Phim Ảnh

'Tháng năm rực rỡ' và câu chuyện lịch sử đầy ý nhị ẩn sau từng thước phim

Lang Hoa
Chia sẻ

Bạn có tin không, vượt xa khỏi khuôn khổ của một bộ phim, "Tháng năm rực rỡ" đã hé lộ phần nào dòng chảy lịch sử đầy tàn khốc qua những thước phim một cách không thể nào... thơ mộng hơn được nữa!

Có lẽ khi đọc được bài viết này, bạn đã ra rạp và tận hưởng những ngày tháng “rực rỡ” ít nhất một lần. Và cũng không ít trong số đó đã chuẩn bị cùng với lũ bạn thân “chí cốt” ra rạp phim lần thứ hai, thứ ba để được khóc và cười một lần nữa với nhóm Ngựa Hoang, đúng chứ?

Bạn đã ra rạp để cùng nhau sống lại những “năm tháng rực rỡ” cùng hội bạn thân chưa?

Tuy nhiên, nếu để ý kĩ, bạn hoàn toàn có thể nhận ra Tháng năm rực rỡ được xây dựng trong bối cảnh đầy khốc liệt khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang trong giai đoạn đi đến hồi kết…

Trong phần đầu bộ phim, cảnh của gia đình Hiểu Phương đang quây quần bên nhau ăn tối đã hé mở toàn bộ hoàn cảnh của đất nước lúc bấy giờ: Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973 vừa được kí kết tại thủ đô của nước Pháp vào đầu năm 1973.

Tình hình quốc tế đã tác động không ít đến gia đình của Hiểu Phương…

Báo chí khắp thế giới đưa tin về việc kí kết Hiệp định Paris, thông báo rằng sẽ kết thúc chiến tranh, lặp lại hòa bình ở Việt Nam.

Hiệp định Paris 1973 là kết quả của quá trình đàm phán giữa bốn bên và đã đi đến một bước ngoặt quan trọng để kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài dai dẳng, gây đau thương, tang tóc khắp hai miền Nam - Bắc, buộc người Mỹ phải ngừng bắn ở Việt Nam, bắt đầu rút quân về nước.

Để kí kết được hiệp định Paris, chỉ mới cách đó chưa đầy 1 tháng (12/1972), miền Bắc đã bị phá hủy nặng nề trong cuộc không kích bằng B52 của lực lượng Không quân Hoa Kì. Tuy nhiên bằng ý chí và sức mạnh phi thường, quân và dân miền Bắc đã kiên cường chống trả, lập nên trận Điện Biên Phủ trên không chấn động dư luận thế giới, buộc người Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và kí kết Hiệp định Paris.

Không khí miền Nam những năm 1973 sôi sục khi sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trong tương lai gần đã là điều tất yếu.

Là công dân ở miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, không khí gia đình Hiểu Phương không tránh khỏi nặng nề khi tương lai của chính quyền Sài Gòn đã hoàn toàn mờ mịt vì người Mỹ đã từng bước bỏ rơi họ.

Một chi tiết đáng chú ý khác là Khang - người anh cả trong gia đình Hiểu Phương xuất hiện là một chàng trai trẻ yêu nước, đầy nhiệt huyết, đã được “giác ngộ Cách mạng” với những tư tưởng tiến bộ chống lại chính quyền Sài Gòn đương nhiệm, vốn là con rối trong tay người Mỹ. Nhưng chính tư tưởng khác biệt ấy đã làm phát sinh không ít mâu thuẫn trong gia đình và đỉnh điểm chính là việc anh Khang gia nhập đoàn biểu tình đòi thả tù chính trị…

Phân đoạn biểu tình đòi trả tự do cho học sinh và tù chính trị là một trong những cao trào của bộ phim.

Phong trào xuống đường biểu tình đòi thả tù chính trị, đòi thả tự do cho học sinh - sinh viên là một phong trào có thật và đã lan rộng khắp miền Nam Việt Nam thời điểm đó. Đó là những cuộc biểu tình phản chiến của những người yêu hòa bình đòi thực hiện hiệp định Paris, của các tín đồ Phật giáo đòi tự do tôn giáo, của các học sinh - sinh viên đòi trả tự do cho chính những bạn đồng môn của mình, của các nhà báo đòi quyền tự do ngôn luận v…v… tất cả đã tạo nên một cuộc tranh đấu mạnh mẽ mà Tháng năm rực rỡ đã tái hiện lại một trong những biểu tình ấy một cách… nhẹ nhàng và duyên dáng nhưng không kém phần “máu lửa”.

Cuộc biểu tình trong phim được thể hiện rất chân thật…

Bạn còn nhớ lúc gần cuối bộ phim, khi nhóm Ngựa Hoang tụ tập trước nhà của Tuyết Anh, bàn về một tương lai vô định trong tiếng còi xe quân sự inh ỏi, thông báo về việc “Nguyễn Văn Thiệu đã bỏ rơi chúng ta”? Đó cũng gắn liền với một sự kiện lịch sử khi Tổng thống lúc bấy giờ của chế độ Sài Gòn tuyên bố từ chức và không lâu sau phải trốn sang Mĩ. Thế nhưng đó lại là một chi tiết nhầm lẫn khá đáng tiếc vì lúc ông Thiệu rời Việt Nam là vào ngày 25 tháng 4 trong khi thành phố Đà Lạt cùng toàn bộ vùng đất Tây Nguyên của nhóm Ngựa Hoang đã được giải phóng vào ngày 3 tháng 4 cùng năm đó.

Hình ảnh Thành phố Đà Lạt được giải phóng vào ngày 3 tháng 4 năm 1975.

Tất nhiên yếu tố lịch sử chỉ là những điểm nhấn nhá, làm nền cho câu chuyện của 6 cô gái có “tuổi trẻ đẹp nhất trên thế giới” mà thôi. Cái hay của bộ phim chính là việc đưa cuộc chiến tranh chống Mĩ của dân tộc vào phim một cách vô cùng nhẹ nhàng và tự nhiên đến mức kì lạ, không tạo cho người xem cảm giác gượng ép, gò bó. Bên cạnh đó, cách xử lí của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khi đưa những yếu tố chiến tranh hòa quyện với mạch phim và các nhân vật hoàn toàn khéo léo và thuyết phục.

Trailer phim “Tháng năm rực rỡ”.

Nói tóm lại, sau bài viết này, đã có thêm một lí do nữa để bạn tiếp tục ra rạp, để cùng cười và cùng khóc với 6 cô gái của nhóm Ngựa Hoang rồi, đúng không?

Chia sẻ

Bài viết

Lang Hoa

Tin mới nhất