Chỉ một tuần kể từ khi tập đầu tiên được phát hành, Thập Tứ cô nương đã chứng minh được độ phủ sóng “đáng gờm” của mình trên đường đua web drama 2019 với 15 triệu lượt xem và liên tục xuất hiện trong top 5 video thịnh hành của YouTube. Không thể phủ nhận một trong những lý do cho sự thành công của Thập Tứ cô nương chính là những chia sẻ chân thật của chính nhà sản xuất kiêm nữ chính - Nam Thư. Ngoài ra, các yếu tố từ kịch bản, diễn xuất đến kỹ xảo đều nhận được các bình luận tích cực từ phía người xem.
Tuy nhiên, bộ phim vẫn không thể tránh khỏi việc bị so sánh với một tác phẩm đã ra mắt và đạt được thành công “bùng nổ” trước đó vào giữa năm 2018 - Thập Tam Muội. Mối liên hệ rõ ràng nhất giữa hai tác phẩm chính là cách đặt tên Thập Tam - Thập Tứ. Có thể nói, ê-kíp Thập Tứ cô nương đã thể hiện rõ ý đồ mang tính “kế thừa” của mình khi lựa chọn một tựa đề phim dễ dàng gây liên tưởng đến thế. Nếu như chỉ là khán giả trung lập và không biết rằng dàn diễn viên của hai tác phẩm hoàn toàn không liên quan đến nhau, ta có thể hiểu lầm Thập Tứ cô nươngtheo nghĩa nào đó là “hậu duệ” của Thập Tam Muội.
Một yếu tố khác khiến người xem phải đưa hai bộ phim này lên bàn cân chính là sự tương tự về đề tài và chất liệu phim. Web drama giang hồ, xã đoàn đã không còn xa lạ đối với khán giả Việt, trào lưu này thậm chí còn lan toả rộng rãi hơn nhờ tiếng vang của Thập Tam Muội. Điểm chung của các tác phẩm giữa trào lưu này chính là khai thác những góc khuất của thế giới ngầm, lồng ghép cảnh đánh đấm với các mảng miếng hài để giữ được tinh thần “giải trí” của web drama. Vậy liệu có đúng khi vội vàng kết luận Thập Tứ cô nương “ăn theo” Thập Tam Muội hay không?
Ngoài những điểm tương đồng đã phân tích, hai tác phẩm vẫn có những cách khai thác câu chuyện của nhân vật riêng, không hề gây nhầm lẫn về kịch bản. Nhân vật chị Mười Ba (Thu Trang) của Thập Tam Muội có tính cách mạnh mẽ, phần nhiều là vì “lăn lộn” trong giới giang hồ đã lâu. Trong khi đó, Thập Tứ (Nam Thư) chỉ là gái nhà quê bị đẩy vào giang hồ do hoàn cảnh, tuy cô đôi khi cũng có sự đấu tranh tâm lý, nhưng Thập Tứ vẫn còn khá “non”, chưa thể hiện được khí chất “chị đại”. Chỗ đứng khác nhau giữa hai nhân vật nữ chính khiến cho dòng chảy của hai bộ phim đi về những hướng khác nhau.
Nói về màu phim, Thập Tam Muội có một tông màu khá u tối, do chủ yếu tập trung vào xã hội đen và mối quan hệ giữa các “đại ca”, “chị đại” trong giang hồ. Trong phim xuất hiện không ít cảnh bạo lực, thậm chí dùng đến súng ống. Nhờ vậy, tác phẩm đã thay đổi ấn tượng của người xem về webdrama, không còn chút “hài nhảm” nào để gây cười nữa mà Thập Tam Muội được xây dựng như một bộ phim điện ảnh thực thụ.
Ngược lại, Thập Tứ Cô Nương vẫn còn giữ lại nét đặc trưng của webdrama - các yếu tố hài hước. Đáng tiếc, một số tình tiết của bộ phim vẫn còn khá dư thừa gây khó chịu cho khán giả. Ngoài nét giải trí, tác phẩm của Nam Thư cũng có màu sắc rất ngôn tình, sâu lắng, nhẹ nhàng khác hẳn với Thập Tam Muội.
Chính vì những nét khác biệt trên, nếu như đánh giá công bằng, Thập Tứ Cô Nương không hề “ăn theo” Thập Tam Muội. Có lẽ do trào lưu webdrama xã đoàn chưa ngừng “hot’ cũng như mong muốn tạo được hiệu ứng như những tác phẩm đi trước, ê-kíp phim của Thập Tứ Cô Nương đã có những tính toán riêng để thu hút sự chú ý của khán giả lẫn truyền thông nhưng vẫn không bị gán mác “ăn theo”.
Nếu như Thu Trang - Tiến Luật đã dần trở thành hai cây đại thụ trong làng hài thì Nam Thư vẫn còn đang khẳng định vị trí của mình trong những năm gần đây. Vì vậy, cảm nhận mả hai bộ phim mang đến cho khán giả cũng khác nhau. Nếu như Thập Tam Muội có BB Trần, Diệu Nhi, Anh Tú thì Thập Tứ Cô Nương cũng có Hứa Minh Đạt, Lê Giang, Quách Ngọc Tuyên. Dàn diễn viên của hai bộ phim đều rất chất lượng vả đáng để khán giả đặt kỳ vọng.
Do sự thành công quá lớn của Thập Tam Muội, các webdrama xuất hiện sau khó tránh khỏi việc bị so sánh. Tuy nhiên, khán giả nên có cái nhìn công tâm để xác định ranh giới giữa học hỏi, kế thừa và “ăn theo”.
Hãy tiếp tục đón xem tập 3 của Thập Tứ Cô Nương và phiên bản điện ảnh của Thập Tam Muội.