Khi Trấn Quốc Thái Bình công chúa (Trần Vỹ) “cắn mãi không nhả” Đường Huyền Tông Lý Long Cơ (Mã Tuấn Vỹ) và luôn “vạch lá tìm sâu” mọi điểm yếu của hoàng thượng hòng chặt đứt mọi vây cánh, tâm phúc của chàng; thì Hoàng hậu dường như đã đi ngược lại với điều trước nay luôn ra rả trước mặt Tam lang: Vì đại nghiệp đế vương, sẵn sàng hi sinh tất cả. Năm lần bảy lượt Hoàng hậu mưu hại Trịnh Chiêu Nghi (Châu Tú Na), đã gián tiếp tạo ra hàng tá cái cớ cho Thái Bình công chúa công kích năng lực nhiếp chính của Lý Long Cơ.
Vụ Tử lan thang của Nhậm Tam Thứ (Mã Quốc Minh) và Trịnh Chiêu Nghi hoàn toàn có thể khiến cho Lý Long Cơ bị mất đi một trung thần và cả một ái thê ngoan hiền nếu như không xuất hiện Cam Nhược Thiên (Huỳnh Tâm Dĩnh) đứng ra gánh vác mọi tội trạng.
Nguyên Nguyệt - công chúa Linh Lung (Lưu Tâm Du) đã áp giải chính giai lệnh của nàng là Cam Nhược Thiên lên điện để đầu thú. Cũng chính miệng Cam Nhược Thiên tự nhận đêm hôm đó đã giả dạng làm cung nữ hô hoán có thích khách tại Tử lan uyển. Mục đích của cô ta là dụ dỗ Nhậm Tam Thứ chạy vào thang trì của Tử lan thang. Lấy lí do “vì yêu hóa hận”, Cam Nhược Thiên bỗng chốc trở thành một cô nương suy nghĩ lệch lạc, mù quáng dại khờ. Nhưng đồng thời, thái độ thành tâm hối cải, biết sai biết sửa của nàng ta cũng đáng được du di nên hoàng thượng chỉ định xử phạt Cam Nhược Thiên trượng hình.
Thái Bình công chúa vì “vồ mồi hụt” nhóm người Lý Long Cơ nên quay ra “trút giận”. Bà ta cho rằng hành vi dâm loàn hậu cung, phỉ báng danh dự phi tần của Cam Nhược Thiên nên bị xử chém mới là thích đáng. Thật may mắn, cả công chúa Linh Lung, Trịnh Chiêu Nghi, Hà Li và Nhậm Tam Thứ đều đồng loạt quì xuống van xin gia ân của Thánh thượng. Nên cuối cùng, Cam Nhược Thiên chỉ bị giải vào Đại Lý Tự thụ án 50 gậy. Tuy tránh được cái chết, nhưng Cam Nhược Thiên cũng chịu nỗi thống khổ về thể xác đến mức hôn mê hai ngày, hai đêm.
Mọi sự bắt đầu khi Cam Nhược Thiên cúi xin Nguyên Nguyệt công chúa Linh Lung hãy giao nộp mình cho Lý Long Cơ vì không thể trơ mắt nhìn thấy tình lang Nhậm Tam Thứ chỉ vì oan tình này mà không thể tiếp tục cống hiến sức lực cho Đại Đường. Với nàng ta, Nhậm Tam Thứ là “cây cao bóng cả”, còn bản thân chỉ là “cỏ dại” nương nhờ.
Nhậm Tam Thứ biết được tấm chân tình này của Cam Nhược Thiên qua miệng công chúa Linh Lung thì rơi nước mắt. Chàng đã túc trực chăm sóc nàng ở thái y sứ một bước không rời. Ngay thời khắc Cam Nhược Thiên tỉnh dậy, Nhậm Tam Thứ hứa sẽ tiếp tục đi thả diều với nàng khi nàng hồi phục, và nhất định sẽ yêu thương, chăm sóc nàng suốt đời suốt kiếp.
Lý Long Cơ sau vụ Tử lan thang thì lòng trùng trùng tâm sự. Chàng biết chắc, không phải là cô cô thì cũng là Hoàng hậu một tay bố trí cái bẫy cẩn mật này. Giờ đây, chàng đã buộc phải đề phòng người chung chăn chung gối suốt tám năm qua: Hoàng hậu. Mỗi nụ cười của Hoàng hậu đều khiến chàng phải đề phòng những “âm mưu quỉ kế”. Nó khiến chàng nhớ lại kể từ năm tám tuổi trở đi - giây phút tận mắt nhìn thấy mẫu thân mình là Đậu Đức Phi (tức Chiêu Thành Thuận Thánh Hoàng hậu sau khi được truy phong) bị Tắc Thiên Thánh Hậu khép tội mưu phản xử chết; chàng đã tự dặn bản thân phải che giấu sự tài giỏi của bản thân để tránh xa mọi nguy hiểm chực chờ.
Thật cô độc cho Đường Huyền Tông Lý Long Cơ anh minh, kiệt xuất lại chỉ có mình Hà Li (Tiêu Chính Nam) chia sớt nỗi lòng này với chàng; không phải như quân - thần, mà còn là như huynh - đệ thủ túc.
Mà thật ra, Hà Li cũng chính là giọt máu đích hệ Lý Đường và cũng là thần đệ của Tống Vương Lý Thành Khí (Lý Thiên Tường). Thôi Thực - tay sai đắc lực của Thái Bình công chúa đã dần lần mò ra được cái chết năm xưa của Lưu Hoàng trị phi (tức Túc Minh Thuận Thánh Hoàng hậu sau khi truy phong) có rất nhiều dấu vết đáng ngờ: Túc Minh Hoàng hậu bị hợp táng lúc mang long thai nhưng ngọ tát khám nghiệm tử thi thì lại không hề thấy thai nhi đâu mà chỉ thấy nhau thai ở gần đó.
Thôi Thực bẩm báo tin tức quan trọng này cho Thái Bình công chúa và hứa sẽ sớm tìm ra hoàng nhi thất lạc. Trong lúc cả triều đình ngấm ngầm tỏ ý khó chịu trước một người không phải là trưởng nam đích hệ như Lý Long Cơ lại được làm vua đúng như những gì Thái Bình công chúa “quạt lửa”, thì thông tin cơ mật quí “ngàn vàng” này càng khiến bà ta nung nấu dã tâm “mở ra triều đại huy hoàng của mình”.
Trịnh Chiêu Nghi trải qua bấy nhiêu chuyện nguy hiểm nhưng đều thoát nạn trong gang tấc, nên nàng cũng dần ra hiểu rằng chốn thâm cung “tình người đạm bạc”, phải khéo “đối nhân xử thế” hơn. Nhìn thấy thái độ tuyệt tình của Thái Bình công chúa ở vụ Tử lan thang, Trịnh Chiêu Nghi đã không còn gọi bà ta là “Cửu mẫu” nữa.
Với nàng, công chúa chỉ giờ là công chúa mà thôi. Còn nàng, nàng chính là Chiêu Nghi của hoàng thượng. Sự phân rõ thứ tự trưởng ấu của Trịnh Chiêu Nghi cũng là dấu chấm hết cho âm mưu biến đứa cháu của tiên phu Tiết Thiệu “trở thành quân cờ chính trị” của Thái Bình công chúa. Và sau khi biết Trịnh Chiêu Nghi đã mang long thai, liệu bà ta có hối hận?
Ấy, khoan đã! Vẫn còn một người giận “toé lửa” khi biết tin vui của Trịnh Chiêu Nghi hơn cả Trấn Quốc Thái Bình công chúa nữa. Đó chính là Hoàng hậu!
Trong lúc cao hứng vì biết Trịnh Chiêu Nghi có tin hỷ, Thái Thượng Hoàng Đường Duệ Tông đã ban cho Hoàng hậu đôi trâm ngọc lan và mẫu đơn bằng vàng ròng khen ngợi nàng ta quí phái, thanh nhã.
Đồng thời, Thái Thượng Hoàng cũng ban tặng cho Trịnh Chiêu Nghi đang có long duệ “Kim tương phỉ thúy tam thể lục thốn đồng” lấp lánh, sáng chói hơn hẳn. Thử hỏi, làm sao Hoàng Hậu “nhất quốc chi mẫu” lại chịu đựng được sự lép vế, ấm ức này?
Để vớt vát hi vọng “khai chi tán diệp” cho Đại Đường, Hoàng hậu đã chấp nhận bị roi đánh toàn thân, đả thông kinh mạch theo lời Thái y Văn Tế Sinh (Viên Văn Kiệt). Trả lại “xướng tâm như ý” cho Lý Long Cơ sau vụ Tử lan thang chỉ là kế “hoãn binh” lấp liếm giả tạo trước mặt hoàng thượng của hoàng hậu mà thôi.
Nàng ta vẫn không hề hay biết, hoàng thượng giờ đây đã quá thất vọng tràn trề với nàng ta rồi. Tình nghĩa phu thê ngần ấy năm và sự thương xót cho phận cô quạnh không thể sinh đẻ của Hoàng hậu là thứ duy nhất để Lý Long Cơ giữ lại ngôi vị này cho nàng. Sao Hoàng hậu vẫn không chịu thức tỉnh?
Nếu như từ đầu phim đến giờ, các nhân vật nam đều ít nhiều để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả bởi sự trượng nghĩa, cương trực, tài trí, nặng tình mà ngay cả phò mã gia Võ Du Kị (Tăng Vỹ Quyền) cũng không thể bị xếp vào hàng phản diện; thì sự xuất hiện khá nhiều đất diễn trong ba tập gần đây của nhân vật Thái y Văn Tế Sinh của Viên Văn Kiệt đang bị “auto ném đá” nhiệt tình.
Trong Thâm cung kế, Văn Tế Sinh là kẻ đã hiến kế cho Hoàng hậu Vương Trân vụ Trịnh Chiêu Nghi hít phấn mạn đà la dẫn đến hôn mê suýt bị chết cháy tại tàng thư các, cũng như tạo ra một “cung nữ ma” đổ tội “gian dâm” lên đầu Nhậm Tam Thứ và Trịnh Chiêu Nghi ở Tử lan thang. Không những thế, Văn Tế Sinh lợi dụng cả ân tình quá khứ với biểu tỷ muội “cả tin” Ti trân Từ Tương Tư (La Lâm) và Ti chế Lục Bích Vân (Trương Tuệ Nghi) hòng thoát tội ăn cắp Thiên sơn linh chi quí hiếm - một cống phẩm của Ni bà la vốn được bảo quản trong dược khố.
Vừa mới có tin hỷ của Trịnh Chiêu Nghi chưa bao lâu thì Hiền Thái phi (Lữ San) bất ngờ qua đời trong lúc ngủ khiến Thái Thượng Hoàng đau lòng khôn tả.
Lý Long Cơ sau khi phát hiện Hiền Thái phi trúng độc thủy ngân thì liền khẩn cầu Thái Thượng hoàng được khám nghiệm tử thi bất chấp sự phản đối của cả Hoàng hậu và Thái Bình công chúa. Hiếm khi nào mà cả hai vị nữ chủ nhân quyền lực chốn hậu cung lại “đồng thanh đồng khí” đều cho rằng làm cơ thể Hiền Thái phi không còn lành lặn là điều “đại nghịch bất đạo”. Tuy vậy, để tiên thê được an nghỉ nơi suối vàng, Thái Thượng Hoàng vẫn ân chuẩn lời đề nghị của Lý Long Cơ.
Trước khi nhắm mắt, Hiền Thái phi đã nặng lời quát tháo cả Hoàng hậu lẫn Thái Bình công chúa. Nếu như Hoàng hậu bị chỉ trích “cuồng vọng tự cao” thì Thái Bình công chúa cũng phải nghe những lời xỉa xói “lòng dạ bất chính” dẫn đến chốn hậu cung “thượng bất chính, hạ tắc loạn” từ Hiền Thái Phi.
Cái chết đầy đột ngột của Hiền Thái phi cũng đã khiến Long Vũ Quân đến thái y sứ điều tra gấp rút. Vì thế mà Văn Tế Sinh chưa kịp tẩu tán linh chi mà hắn đã ăn cắp hòng bán lấy tiền.
Chẳng ngờ Từ ti trân vừa mới nghe ý trung nhân phải xuất cung đã không ngần ngại bán đứng “biểu tỷ muội” Lục Ti chế bằng cách giá họa. Trong phòng Lục Ti chế vừa có ngân lượng, vừa có linh chi nên dĩ nhiên bị Long Vũ Quân bắt về tra xét. Đến lúc này Lục ti chế mới vỡ lẽ là Từ Ti trân vừa “dại trai”, vừa thù dai đến vậy. Hóa ra Từ ti trân vẫn chưa hoàn toàn quên mối thù của đời trước, cộng với việc mù quáng tin tưởng Văn Tế Sinh mà vu tội cho mình.
Tập 30 Thâm Cung kế tiếp tục được phát sóng tối thứ sáu, ngày 29/6/2018 lúc 19h trên TVB. Mời các bạn đón xem!