Thời gian vừa qua, một “cơn bão” của Thái Lan mang tên The Stranded (Mắc kẹt) đã đổ bộ vào mảnh đất Netflix và làm mưa làm gió trên mảnh đất này. Có thể nói rằng, The Stranded là tác phẩm gốc đầu tiên của Thái Lan được phát hành trên Netflix và gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với người xem khó tính ở nền tảng này. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhận được phản hồi tích cực, bộ phim cũng không thể tránh khỏi sự soi xét của những khán giả “kĩ tính”, đặc biệt là những fan của những dòng phim về chủ đề sinh tồn. Ngay từ khi phát sóng, The Stranded đã bị đưa lên bàn cân để so sánh với hai tác phẩm là Lost của Mỹ và Missing Nine của Hàn Quốc vì sự giống nhau ở thể loại phim.
Không khó để có thể nhận ra cả ba bộ phim đều xoay quanh câu chuyện một nhóm người cùng nhau mắc kẹt tại một hòn đảo do thiên tai hoặc do tai nạn “từ trên trơi rơi xuống”. So với hai bộ phim còn lại, The Stranded có phần khác hơn một chút khi những nhân vật bị đẩy vào tình thế “tréo ngoe” là những bạn sinh viên trẻ, còn đối với Lost và Missing Nine thì những nhân vật đều là những người trưởng thành và giàu kinh nghiệm sống hơn. Nhưng tuổi tác không thành vấn đề ở câu chuyện này, bằng chứng là các bạn trẻ trong The Stranded khi bị mắc kẹt ở hòn đảo này vẫn cố gắng xoay xở và tìm cách liên lạc với đất liền, không hề kém cạnh các anh chị lớn ở hai bộ phim trên. Bên cạnh độ tuổi của nhân vật, The Stranded còn ghi được điểm cộng nhờ sử dụng tốt chất liệu dân gian, yếu tố truyền thuyết để tạo sự huyền bí cho phim.
Về đối thủ nặng đô, Lost, series dài sáu phần này đã trở thành một trong những bộ phim truyền hình ăn khách nhất của Mỹ và thu về được rất nhiều danh tiếng cũng như giải thưởng. Lost có phần nội dung “hardcore” - kịch tính hơn khi mỗi tập phim lại hé lộ một bí mật về mỗi nhân vật, và diễn biến phim ngày càng phức tạp khiến người xem như bị cuốn theo dòng chảy của bộ phim.
Tuy nhiên, tác giả của Lost đã hơi tham lam khi mở ra quá nhiều tình tiết khiến việc đóng lại chúng chưa thực sự làm khán giả thoả mãn. Hơn nữa, do quá tập trung vào việc dựng lên những trở ngại để các nhân vật vượt qua, Lost lại vô tình quên đi việc khai thác sâu vào tâm lí nhân vật khiến các nhân vật xử lí tình huống một cách gượng ép (dưới bàn tay của tác giả) chứ không hề tự nhiên theo bản năng của nhân vật.
Cũng tương tự Lost, Missing Nine là câu chuyện về vụ tai nạn máy bay khiến chín hành khách may mắn sống sót bị dạt vào đảo hoang. Mỗi tính cách của mỗi nhân vật cũng được thể hiện rõ khi phải tách biệt với thế giới trong một khoảng thời gian dài. Trái với Lost, Missing Nine đã đánh mạnh vào tâm lí nhân vật và khéo léo khi dùng nó làm công cụ đẩy các mâu thuẫn của các nhân vật lên tới đỉnh điểm. Giữa những dramma gay cấn, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, Missing Nine như một làn gió mới thổi vào vùng đất phim Hàn khiến khán giả thích thú.
Thế nhưng, điều khiến Missing Nine vẫn chưa được điểm mười chính là cái kết của bộ phim thực sự khiến khán giả hụt hẫng. Trong khi cả diễn biến bộ phim đều đào sâu vào tính cách và tâm lí của nhân vật để tạo ra những mâu thuẫn khiến bộ phim trở nên kịch tính thì kết phim lại được tác giả dùng tính cách ích kỉ, hèn nhát của nhân vật phản diện để đổ hết tội lỗi cho người khác nhằm giúp bản thân thoát tội.
Về thể loại phim kinh dị-giật gân thì khán giả luôn bị ấn tượng bởi các bộ phim Thái Lan, The Stranded lần này cũng không ngoại lệ. Các cảnh quay của The Stranded dù ở tận dưới biển hay tít trên cao đều được trau chuốt một cách tỉ mẩn vì để theo đúng tiêu chuẩn của Netflix.
Đối với series mười năm tuổi, Lost, người xem có thể thấy được sự đan xem giữa không gian và thời gian, sự thay đổi giữa không gian trên hoang đảo hiện tại và không gian đất liền trong quá khứ nhằm tạo sự đối lập giữa hai bối cảnh.
So với hai “người bạn” trên thì Missing Nine có lẽ mang hình ảnh tươi sáng hơn một chút. Không đen tối đáng sợ như Lost, không kì bí kinh dị như The Standed, Missing Nine tuy cũng ở hoang đảo nhưng khung cảnh hiền hoà, có chăng điều đáng sợ nhất ở hòn đảo này có lẽ là lòng dạ con người thôi.
Một điều khiến The Stranded hơn hai bộ phim còn lại là sở hữu dàn diễn viên trẻ đẹp và tài năng. Nhìn chung, mặt bằng diễn xuất của các diễn viên ổn và đúng với lứa tuổi. Đối với các tuyến nhân vật chính thì diễn xuất ấn tượng hơn khi thể hiện đúng tính cách nhân vật trong phim.
Lost tuy sở hữu những diễn viên có thực lực nhưng cách họ thể hiện nỗi sợ của mình qua diễn xuất lại chưa thật sự chinh phục được khán giả.
Còn về phần Missing Nine, chẳng cần dàn minh tinh nổi đình đám, những gương mặt mới vẫn chinh phục được khán giả với khả năng diễn xuất mượt mà của mình. Đây có thể nói là một lợi thế tạo nên thành công của bộ phim này.
Bất cứ bộ phim nào cũng có thế mạnh riêng và chinh phục được những nhóm khán giả của riêng mình. Ở thời điểm hiện tại, The Stranded có lẽ sẽ được nhiều người nhắc đến hơn vì câu chuyện mang màu sắc mới mẻ, gắn liền với giới trẻ, đồng thời phản ánh được một phần văn hoá dân gian Thái Lan, tạo được sự tò mò cho người xem.