Phim Ảnh

'Song Lang' - Nơi những đường thẳng song song cắt nhau!

Phương Thảo
Chia sẻ

"Song Lang" giống như bức tranh vẽ những cặp đường thẳng song song. Và có lẽ chỉ ở vũ trụ được nhào nặn bởi đạo diễn Leon Quang Lê, những đường thẳng tách rời ấy bất ngờ cắt nhau một cách kì diệu.

Khó có thể coi Song Lang của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Leon Quang Lê là một bộ phim đam mỹ hay cải lương đơn thuần, bởi tác phẩm lôi cuốn, chân thực và gần gũi nhiều hơn thế. Trong vỏn vẹn hơn 90 phút, Song Lang vừa giới thiệu, vừa kể chuyện, vừa không quên để lại hàng ngàn câu hỏi cho người xem, đồng thời truyền tải những triết lý qua từng mảnh đời, từng câu chuyện.

Bộ phim là câu trả lời rõ ràng nhất cho khán giả trước những nghi ngại khi phim cùng lúc khai thác cả đề tài cải lương lẫn đam mỹ. Để gói gọn ngần ấy nhiệm vụ trong thước phim dài hơn 90 phút, Song Lang giống như bức tranh vẽ những cặp đường thẳng song song. Và có lẽ chỉ ở vũ trụ được nhào nặn bởi đạo diễn Leon Quang Lê, những đường thẳng tách rời ấy bất ngờ cắt nhau một cách kì diệu.

Kép hát Linh Phụng và gã giang hồ Dũng “Thiên lôi”

Hai đường thẳng song song chủ đạo của Song Lang chắc chắn là hai con người với hai mảnh đời khác nhau: kép hát Linh Phụng (Isaac) và Dũng “Thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát). Dũng “Thiên lôi” là gã giang hồ mang vẻ ngoài bụi bặm, lạnh lùng và có tính cách cục cằn. Anh đã quá quen với cảnh đâm thuê chém mướn, sống bằng tâm niệm: “Sai đâu đánh đó”. Thế nhưng, Dũng “Thiên lôi” lại là “con nhà nòi” của cải lương, dù từ lâu đã chọn từ bỏ môn nghệ thuật này.

Trong khi đó, kép hát Linh Phụng bước chân đến con đường cải lương bằng đam mê từ thuở nhỏ. Anh đã đánh đổi không ít và cháy hết mình vì ước mơ. Rời xa nhà đi theo đoàn hát, bất chấp sự phản đối của gia đình và dường như quên cả yêu, Linh Phụng cứ thế sống thật nhiều cuộc đời trên sân khấu. Song phải chăng cũng bởi vậy, anh thiếu đi cảm xúc thật trong lời hát của mình.

Hai con người tưởng chừng hoàn toàn trái ngược ấy lại gặp nhau trong một hoàn cảnh éo le, một người đi đòi nợ thuê, một người là con nợ “hộ”. Tính cách khác biệt giữa Linh Phụng và Dũng “Thiên lôi” không chỉ được xây dựng “cho có”, mà thể hiện ngay từ từng hành động, lời thoại. Một kẻ thực tế, một người mộng mơ; một kẻ vì ngang trái trong cuộc đời mà từ bỏ dòng máu nghệ sĩ, một người không bao giờ thỏa hiệp với những thứ dung tục, cạm bẫy. Song chỉ khi hai đường thẳng song song ấy cắt nhau, Linh Phụng mới nhận ra rằng, thì ra gã giang hồ kia cũng không bất cần đến vậy; và Dũng “Thiên lôi” tìm thấy được sự đồng cảm, thấu hiểu từ thỏi “nam châm trái dấu” với anh.

“Song Lang” của cải lương và câu chuyện song lang đam mỹ

Bộ phim của đạo diễn Leon Quang Lê đã gây xôn xao ngay từ khi công bố vì cùng lúc khai thác hai đề tài khó là cải lương và đam mỹ. Hai khía cạnh vốn chưa bao giờ được đặt cạnh nhau nay đã xuất hiện chung trong một câu chuyện. Sự độc đáo này còn được thể hiện từ tên phim, song lang là nhạc cụ của nghệ thuật cải lương, đồng thời cũng có nghĩa là hai người đàn ông.

Song tác phẩm đã kết hợp hai đề tài không dễ dàng ấy một cách hết sức tự nhiên, chân thực. Cải lương không hiện lên như một môn nghệ thuật hàn lâm, khó hiểu; mà trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, len lỏi vào từng ngõ ngách của Sài Gòn những năm 80. Vở kịch cải lương nổi tiếng của kép hát Linh Phụng về Mỵ Châu, Trọng Thủy là một cách tiệm cận thông minh vì tích thành Cổ Loa là câu chuyện mỗi người Việt đều nằm lòng.

Mối quan hệ hơi hướng đam mỹ của kép hát Linh Phụng và Dũng “Thiên lôi” cũng vậy: tự nhiên, chân thành và dễ được khán giả đón nhận. Những rung động giữa hai người đàn ông có cách thể hiện rất khác, đó là sự quan tâm nhỏ nhặt, vài cảm xúc khác thường của người nghệ sĩ chưa bao giờ yêu, và cũng là sự thấu hiểu đến gần như “tâm linh tương thông” của hai kẻ bên nhau vỏn vẹn một đêm.

Và đến khi đam mỹ và cải lương hòa vào làm một, Dũng “Thiên lôi” lỡ nhịp “song lang” ngay trước thềm Thiên Lý, kép hát Linh Phụng rơi nước mắt trong vở kịch đã diễn đi diễn lại cả trăm lần. Có thể nói rằng, khi hai đường thẳng mang tên cải lương và đam mỹ cắt nhau lần cuối, cũng là lúc khán giả thực sự thảng thốt, vỡ òa.

“Song Lang”: Khúc hát vừa chậm rãi, vừa nhanh đến “chẳng kịp trở tay”

Câu chuyện của kép hát Linh Phụng và gã giang hồ Dũng “Thiên lôi” được mở đầu bằng những tình tiết chậm rãi và có phần rời rạc. Cho đến nửa bộ phim, hai nhân vật chỉ chạm vào đời nhau qua cái nhìn hững hờ và vài câu hỏi không đầu cũng chẳng đuôi. Nhịp điệu đó hoàn toàn phù hợp với gam màu cũ kĩ, ám vàng của Sài Gòn những năm 80, cả thành phố đang trôi chậm rãi theo vài ba khúc bolero mở từ radio của một ngôi nhà nào đó trong ngõ hẻm.

Và có lẽ tiết tấu chậm rãi của bộ phim đã khiến người xem lơ là, để rồi thảng thốt không tin rằng câu chuyện đã thực sự kết thúc, hoặc chỉ còn lại trong những tưởng tượng của người hâm mộ. Khán giả xâu chuỗi và chợt nhận ra rằng, mỗi tình tiết, mỗi câu nói tưởng chừng như rời rạc và thừa thãi ở đầu phim đều đóng vai trò quan trọng trong diễn biến phim, cũng như thông điệp tác phẩm muốn truyền tải.

Thì ra không chỉ ở nhân vật và nội dung phim, mà ngay cả cấu trúc của bộ phim cũng đối lập không kém. Đó là một sự đối lập nhưng không hề mâu thuẫn, giúp câu chuyện giữa Linh Phụng và Dũng “Thiên lôi” cứ bám theo khán giả mãi cho đến lúc ra về. Không ngoa khi khẳng định rằng, Song Lang là một bộ phim đậm chất nghệ thuật, nhưng vẫn có đầy đủ yếu tố để chiếm được tình cảm từ người xem và thắng về mặt thương mại.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất