Không phải bởi vì sự kiện đang diễn ra tại thành phố du lịch nổi tiếng nước Pháp mà bởi tính ăn thua trong chuyện xuất hiện trên thảm đỏ của LHP danh giá bậc nhất hành tinh. Ai cũng cố tỏ ra mình nổi bật và được truyền thông nước ngoài để ý.
Những người khởi sướng LHP này có triết lí rằng: Những nấc thang tại The Grand Theatre Lumiere là những nấc thang danh vọng được trải thảm đỏ và là nơi tôn vinh những người làm điện ảnh để tất cả phải ngưỡng mộ và hướng ánh mắt nhìn lên. Rất rõ về tiêu chí thảm đỏ của những người sáng lập LHP Cannes.
Từ đó thảm đỏ của Cannes luôn là một “sàn diễn thời trang” cho các minh tinh với thời lượng ít ỏi xuất hiện. Không khó để tìm trên youtube những đoạn giới thiệu về các đoàn làm phim ở Cannes. Thảm đỏ ở đây luôn là một rừng máy ảnh chạy dọc thảm đỏ và mỗi đoàn làm phim bao giờ được xướng tên mới bắt đầu được bước đi. Sẽ có một người hướng dẫn đoàn phim đi. Mỗi đoạn dừng lại họ sẽ dừng bao lâu, quay những phía nào rồi mới đi tiếp. Chuyện một ngôi sao bỗng lọt vào rừng máy ảnh cũng chỉ là chuyện vì bộ váy áo đó đẹp chứ không phải vì bạn nằm trong một ê-kíp của một bộ phim đến để tranh giải.
Hơn hết, đó là một LHP và là sân chơi dành cho những nhà làm phim kiệt xuất đương thời. Vậy nên, thảm đỏ cũng là để tôn vinh họ chứ không phải bất cứ cá nhân nào.
Việt Nam cũng từng có những đoàn phim được mời sải bước trên những thảm đỏ như vậy, theo đúng chuẩn của khách mời tham dự LHP để tranh giải chứ không phải là “ăn ké” danh tiếng. Tuy nhiên, điều đáng tiếc đó lại không phải những ngôi sao số 1 nên truyền thông ít đưa tin nhưng về mặt chất lượng sản phẩm của họ thì những người tại Cannes ai cũng biết và thích thú.
Thực tế là, các ngôi sao khi đi theo diện lời mời của nhà tài trợ không được hưởng đặc quyền dừng lại ở thảm đỏ chụp hình. Những khách mời này sẽ thường đến sớm hơn và sau đó các khách mời của nhà tài trợ sẽ bị đưa từ thảm đỏ thẳng lên tầng 3-4 trong khu diễn ra sự kiện để ngồi chờ các ngôi sao lớn đến.
Với những khách mời chính thức từ BTC LHP Cannes, mà cụ thể là Lý Nhã Kỳ ở mùa 2015, 2016, đặc quyền mà cô được hưởng là sẽ xuất hiện trên thảm đỏ chính của LHP Cannes trong 3 ngày và tham dự các buổi tiệc hậu sự kiện nơi cựu Đại sứ Du lịch đã có dịp hội ngộ Phạm Băng Băng hồi năm 2015.
Theo quy định của BTC LHP Cannes, khách mời chính thức tại sự kiện này sẽ được quản lý bởi những nhóm phụ trách. Mỗi nhóm sẽ quản lý một số ngôi sao nhất định. BTC quy định giờ các ngôi sao được BTC mời xuất hiện trên thảm đỏ vào một khung giờ cụ thể trước giờ chiếu phim. Sau khi được đứng tạo dáng cho các nhiếp ảnh gia chụp hình trên thảm đỏ, những ngôi sao VIP này sẽ được hộ tống vào tận chỗ ngồi.
Ở một sự kiện lớn như Cannes với hàng chục tuổi đời để tổ chức thì sự quy củ hẳn nhiên là không thể thiếu được. Và tất nhiên, với tâm lí của một nhà tổ chức sự kiện để tạo được ảnh hưởng họ cũng không ngại ngần mời những ngôi sao đến từ những quốc gia có sự quan tâm tới sự kiện. Nhưng cũng giống như show ca nhạc bán vé với nhiều cấp độ giá vé, ai biết được vé bạn cầm trong tay chỉ là loại nào cho đến khi bạn dắt vào chỗ ngồi. Tất nhiên rằng những người được mời sẽ chẳng bao giờ nói vé của tôi chỉ là hạng xoàng thôi. Ai cũng cố để tỏ ra rằng mình đường đường chính chính xuất hiện.
Vậy nên, những câu chuyện về thảm đỏ của Cannes hãy lắng nghe những người được chính BTC LHP Cannes mời đi với tư cách có tác phẩm tranh giải để hiểu được vị thế của người để người khác “ngước nhìn” như thế nào chứ không phải là tranh thủ tạo dạng trên miếng vải màu đỏ trải dài, biểu tượng của thứ phù phiếm.
Còn nhớ, cách đây vài năm, câu chuyện bi hài về việc gặp Johnny Deep của một nữ diễn viên Việt trên thảm đỏ Cannes. Cô tâm sự rằng được gặp nam tài tử xứ cờ hoa nhưng thực ra là cô nhìn thấy anh ta qua màn hình chiếu khi đã ổn định chỗ ngồi trong rạp chứ không phải là đứng ngay cạnh gần trên thảm đỏ.
Vậy thì có khác gì chúng ta xem chiếu bóng ngay tại dải đất chứ S này đâu cơ chứ!
Truyền thông Trung Quốc cũng đã bắt đầu lên tiếng vì sự “làm lố làm quá” của các diễn viên của họ trên thảm đỏ Cannes. Truyền thông Thái Lan cũng bắt đầu để ý đến hào quang thảm đỏ Cannes khi năm nay xứ chùa Tháp có một ngôi sao xuất hiện tại thành phố phía Nam nước Pháp. Xứ Việt có lẽ “chơi sang” nhất có từ cả vài năm nay. Vậy nhưng, việc góp mặt tại một LHP mà không có bất cứ tác phẩm dự thi, không rõ danh tính người đang rảo bước (trừ khán giả - truyền thông trong nước) thì có lẽ cũng chỉ giống như việc bạn đến một “hội chợ” để khoe mẽ không hơn không kém!
Hãy nghĩ về thảm đỏ đó như một trong những ước mơ lớn nhất đời mình được giới thiệu, được tôn vinh! Vì thế, câu chuyện ai sang hơn trên thảm đỏ cũng chẳng để làm gì, rồi cũng như “đá ném ao bèo”, đánh bõm một cái rồi thôi!