Tập 5 và 6 của Diên Hi Công lược chứng kiến sự nổi lên của nhân vật Thuần phi Tô Tịnh Hảo - người phụ nữ có tâm cơ khó đoán, một lòng một dạ với Phú Sát Hoàng hậu. Bên cạnh đó, vụ án Ngụy Anh Ninh hé lộ tình tiết mới vô cùng chấn động với sự liên đới đến Phú Sát Phó Hằng. Ngoài ra, Thiên Thu tiết - sinh thần của Hoàng hậu đang đến rất gần, trên dưới lục cung đều nô nức quà mừng.
Chiêu “khổ nhục kế”, “giả ngốc” của Ngụy Anh Lạc lần trước có vẻ thành công trót lọt khi cô thoát ra khỏi Trữ Tú cung mà không tổn thương gì nhiều ngoại trừ việc bị ban chè trôi nước củ sen, ăn đến… “nôn thốc nôn tháo”. Tuy nhiên, vẻ ngây ngô ngốc nghếch của Anh Lạc chỉ có thể qua mắt được Cao Quý phi chứ khó lòng qua mặt được Gia tần. Đến đây ta có thể thấy Gia tần càng lúc càng không tầm thường, cô mới đích thực là người đứng sau những âm mưu của Cao Quý phi.
Sáng hôm sau, Anh Lạc đã “thị uy”, làm cho Linh Lung chết khiếp khi ép buộc cô phải ăn bằng hết chén chè hôm qua Cao Quý phi đã ban thưởng cho mình.
Điều này khiến cho Linh Lung vốn đã ghen tị với tài năng của Anh Lạc lại thêm phần ác cảm. Cùng lúc ấy, Phương Cô cô cũng như cung nữ Cẩm Tú vốn cũng không ưa thích gì Anh Lạc. Cả 3 đã gặp nhau, liên thủ và lập mưu, tìm cách hãm hại cô.
Lường trước được chuyện mình đang bị lập mưu bày kế hãm hại, Anh Lạc đã đi trước một bước: giả vờ như mình đang mang thai, dùng đất cao lanh khiến bụng to lên và cố tình để cho Cẩm Tú thấy, khi ăn uống giả bộ nôn như đang lên cơn ốm nghén. Cả ba đã bị Anh Lạc cho “vào tròng” vô cùng dễ dàng, thiết nghĩ một phần do sân hận quá lớn đã khiến họ đã mờ mắt, mất đi lí trí và sự suy nghĩ thấu đáo, kết quả là mắc mưu của Anh Lạc.
Ngô Tổng quản triệu toàn bộ trên dưới phường thêu sau khi Phương Cô cô hăng hái “tố cáo” Anh Lạc gian díu với người ngoài đến mức có thai. Những tưởng sẽ một tay hại chết được cô, nhưng không - lần lượt Nghiêm Ma ma và Trương Ma ma đều khẳng định Anh Lạc hoàn toàn trong sạch. Kết quả: 2 kẻ vu cáo cô đã lãnh hình phạt đích đáng - ngoài bị phạt đòn, Cẩm Tú bị đày thành tiện tì Tân Giả Khố còn Phương Cô cô bị đuổi ra khỏi Tử Cấm Thành.
Giây phút trước khi Phương Cô cô rời khỏi Tử Cấm Thành, Anh Lạc đã bắt bà ta khai hết tất cả những thứ bà biết về chị cô - Ngụy Anh Ninh, còn được biết đến dưới cái tên giả là A Mãn. Sau nhiều lần vòng vo, Phương Cô cô đã phải trả lại chiếc tay nải mà năm ấy Anh Ninh mang vào cung, trong ấy có chứa hai di vật mà cô gái xấu số luôn mang bên mình lúc sinh thời: túi hương do Anh Lạc thêu tặng trước ngày nhập cung và một miếng ngọc bội… Đồng thời tiết lộ Trương Ma ma chính là người nắm giữ bí mật về cái chết oan khuất ấy.
Ngay lập tức, Anh Lạc mau chóng quay về lại phường thêu, sau một hồi đối chất, cô đã thuyết phục được Trương Ma ma tiết lộ về cái chết của chị mình đồng thời biết được miếng ngọc bội Anh Ninh luôn mang bên người là của Phú Sát Phó Hằng - thê đệ của Hoàng đế. Theo đó, Ngụy Anh Ninh vốn là một học trò xuất sắc của phường thêu, không những giỏi về tài nghệ mà còn là một cô gái nhu uyển, thuận hòa. Thế nhưng một hôm kia, cô bị bắt gặp trong tình trạng quần áo xộc xệch, nghi ngờ là đã làm chuyện ô uế, đồi bại cung quy. Khó hiểu hơn, có ai hỏi cô cũng đều trả lời là do mình hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc. Điều chấn động: chính Phú Sát Phó Hằng lại là người có liên can trực tiếp đến việc Anh Ninh thất tiết.
Đêm hôm đó, Hoàng thượng trong lúc đi dạo Ngự Hoa viên đã bắt gặp Thư Quý nhân đang say sưa cất tiếng hát. Tiếng hát cất cao và làm lay động lòng người, chứng tỏ tài nghệ xướng ca của Thư Quý nhân không phải ai cũng có thể sánh kịp.
Những tưởng nhận được thánh sủng, phong quang vô hạn nhưng Thư Quý nhân ngây thơ không ngờ, tưởng là phúc nhưng thực chất là họa! Hoàng thượng nổi giận và bắt cô hát trong Ngự Hoa viên đến sáng. Có thể thấy, càng lúc Càn Long càng thể hiện là một ông vua rất ghét những chiêu trò cố tình để tranh sủng: từ vụ chiếc giày bộ bộ sinh liên của Ô Nhã Thành Đại đợt tuyển tú, đến bây giờ là sự vụ của Thư Quý nhân.
Thuần phi đêm đó làm một hành động khiến cho chúng ta ban đầu không thể hiểu nổi: giữa đêm khuya khoắt lại lệnh cho cung nữ trên dưới chuẩn bị nước để cô tắm gội - nhưng thực chất là muốn làm cho cơ thể mình bị bệnh. Đồng thời, có lẽ Thuần phi đã báo cho Kính Sự phòng tháo thẻ bài thị tẩm của mình xuống…
Đêm đó, khi Lý Ngọc đem các thẻ bài đến cho Hoàng đế lật để chọn phi tần thị tẩm, Hoàng đế đã chú ý đến việc không có thẻ của Thuần phi. Khi hỏi đến thì Lý Ngọc mới bẩm báo rằng Thuần phi đã bị bệnh, làm Hoàng đế xót thương, ngay lập tức hạ lệnh di giá Chung Túy cung. Đến đây, ta có thể thấy Tô Tĩnh Hảo là một nữ nhân mưu mô, không hề tầm thường: cố tình cho thẻ bài của mình không xuất hiện nhưng chính sự biến mất bất thường ấy đã ngay lập tức kéo Hoàng đế đến tẩm cung của mình!
Những tưởng Thuần phi tìm cách “dụ” Hoàng đế đến để hưởng nhận ơn của đế vương, nhưng không: cô đã cố tình nhắc đến chuyện tiền triều ngay trước mặt Hoàng đế vì biết rõ ngài cực kì khó chịu trước việc “hậu cung can chính”. Kết quả là ngồi chưa ấm chỗ, Hoàng đế đã giận dữ rời khỏi Chung Túy cung. Tuy nhiên qua lời nói của Thuần phi, ta có thể hiểu được phần nào cục diện triều chính đang ảnh hưởng đến hậu cung: thế lực của Cao Bân và Ngạc Nhĩ Thái đang là đối trọng lớn nhất trong triều, đó cũng chính là lí do vì sao Cao Quý phi dù khinh nhờn bất kính Hoàng hậu, bá đạo ngang ngược, ngang tàng gieo oán khắp hậu cung nhưng vẫn có thể “nhởn nhơ”, chỉ bị Hoàng đế bắt chép Kinh Phật để tĩnh tâm.
Rời khỏi Chung Túy cung trong thất vọng và có phần tức giận, Hoàng đế tìm được sự an ủi tại Trường Xuân cung…
Tiết Thiên Thu - sinh thần của Hoàng hậu - đang tới gần, đây là dịp lễ lớn trong cung bên cạnh Vạn Thọ tiết - sinh thần của Hoàng đế và Thánh Thọ tiết - sinh thần của Hoàng Thái hậu - 3 ngày lễ lớn trong cung. Khắp nơi đều nô nức chuẩn bị quà mừng cho bậc mẫu nghi thiên hạ: từ Hoàng đế, phi tần lục cung đến tất cả các phường trong Tử Cấm Thành. Phường thêu như thông lệ sẽ dâng lên Hoàng hậu một chiếc Phượng bào làm quà mừng lễ, và năm nay Trương Ma ma đã chọn Ngụy Anh Lạc sẽ là thợ chính thực hiện lễ vật.
Để may Phượng bào không chỉ cần công sức và sự tỉ mẩn của hàng chục cung nữ mà còn phải dùng một loại tơ đặc biệt để may: tơ khổng tước cực kì quý giá. Và nếu chiếc áo được hoàn thành không vấp phải vấn đề gì thì đã không có gì bàn đến! Như một điều… hiển nhiên, chiếc áo bắt buộc phải… bị rách hay gặp rắc rối gì đó ngay sát “giờ G!”
Ngày vui đến, trên dưới lục cung đều tề tựu đông đủ tại Trường Xuân cung trong ngày khánh tiết.
Cao Quý phi là người đến muộn nhất, bên cạnh đó quà mừng của cô như một cú tát thẳng vào mặt Hoàng hậu: một pho tượng Quan Âm Tống Tử. Mặc dù pho tượng mang điềm lành, ý cầu cho nữ nhân mau chóng sinh được hài tử nhưng việc Cao Quý phi dâng lên Hoàng hậu giữa lúc nỗi đau mất con vừa mới nguôi ngoai chả khác nào khơi gợi lại sự mất mát ấy.
Và lúc này, cũng là lúc Anh Lạc được triệu vào điện với chiếc Phượng bào chắc chắn đã không được hoàn thành theo đúng quy chế tổ tông truyền lại…
Đến đây ta có thể thấy một điều rất rõ: Thuần phi mới chính là phi tần nguy hiểm nhất lục cung hiện nay khi tâm cơ của cô có thể xem là thượng thừa, không để ai có thể dò la được tâm ý của mình cũng như những nước đi khó hiểu gây hoang mang đến cục diện hậu cung.
Liệu số phận của Anh Lạc sẽ đi về đâu sau khi dâng một chiếc Phượng bào lỗi ngay Thiên Thu tiết của Hoàng hậu? Thuần phi thực chất là một con người như thế nào? Phó Hằng có thực sự là người góp phần hại chết Phú Sát Anh Ninh?