Sóng gió gia tộc 3 đã trải qua hơn nửa chặng đường (25/40 tập), nhưng điểm gây tranh luận nhiều nhất phim không phải là những nhân vật phản diện khiến người xem “nghiến răng nghiến lợi” hay những tình tiết gia đình nhân văn sâu sắc mà là việc nhà sản xuất đã dành quá nhiều đất diễn cho cặp đôi “ngoài luồng” Huỳnh Dĩ Ái - Nic Trịnh Lập An. Hàng loạt những cảnh lộ da thịt nóng bỏng của hai diễn viên Trần Mẫn Chi, Đường Văn Long bị lam dụng quá mức khiến cho Sóng gió gia tộc 3 mất điểm ghê gớm.
Nhân vật Nic Trịnh Lập An của Đường Văn Long ban đầu xuất hiện với hình tượng hoàn mỹ nhưng khi nói lời chia tay Dĩ Ái trong tập 26 thì chỉ đơn giản lôi… lí luận kế toán ra nói đã làm cho câu phía sau của anh là“tình thân ở trên đời là quan trọng nhất, anh cũng chọn gia đình rồi!” trở nên vô cùng giả tạo. Từ hình tượng người chồng - người cha mẫu mực, Nic hiện nguyên hình như gã đàn ông hèn hạ, vô trách nhiệm. Đây cũng là tình tiết biên kịch xử lí non tay đáng tiếc cho một tuyến nhân vật vốn dĩ có nhiều đất khai thác này, cũng là màn comeback TVB sau nhiều năm không trọn vẹn của Đường Văn Long.
Nic - Dĩ Ái cũng là cặp tình nhân tạo hiệu ứng nhất phim, tất nhiên là theo cách tiêu cực cũng chỉ bởi diễn biến tình cảm của 2 cặp còn lại đều thiếu sức hút. Dù Vương Hạo Tín hay Sầm Lệ Hương tuy ngoại hình khá đẹp đôi nhưng những “tia lửa tình” lại rất yếu ớt, lối diễn chênh phô. Dẫu biết Vi Gia vẫn đang yêu đơn phương Bối Nhi nhưng biểu hiện của Vương Hạo Tín còn kém xa những lần anh từng thể hiện khía cạnh “nhất kiến chung tình” làm bao fans nữ “tan chảy” trong Binh đoàn phái yếu, Hình cảnh… Bên cạnh đó, Huỳnh Tông Trạch phối hợp với Huỳnh Thúy Như cũng không phải quá tệ nhưng sự phát triển cặp đôi Lăng Thừa Phong - Phương Hi Văn bị “bỏ bê”. Hi Văn chỉ giống như “chiếc lá xanh” tô điểm phụ trợ cho nhân vật Lăng Thừa Phong vậy, khá nhạt nhòa.
Nếu xét về mặt tích cực, dù bị “cắt xén” nhiều đất dụng võ cũng như các nhân vật của bộ ngũ gạo cội hơi thiếu đột phá nhưng diễn xuất lão luyện, duyên dáng của họ gần như là điểm sáng hiếm hoi của bộ phim. Lý Tư Kỳ thể hiện sống động sự nóng nảy, dữ dằn nhưng công tư phân minh trong công việc lẫn vai trò “quyền lực mềm” nhà họ Huỳnh. Mễ Tuyết toát lên được khí chất thượng lưu trưởng giả, “trọng giàu khinh nghèo” tinh tế. Hạ Vũ hóa thân thành một ông chủ làm việc mềm lòng, cả nể khá tròn trịa. Quan Cúc Anh vẫn thể hiện được bộ mặt đáng ghét của một người phụ nữ trung niên chanh chua ưa chọc ngoáy. Nguyễn Triệu Tường với lối diễn trào phúng chân dung người đàn ông tài hèn sức mọn thích “làm màu” tạo được tiếng cười châm biếm.
Thành ra nếu phải chọn một nhân vật đỉnh nhất của Sóng gió gia tộc 3 thì quá khó. Không phải vì nhiều quá không biết chọn ai như trong 2 “người anh” trong series mà là vì việc phân bố đất diễn thiếu hợp lí vô tình khiến tình trạng “kẻ thiếu, người thừa” diễn ra. Úp mở Lăng Thừa Phong như “trùm cuối” cũng chỉ là chiêu đòn không mấy “ép phê”.
Sự sáng tạo của Sóng gió gia tộc 3 nằm ở chỗ xây dựng tình huống kèn cựa lợi ích thương trường của 2 gia tộc riêng biệt dẫn đến đấu đá hào môn thay vì đấu đá nội bộ gia tộc rồi mới đem nhau ra tòa tranh chấp “miếng bánh lớn” như 2 phần trước. Thành ra sự kịch tính, cao trào, căng thẳng có thể nhiều hơn nhưng mặt trái là phim là đã giảm bớt đi khá khá thông điệp sâu sắc, ý nghĩa về tình thân trong gia đình. Vì thế, dù tạo hình vai diễn, ngoại cảnh của Sóng gió gia tộc 3 qui mô có lớn cỡ nào cũng chỉ làm cho bộ phim trở nên lạ lẫm với khán giả Hong Kong, không khác mấy trường hợp của Mất dấu 2 công chiếu cách đây không lâu mà thôi.