Một trong hai bộ phim Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp trên màn ảnh rộng trong nước là Song Lang và Chàng vợ của em. Trong đó, Chàng vợ của em đánh dấu sự trở lại của bộ đôi đạo diễn - diễn viên ăn ý Charlie Nguyễn và Thái Hòa; còn Song Lang “cộp mác” nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, xoay quanh đề tài cải lương, đam mỹ, và có sự góp mặt của “chàng thơ” điện ảnh Việt - Isaac. Song, tác phẩm hài, lãng mạn của Thái Hòa và Phương Anh Đào đã trội hơn hẳn chuyện tình Isaac - Liên Bỉnh Phát về cả doanh thu và dấu ấn đối với khán giả.
Bộ phim hiếm hoi “cộp mác” Ngô Thanh Vân chịu ở thế yếu?
Trước khi thực hiện Song Lang, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân là bảo chứng vàng cho nhiều bộ phim điện ảnh, điển hình phải kể đến là Tấm Cám: Chuyện chưa kể và Cô Ba Sài Gòn. Hiếm có bộ phim nào không được CGV phát hành vẫn thu về con số doanh thu khả quan như Tấm Cám: Chuyện chưa kể; trong khi đó, Cô Ba Sài Gòn cũng trội hơn hẳn những đối thủ còn lại ở phòng vé, được khán giả yêu thích và đánh giá cao. Không những thế, kế hoạch dài hơi xây dựng nên “Vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam” của “đả nữ” cũng nhận sự ủng hộ mạnh mẽ từ người hâm mộ, hứa hẹn hàng loạt siêu phẩm “cộp mác” Ngô Thanh Vân trong tương lai.
Không ngoa khi khẳng định Ngô Thanh Vân và ê-kíp làm phim luôn có những kế hoạch truyền thông bài bản, thông minh trước và sau khi phát hành phim. Điều đó đem lại sự kì vọng lớn cho khán giả đối với Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Cô Ba Sài Gòn; và cũng khiến người xem phải nhắc mãi về hai bộ phim này ngay cả khi đã xem xong. Dự án phim Song Lang cũng không ngoại lệ, song đây là lần hiếm hoi, một bộ phim gắn mác nhà sản xuất Ngô Thanh Vân chịu thế yếu trong cuộc đua phòng vé.
Song Lang được truyền thông rầm rộ trước khi phát hành, nhận không ít đánh giá tích cực từ giới mộ điệu, song vẫn không đủ sức kéo khán giả ra rạp và dĩ nhiên, dự án phim thu về doanh thu không như kì vọng. Song dường như đây là kết quả mà cả đạo diễn Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã dự đoán và chuẩn bị sẵn tinh thần từ trước. Bởi, bộ phim lấy đề tài cải lương và đam mỹ vốn kén người xem lại trực tiếp cạnh tranh với hàng loạt phim Việt hài hước, dễ xem ra rạp cùng thời điểm.
Phim hài-lãng mạn Việt Nam vẫn thường ở “chiếu trên”?
Đối thủ phòng vé trực tiếp của Song Lang là bộ phim tình cảm, lãng mạn Chàng vợ của em. Dự án phim đánh dấu sự trở lại của “cặp bài trùng” đạo diễn Charlie Nguyễn - diễn viên Thái Hòa, và sở hữu điểm sáng là “nàng thơ” màn ảnh rộng Việt Nam 2018 - Phương Anh Đào. Chàng vợ của em là câu chuyện đáng yêu nhưng không kém phần ngọt ngào, có tinh thần nữ quyền chủ đạo và không quên nêm nếm những miếng hài duyên dáng, bớt tục, bớt thô của Thái Hòa. Tác phẩm đem đến cho khán giả một trải nghiệm nhẹ nhàng bằng kịch bản chắc tay với công thức đầy đủ, an toàn.
Và rõ ràng chỉ cần như thế, một bộ phim tình cảm-hài Việt Nam đã chiếm được tình cảm của khán giả trong nước. Điểm lại những dự án phim đã gia nhập “Câu lạc bộ trăm tỷ” của màn ảnh Việt như Em chưa 18, Để Mai tính 2, Em là bà nội của anh, Siêu sao siêu ngố; đây đều là các tác phẩm hài, lãng mạn, với công thức quen thuộc gồm câu chuyện thú vị, “phản ứng hóa học” ngọt ngào, những miếng hài duyên dáng, chừng mực và nữ chính xinh đẹp, tươi mới.
Bởi những bộ phim này hướng đến đông đảo khán giả hơn, đáp ứng mục đích chủ yếu của người xem là xem để cười, để giải trí, và Chàng vợ của em cũng không ngoại lệ. Trong khi đó, Song Lang của Ngô Thanh Vân cùng lúc khai thác đề tài cải lương và đam mỹ vốn rất kén người xem. Dẫu phim đã tái hiện trọn vẹn một Sài Gòn những năm 1980, thời điểm mà cải lương len lỏi vào từng ngóc ngách, từng câu chuyện; thì vẫn không thể thu hút khán giả mọi miền ra rạp, vì đây là loại hình âm nhạc còn xa lạ với người xem miền Bắc, miền Trung.
Không những thế, từ những con hẻm nhỏ vắng lặng với tòa chung cư cũ kỹ, loang lổ, cho đến ánh đèn vàng vọt hắt lên hai số phận ngang trái trong Song Lang đều đem đến cho người xem một cảm giác trầm buồn, u uất. Mối quan hệ giữa hai người con trai và cái kết lưng chừng của bộ phim cũng làm khán giả hụt hẫng. Mặt khác, cảnh hôn bị cắt hay những tình tiết gây cười ít ỏi khó đáp ứng mục đích giải trí của người hâm mộ. So với các dự án phim hài, lãng mạn, Song Lang yếu thế là điều không khó lý giải.
Khó có bộ phim nào vừa thể hiện tối đa tính nghệ thuật, vừa thành công về mặt thương mại, ngay cả những tác phẩm gắn mác Ngô Thanh Vân và nam diễn viên Isaac. Tấm Cám: Chuyện chưa kể vẫn làm người xem choáng ngợp vì bối cảnh lộng lẫy và chuyện tình yêu ngọt ngào, Cô Ba Sài Gòn thu hút khán giả bởi yếu tố hài hước, giải trí lồng ghép vào thông điệp về áo dài. Chính vì thế, người hâm mộ Song Lang chỉ có thể mong rằng, tác phẩm sẽ giành những giải thưởng nghệ thuật, để đền đáp cho cố gắng của một ê-kíp tử tế, nghiêm túc làm nên câu chuyện nhiều ám ảnh về hai chàng trai yêu cải lương.