“Hồi đó tụi mẹ quậy mà dễ thương lắm, lấy áo khoác thầy quăng lên cây quạt trần rồi bật lên cho quay thôi à!” - Đó là một trong số những trò quậy phá của mẹ tôi cùng nhóm bạn nữ của mình khi còn đi học. “Ngày đó Đà Lạt lạnh lắm nha, bây giờ đỡ hơn xưa nhiều rồi. Thời đó Đà Lạt có một cái luật bất thành văn, phụ nữ dù là ai, từ cô giáo cho đến học sinh, từ làm bàn giấy cho đến bán buôn ngoài chợ, khi ra đường nhất nhất phải mặc áo dài, nam thì lúc nào cũng lịch thiệp.” - Còn đây là lời kể của bà tôi thuở còn ở Đà Lạt những ngày trước giải phóng. Không phải tự dưng tôi lại mang những câu chuyện này ra để bàn luận. Những câu chuyện này gắn liền với tuổi thơ tôi. Bất kể khi nào cũng sẽ nghe bà hay mẹ kể về chúng nhưng chưa một lần tôi được tận mắt chiêm ngưỡng. Tháng năm rực rỡ đích thực là cuốn phim sinh động, đẹp đẽ - cuốn phim kể về miền ký ức non xanh, tươi mới của các thiếu nữ tuổi nổi loạn; của những con người từng gắn một phần cuộc sống mình với mảnh đất cao nguyên.
Tháng năm rực rỡ là hành trình của các quý cô U40 đi tìm lại những người bạn thiếu thời. Chính trên hành trình đó, họ vô tình gặp lại cung đường ký ức ngày xưa - cung đường đã đi vào lịch sử cá nhân với biết bao trải nghiệm khó quên. Hiểu Phương (Hồng Ánh) - người dẫn đầu chuyến xe tìm bạn đã khóc cười rất nhiều khi được gặp lại những người xưa mong nhớ, tưởng chừng sẽ không còn cơ hội tái ngộ sau 25 năm đằng đẵng. Cũng nhờ đó mà có không ít những câu chuyện quậy phá được lật giở trở lại.
Thử hỏi trong đời ai không một lần si mê ai đó như Hiểu Phương (Hoàng Yên Chibi), sẵn sàng đi suốt dưới mưa lạnh chỉ để lưu mãi khoảnh khắc khẽ chạm tay? Thử hỏi ai trong đời không một lần gửi ca khúc mình yêu thích lên sóng, lên đài để khắc vào thời gian sự gắn kết của tình bạn như cách Mỹ Dung (Hoàng Oanh) từng làm? Và rồi ai trong đời không một lần lôi bạn kéo bè đi công phá các băng nhóm khét tiếng khác trong trường như Ngựa Hoang, ai không đôi ba lần buột miệng chửi thề, nói tục như Thùy Linh lúc cao trào cảm xúc? Toàn bộ những sắc màu thanh xuân đã được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng điểm tô lên từng thước phim một cách tinh tế nhẹ nhàng. Trong không gian chừng hai căn phòng lớn như rạp chiếu thôi mà khán giả được hòa vào khung cảnh Đà Lạt mộng mơ ngày trước, xen vào đó còn là chút nắng vàng ấm áp của Sài Gòn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là được trải nghiệm lại cái tuổi trẻ nhiệt thành khó quên.
Không ai phủ nhận thời gian vẫn nhanh như ngựa chạy ngoài đồng, chả ưu ái ai bao giờ. Nó khiến con người phải phân ly, nó khiến chúng ta phải tiễn người sang sông mà không biết bao giờ gặp lại. Song không ai nói rằng thời gian sẽ xóa nhòa được những tháng năm tươi đẹp cả. Thời gian có thể tàn nhẫn với Mỹ Dung, với Bảo Châu, với Lan Chi,… nhưng tuyệt nhiên không bao giờ xóa đi được tình bạn bền chặt của họ. Đó có lẽ cũng chính là một phần thông điệp hãy trân quý tình cảm bạn bè vì biết đâu có một lúc nào đó khi về già, chúng ta chợt muốn hồi xuân thì những vị khách đồng hành tốt nhất cho chuyến du hành này chính là đám bạn ngày trước.
À, có bao giờ bạn thử nếm xem tuổi trẻ có vị gì không? Với vài người nó sẽ có vị nắng…vị cảm nắng một ai đó. Những lần chúng ta đi theo ai đó đến mỏi cả chân vẫn thấy vui, những lúc ngồi một mình mà bật cười khi nghĩ về ai đó chính là những trải nghiệm của vị nắng đấy. Với vài người, tuổi trẻ có vị của ước mơ. Không sai, tuổi trẻ là lúc con người tràn trề nhựa sống nên trong lòng rực cháy một hoài bão, một đam mê là điều bình thường. Đi vòng quanh thế giới, trở thành nhà văn, có một vai diễn để đời,…Chẳng gì là không thể, miễn tuổi trẻ lên tiếng, mọi việc đều nghe theo. Có cái để đeo đuổi sẽ biến cuộc sống tẻ nhạt này bỗng chốc mặn mà hơn rất nhiều.
Bạn có nghĩ tuổi trẻ có vị hy sinh không? Hương vị tưởng chừng chỉ những người làm cha làm mẹ mới thật sự nếm trải qua, nhưng thật sự, một tuổi trẻ đích thực cũng nên thử qua một lần - hy sinh cho bạn bè. Một tình bạn không phải tự nhiên mà sâu sắc lâu bền, nó đòi hỏi chúng ta dám dấn thân, dám hết mình vì những con người thân quen, vì những giá trị chân thật. Sự hy sinh đó có thể được đền đáp, cũng có thể không, nhưng nếu không thử vì người chúng ta yêu thương thì có khi sau này lại hối hận vì để vụt mất một mối nhân duyên. Kể ra thì thật nhiều hương vị để chúng ta thấy rằng Tháng năm rực rỡ thật tinh tế khi cho khán giả cảm nhận được vị của tuổi trẻ vô cùng sắc nét bằng âm nhạc lẫn ngôn ngữ điện ảnh.
Tôi định sẽ kết bài viết ở đây nhưng chợt nghĩ ra thêm một điều nữa. Liệu có bao giờ bạn tự hỏi vì sao cha mẹ chúng ta luôn hà khắc và có lúc không cùng chung tiếng nói với chúng ta không? Thật ra họ cũng từng như các bạn thôi, cũng từng nổi loạn, cũng từng không sợ trời, không sợ đất như chúng ta vậy. Đó là lý do khiến họ hiểu bạn hơn ai hết. Họ thừa biết cái tuổi này đẹp đẽ là thế, nhưng ẩm ương thì cũng mỏi mệt vô cùng. Cha mẹ nào đành lòng nhìn con cái lại đi vào những sai lầm, bồng bột ngày trước của mình. Kẻ chèo lên, người chống xuống khiến khung cảnh trong một gia đình có con vào tuổi mới lớn luôn nóng như việc phải đi xe dưới trời Sài Gòn trưa hè, vừa nóng nực, bực bội nhưng không làm gì được cả. Có thể Tháng năm rực rỡ sẽ là giải pháp cho chúng ta.
Nghe thì có vẻ nực cười nhưng chẳng phải chúng ta vẫn khuyên nhau rằng nên đứng trên góc độ người khác để cảm nhận sự việc sao? Nếu thấy quá khó khăn thì bộ phim sẽ nói thay lòng bạn. Phim là những nếp gấp thời gian khác nhau của hai thế hệ với những nếp nghĩ trái ngược nhau. Bạn sẽ thấy được cha mẹ của mình ngày trước, cha mẹ của bạn sẽ hiểu được cho vị trí của bạn bây giờ và tất cả mâu thuẫn bỗng chốc hóa dịu ngọt nhờ việc chúng ta đồng cảm cho nhau. Vì vậy, nếu lịch sử gia đình còn thiếu những khoảnh khắc bên nhau, hãy cùng đến rạp xem một bộ phim như Tháng năm rực rỡ. Biết đâu sẽ làm cho quyển lịch sử ấy dày hơn những kỷ niệm đẹp, những hồi ức khó quên.
Tạm kết, Tháng năm rực rỡ là cuốn phim kỉ niệm không chỉ của nhân vật mà còn là của chúng ta, của nhiều lớp thế hệ mang trên mình những bức ảnh thời gian đáng nhớ.
Trailer “Tháng năm rực rỡ”.