Phim Ảnh

‘Song Lang’: Chỉn chu trong từng chi tiết, nhưng… có quá nhiều tiếc nuối

Lạc Lạc
Chia sẻ

Thành phố Sài Gòn cũ kỹ và bí bách năm 80 hiện lên rõ mồn một bởi góc quay và gam màu nhưng nội dung của “Song Lang” lại chưa đủ để chạm đến trái tim của khán giả.

Mùa hè năm 2018 quả là một năm đầy hấp dẫn cho cộng đồng hủ nữ nói riêng khi hàng loạt các phim thuộc chủ đề đam mỹ được sản xuất và phát sóng không chỉ riêng Trung Quốc mà còn có cả ở Việt Nam. Song Lang - một tác phẩm mới của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Leon Lê - với đề tài được khai thác là cải lương và đam mỹ, hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía truyền thông lẫn khán giả.

Song Lang ra đời tạo nên một cuộc tranh cãi trái chiều từ phía khán giả. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một tác phẩm hay và day dứt, thế nhưng cũng có không ít người cho rằng tác phẩm chẳng có cao trào, cũng chẳng có kết thúc, câu chuyện tình của kép hát Linh Phụng (Issac)Dũng “thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát) cứ nhàn nhạt thế nào. Theo bạn thì Song Lang có hẳn là một tác phẩm hay hay không?

Chỉn chu trong từng cảnh quay, gam màu…

Có thể nói, bất cứ tác phẩm nào từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng đều vô cùng chỉn chu trong từng chi tiết, phân cảnh, góc quay và thậm chí là gam màu của toàn phim. Như Cô ba Sài Gòn, Song Lang lần này cũng đã thành công khắc hoạ được bối cảnh sau giải phóng những năm 80 của Sài thành quen thuộc. Cả một thành phố cũ kỹ và đẹp đã được gói gọn lại chỉ qua những góc quay được lựa chọn kỹ lưỡng từ phía đoàn làm phim.

Thành phố Sài Gòn những năm 80 hiện lên như một người trẻ đang đứng giữa ngã ba đường chẳng biết tiến hay lùi, bởi lẽ đằng sau là sự hào nhoáng của một “hòn ngọc Viễn Đông” lẫy lừng từng được nhiều quốc gia khác hâm mộ và là “miếng mồi ngon béo bở”, phía trước lại là một sự thay đổi 360 độ và chẳng còn gì là của riêng mình. Sài Gòn những năm 80 ngột ngạt, bí bách vì buộc phải chuyển mình để phù hợp với lối sống của cuộc Cách mạng Đổi mới, nhưng lại phải nề hà không chấp nhận bởi đã quen với cuộc sống phồn hoa của những ngày xưa hoa lệ.

Cũng trong Song Lang, từng khung cảnh quen thuộc qua bao nhiêu năm nơi Chợ Lớn rộn ràng được hiện lên rõ mồn một và trước mắt người xem, Chợ Lớn được khắc hoạ với gam màu buồn hiu hắt nhưng nhịp sống vẫn hối hả, nhộn nhịp kiếm tiền lo cho gia đình của người dân trong khoảng thời gian “giao mùa” thế này. Dường như khi nhắc đến Sài Gòn, người ta vẫn sẽ xem “tiểu khu” Chợ Lớn như một đặc trưng văn hoá mà không bất cứ thành phố nào có thể có được.

Chỉn chu trong từng chi tiết của Song Lang còn được thể hiện qua những cái ý nhị, những mong muốn của những phận đời lênh đênh trong đoàn cải lương Thiên Lý. Thời ấy, khi mà Sài Gòn được giải phóng khỏi sự hào nhoáng của “Hòn ngọc Viễn Đông”, có người đã nghĩ rằng vượt biên là một lựa chọn hoàn hảo dành cho họ, những con người gắn liền cuộc đời với nghề cải lương nói riêng và người dân nói chung. Và vì lẽ đó, rất nhiều người phụ nữ, gia đình đã chấp nhận rủi ro, thậm chí là tính mạng để mà vượt biên, sang vùng đất mới chỉ vì mong muốn có một cuộc sống khác hơn. Bên cạnh đó, nghệ thuật cải lương của những năm 80 đã không còn thịnh hành những tuồng cổ, thay vào đó là những tác phẩm mang đậm tính xã hội để tuyên truyền.

