gần đây, màn ảnh rộng liên tục chứng kiến những bom tấn tỷ đô thay nhau đổ bộ. Thậm chí, nhiều phim như Star Wars: The Force Awakens, Jurassic World Furious 7 còn cán mốc 1 tỷ đô-la chỉ sau một đến hai tuần công chiếu, khiến chính giới chuyên môn cũng ngỡ ngàng. Danh sách những bộ phim có doanh thu 10 con số đã tăng lên gần 30 chỉ trong vòng hơn 6 năm, và chắc chắn sẽ còn mở rộng hơn nữa.

Vậy điều gì khiến những bộ phim thời gian gần đây thu được nhiều đến vậy? Điểm qua những cái tên trong danh sách phim tỷ đô, chúng ta có thể thấy có các đại diện từ dòng phim siêu anh hùng (Iron Man, The Avengers), thần thoại kỳ ảo (The Hobbit, Harry Potter and the Deadly Hallows: Part 2), hành động phiêu lưu (Skyfall, Jurassic World, Cướp Biển Vùng Ca-ri-bê) và thậm chí là hoạt hình (Finding Dory, Minions, Frozen). Điều này chứng tỏ, những bộ phim tỷ đô không tập trung trong một thể loại cụ thể nào hết, và chắc chắn chủ đề phim không phải là bí quyết thành công của những bom tấn này.

Frozen đang là nữ hoàng của phòng vé của phim hoạt hình.

Thế liệu doanh thu bộ phim có phụ thuộc vào chất lượng nội dung hay không? Chẳng phải các siêu phẩm như The Dark Knight, Chúa Nhẫn hay Frozen, bên cạnh thành công lớn tại các phòng vé, cũng giắt túi vô vàn giải thưởng danh giá như Oscar đó sao? Điều này có thể đúng ở một phần nào đó, nhưng không hẳn là chính xác hoàn toàn. Điển hình là loạt phim người máy Transformers, dù liên tục bị giới phê bình chê bai tả tơi, thậm chí bị trao giải Mâm Xôi Vàng cho phim tệ nhất năm, vẫn ung dung lọt danh sách phim tỷ đô. Đến những phim siêu anh hùng bị đánh giá thấp, nội dung lộn xộn như Batman V Superman hay Suicide Squad còn thu về hàng trăm triệu đô-la lợi nhuận trong năm ngoái, thì chắc chắn giá trị nội dung không phải là yếu tố quyết định thành bại của một bộ phim bom tấn.

Cứ cháy nổ và đầu tư tuyệt đối vào kỹ xảo, Transformer vẫn ung dung thu về tiền tạ, tiền tấn. Nhiều người sẽ phản đối nếu nói đây là series phim nghệ thuật, nhưng hầu hết đều công nhận Transformer là một series phim chất lượng về mặt giải trí.

Vậy rốt cuộc, điều gì đã làm nên doanh thu cao ngất của những bộ phim nói trên? Không phải thể loại, không phải nội dung, mà xin thưa rằng chính CHẤT LƯỢNG HÌNH ẢNH mới là lý do chúng ăn khách. Có thể thấy rõ điều này ở chính Beauty and the Beast gần đây nhất. Bộ phim này đơn giản là lặp lại y chang phiên bản hoạt hình kinh điển năm 1992, từ câu thoại, bài hát, tới tạo hình nhân vật. Nói cách khác, hầu hết khán giả trước khi tới rạp đều đã nắm rõ nội dung phim. Vậy nhưng họ vẫn nô nức đi xem, vẫn sẵn lòng chi tiền mua vé, đơn giản là vì phiên bản mới hiện đại hơn, kỹ xảo đẹp mắt hơn, sống động hơn hẳn những nét vẽ hoạt hình đơn thuần.

Người ta vẫn đồng ý bỏ tiền ra để xem lại một bộ phim với nội dung không khác gì mấy so với phiên bản hoạt hình từ 20 năm trước đấy thôi!

Hay đối với Jurassic Park phiên bản năm 1993 và Star Wars: The Phantom Menace năm 1999, cả hai phim đều không đạt doanh thu 1 tỷ đô lúc mới ra mắt. Nhưng thời gian gần đây, hãng sản xuất lại ra quyết định tái phát hành chúng dưới định dạng 3D. Ngoài việc hình ảnh phim đẹp hơn, rõ nét hơn, tất cả các chi tiết đều giữ nguyên so với bản gốc 2D, ấy vậy mà cả Jurassic Park lẫn The Phantom Menace vẫn thu về hàng trăm triệu đô-la, và từ đó lọt top phim có doanh thu trên 1 tỷ. Rõ ràng, khán giả ngày nay không quan tâm nhiều rằng bộ phim có mới lạ hay không, nội dung có đảm bảo hay không. Họ chỉ muốn được chứng kiến những hình ảnh siêu nét, những hiệu ứng đã mắt, những cảnh quay ấn tượng mà thôi.

Jame Cameron (ngoài cùng, bên phải) là đạo diễn hiếm hoi đáp ứng được hai tiêu chí: vừa “giàu”, vừa giỏi tại Hollywood.

Hiện tại, danh hiệu bộ phim có doanh số cao nhất từ trước tới nay là Avatar, siêu bom tấn ra mắt năm 2009 với 2,8 tỷ đô-la. Xếp ngay sau AvatarTitanic, dù ra mắt trước đó 12 năm nhưng vẫn không kém cạnh với gần 2,2 tỷ đô la doanh số. Cả hai bộ phim đều được thực hiện bởi James Cameron, một đạo diễn luôn thấu hiểu tầm quan trọng của hình ảnh phim.

Trong Titanic, ông đã yêu cầu dựng một bản sao con tàu khổng lồ giống Titanic thật tới 90% để quay các cảnh tàu đắm chân thực nhất. Còn đối với Avatar, ông đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp phim ảnh, thông qua việc giới thiệu kỹ thuật quay 3D. Hiệu ứng kỹ xảo của Avatar tuyệt đến mức người xem coi đây là một “bữa tiệc thị giác”, chứ không còn là phim thông thường nữa. Rõ ràng, dù làm phim ở bất cứ thế loại gì, đạo diễn James Cameron vẫn không ngại đầu tư mạnh tay cho phần hình ảnh trong phim, nhờ đó mà phim của ông luôn thắng lớn và lập nhiều kỷ lục doanh thu đáng ngưỡng mộ.

Mô hình hành tinh Pandora trong bộ phim Avatar.

Điện ảnh lẫn rạp chiếu phim, xét cho cùng đều ra đời với mục đích giải trí cho mọi người sau khi làm việc vất vả. Bởi thế, việc khán giả khi đến rạp chỉ chăm chăm mua vé xem những phim có phần hình đẹp, thay vì cân nhắc nội dung là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy vậy, hình ảnh đẹp chưa chắc đã đi đôi vời doanh thu vượt trội, nhất là trong thời điểm có quá nhiều phim được sản xuất chỉ vì muốn ăn theo thành công của các phần trước. Năm 2010, Alice in Wonderland thu về hơn 1 tỷ đô-la cho hãng Disney, nhưng phần tiếp theo Alice Through the Looking Glass ra mắt năm ngoái chỉ thu về có hơn 200 triệu đô-la, dù kỹ xảo không hề thua kém. Điều này chứng tỏ, để một bộ phim có thể kiếm nhiều tiền vé, nhà sản xuất vẫn phải đứng trước một canh bạc lớn.

Fast & Furious 8 chắc chắn sẽ là cái tên tiếp theo gia nhập câu lạc bộ phim tỷ đô trong năm nay.

Chúng ta đang đứng trước một năm 2017 đầy hứa hẹn, với nhiều bom tấn đình đám chuẩn bị thay nhau ra mắt. Beauty and the Beast có thể là cái tên ăn khách nhất cho tới thời điểm hiện tại, nhưng nó cũng hoàn toàn có thể bị các phim sắp tung ra bắt kịp, giống như năm 2015, khi mà có tới 4 phim (2 trong số đó là phim hoạt hình) cùng cán mốc 1 tỷ đô-la đáng ngưỡng mộ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Luke

Được quan tâm

Tin mới nhất