Thế nhưng nội dung lại nhiều tiếc nuối!

Chỉn chu là thế, nhưng Song Lang cũng đầy rẫy thiếu sót khi nội dung câu chuyện tình của kép hát Linh Phụng và gã đòi nợ thuê Dũng “thiên lôi” lại hoàn toàn mờ nhạt. Linh Phụng và Dũng rõ ràng là hai người thuộc hai tầng lớp khác nhau, lại va vào đời nhau một cách tình cờ. Người thuộc thành phần nghệ thuật, cháy với đam mê, còn kẻ giang hồ “đâm thuê chém mướn”, quá quen với cuộc đời đánh đấm, lại có thể đồng điệu với nhau đến lạ chỉ sau một đêm tâm tình.

Chuyện tình của Linh Phụng và Dũng cũng chẳng có cao trào, lại không có kết thúc, không một câu yêu được nói ra, cũng chẳng có hành động nào quá nổi bật để gọi đó là tình yêu giữa hai người đàn ông giữa lúc xã hội vẫn còn đầy rẫy bảo thủ, bất công và định kiến.

Song Lang tập trung quá nhiều vào những cảnh quay gợi nhớ về thành phố cũ kỹ đẹp đẽ Sài Gòn, nhưng lại quên mất cần phải tập trung khai thác tình cảm của hai nhân vật chính và tình cảm đẹp đẽ có thể nảy nở giữa họ. Linh Phụng là một chàng trai đầy nhiệt huyết với cải lương, nhưng lại thiếu hụt cảm xúc tình yêu, là một người sống cảm tính nhiều hơn. Chính vì vậy, khi được thoải mái tâm tình với Dũng trong một đêm ngắn ngủi ấy, Linh Phụng đã yêu chàng trai giang hồ lương thiện ấy. Qua từng cử chỉ, ánh mắt của Phụng, khán giả có thể thấy rõ được tình yêu đầu đời ấy.

Trong khi đó, Dũng lại là một chàng trai trải qua những bạc bẽo của đời để trưởng thành, chứng kiến hết thảy mọi cái xấu xa nhất, nên anh luôn có một cái nhìn đầy khinh khỉnh với đời và dù bản tính lương thiện, nhưng vẫn bị đời xô ngã thành những gã giang hồ lạnh lùng, đòi nợ thuê không sợ trời không sợ đất. Về bản chất, Dũng vẫn là một người cảm tính, nhưng lý trí của anh không cho phép anh phải thể hiện điều đó ra bên ngoài, bởi lẽ, anh cần phải mạnh mẽ đủ để ít nhất có thể bảo vệ được bản thân mình. Vậy nên, khán giả có thể “mấp mé” thấy rằng Dũng để ý đến Linh Phụng qua phân đoạn anh để radio phát bài hát của Phụng, thế nhưng nó không đủ mạnh để cho rằng đó chính là tình yêu “không nói nên lời” của Dũng.

Chỉn chu trong từng cảnh quay, gam màu…

Song Lang có lẽ cần nhiều hơn những cảnh quay về bùng nổ trong cảm xúc của Linh Phụng và Dũng. Thay vì tập trung quá nhiều trong đề tài cải lương, nếu vẫn muốn xoay quanh chuyện tình của hai nhân vật, đạo diễn hẳn là nên dành phần nhiều trong việc khai thác cảm xúc và những khoảnh khắc của cả hai hơn nữa. Bởi lẽ, mối quan hệ của Linh Phụng và Dũng hiện lên trong phim không đủ mạnh để đại diện cho một mối tình, họ đơn giản giống như những người bạn tri giao, nhiều hơn bạn bè, nhưng lại chẳng phải là tình yêu.

Dù còn nhiều thiếu sót trong việc xây dựng kịch bản, Song Lang vẫn là một tác phẩm nên xem để mường tượng ra một Sài Gòn ngột ngạt của những năm đầu sau giải phóng.

Chia sẻ

Bài viết

Lạc Lạc

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất